Nỗi lòng cha mẹ già nơi phố thị: Nhớ “mùi” quê hương

18:04 | 09/03/2021
(LĐTĐ) Trong cuộc sống, đôi khi người con “đổi đời” thành công, muốn báo hiếu bằng cách đưa cha mẹ lên phố ở cùng nhưng vô hình trung lại không hiểu được nỗi lòng của bậc sinh thành.
Ký ức của người quê ra phố Người quê trong lòng phố

Trong những chương trình Quán Thanh xuân gần đây, ngoài đặc trưng là phần trò chuyện của các vị khách mời cùng những giai điệu vang lên thì còn những tiểu phẩm mà ekip muốn gửi gắm thông điệp đến khán giả.

Ví như, Quán Thanh xuân tháng 3 với chủ đề “Người quê ra tỉnh” có 2 tiểu phẩm: Phần đầu là câu chuyện người mẹ đưa con lên thành phố nhập học, phần kết là câu chuyện người con thành đạt ở phố muốn mẹ lên sống cùng. Đó là những câu chuyện điển hình của người mẹ ở nông thôn Việt Nam.

Trong trong sâu thẳm trái tim của cha mẹ, hẳn ai cũng mong muốn con cái thoát ly khỏi nơi đồng quê vất vả, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đối với họ mà nói, không cách thoát ly nào tốt hơn là đỗ đại học.

Nỗi lòng cha mẹ già nơi phố thị: Nhớ “mùi” quê hương
Niềm hạnh phúc của cha mẹ là con cái được lên phố, đổi đời nhưng chưa hẳn họ đã muốn rời quê lên phố.

Đỗ đại học đồng với việc được lên thành phố học hành, sinh sống rồi làm việc, là không phải tần tảo sớm hôm với đồng áng, là được “đổi đời”. Cho con đi học đại học là cha mẹ đã gửi gắm một tương lai xán lạn cho con, là sự mở mày, mở mặt với dòng tộc, xóm làng.

Nhưng trước khi chạm tới tương lai “đổi đời” thì ngày nhập học của con cũng ghi dấu nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” của các bậc phụ huynh. Bởi, khi con nhập học cha mẹ phải lo muôn thứ chuyện, nhất là vấn đề tiền nong.

Người ở quê hầu như không có lương, kiếm được đồng tiền rất khó khăn nên mỗi khi có việc cần tiền là họ phải bán thóc, bán gà, bán lợn…

Cùng với đó là nỗi lo lần đầu con xa quê sợ con không có người bảo ban học hành sẽ dễ hư hỏng, sợ con không có cái ăn, cái mặc nên cha mẹ thường chuẩn bị nhiều đồ dùng lích kích.

Như trong tiểu phẩm, phần đối đáp giữa hai mẹ con: “Ở thành phố cái gì cũng có, cũng sẵn nhưng không có người thân” khiến nhiều người liên tưởng đến giai điệu trong bài hát quen thuộc “Ngẫu hứng phố” của nhạc sĩ Trần Tiến: “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có “đắt” nhất tình người thôi”.

Phần tiếp của câu chuyện là khi con cái đã thực hiện giấc mơ “đổi đời” nơi phố thị lại mong muốn được đưa cha mẹ lên phố để hưởng sự sung sướng. Tất nhiên, không nhiều người con có thể hiểu được cuộc sống nơi phố thị và nông thôn hoàn toàn khác nhau mà cha mẹ mình khó lòng hòa nhập được.

Trong tiểu phẩm, khi người con nghĩ: “Đón mẹ lên phố để được gần gũi và lo cho mẹ một cuộc sống đầy đủ” nhưng lại chưa tìm hiểu xem điều đó đã làm mẹ vui vẻ, thoải mái. Người mẹ cả đời sống ở quê, giờ rời xa nó với biết bao nỗi lo toan: “Mẹ sống ở quê quen rồi, lên đây lạ nhà, tinh thần không được thoải mái. Chưa kể ở quê lấy ai hương khói cho các cụ, cho bố con. Mẹ biết các con lo cho mẹ ở một mình nhưng mẹ không thể rời xa những thứ thân thuộc được. Thành phố đủ đầy nhưng không bằng mùi quê hương đâu con ạ”.

Theo các chuyên gia tâm lý, có một thực tế ngay cả khi sống cùng với con cháu, bậc cha mẹ vẫn thường xuyên phải chịu cảnh cô đơn. Cuộc sống ở nông thôn tuy có khó khăn về vật chất nhưng người già có họ hàng gần gũi, nhiều bạn bè để trò chuyện, thăm hỏi nhau nên đời sống tinh thần vẫn thoải mái hơn.

Nếu con cái đưa cha mẹ ra sống cùng để tiện chăm sóc mà các cụ vui vẻ, sống hạnh phúc thì điều này là rất đáng quý vì không phải ai cũng có điều kiện đưa cha mẹ ở quê ra ở cùng.

Tuy nhiên, việc vội vàng hay ép bằng được cha mẹ già ở quê ra phố mà không có sự chuẩn bị tâm lý tốt cho các cụ, để các cụ sống lủi thủi cô đơn ngay ở bên cạnh mình sẽ không còn là báo hiếu mà là… bất hiếu.

Rõ ràng “mùi” quê là điều gì đó thật thiêng liêng, gần gũi và ấm áp mà trong mỗi chúng ta dù đi xa bao năm vẫn mong muốn được trở về. Đó như một sự về cội mà có lẽ chỉ những người “đứng” tuổi mới có thể cảm nhận được.

T.Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này