Hình thành văn hóa giao thông từ “phạt nguội”

12:52 | 09/03/2021
(LĐTĐ) Cùng với sự phát triển chung của đất nước, hệ thống giao thông đường bộ và các phương tiện đi lại ở nước ta cũng phát triển không ngừng. Tuy nhiên, đi liền với đó tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông ngày một gia tăng đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Để đảm bảo an toàn và nâng cao ý thức, văn hóa giao thông của mỗi người dân, thời gian gần đây các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh hình thức “phạt nguội” và thu được nhiều kết quả tích cực.
Văn hoá ứng xử người Hà Nội: Góc nhìn từ tuân thủ pháp luật giao thông Xây dựng văn hóa giao thông từ những hành động nhỏ Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông

Thiết thực, hiệu quả

Từ ngày 15/12/2020, các đội Cảnh sát giao thông địa bàn (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) đã bắt đầu “phạt nguội” đối với trường hợp ô tô dừng, đỗ trái phép mà không có lái xe bằng hình thức dán phiếu phạt lên kính xe. Theo ghi nhận của phóng viên, trong gần 3 tháng triển khai việc “phạt nguội” cho thấy, lực lượng Cảnh sát giao thông của Hà Nội thường xuyên có mặt trên các tuyến phố chính để thực hiện nhiệm vụ.

Bất cứ thời điểm nào trong ngày, đặc biệt là giờ cao điểm, trên các tuyến phố Kim Mã, Thái Hà, Liễu Giai… người tham gia giao thông đều có thể bắt gặp hình ảnh lực lượng chức năng tiến hành dán giấy phạt lên phương tiện vi phạm.

Hình thành văn hóa giao thông từ “phạt nguội”
Các chiến sĩ thuộc Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) quan sát phương tiện vi phạm qua hệ thống camera giám sát.

Đến thời điểm hiện tại, khu vực các tuyến phố có lượng lái xe bị “phạt nguội” cao bao gồm: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm); Thái Phiên, Phố Huế (quận Hai Bà Trưng); Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa); Kim Mã, Liễu Giai (quận Ba Đình)… Hành vi vi phạm bị dán “phạt nguội” chủ yếu liên quan đến việc xe taxi, xe khách dừng đỗ đón trả khách, xe tải chờ lấy hàng, xe cá nhân dừng để ăn sáng, uống cà phê…

Theo Phòng Cảnh sát giao thông, sau gần 3 tháng thực hiện dán “phạt nguội” đối với phương tiện vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông dán gần 700 giấy thông báo tới chủ phương tiện. Đến nay, đã có hơn 480 trường hợp (chiếm 70,5%) đến theo giấy hẹn làm việc, những trường hợp còn lại đều được thông báo cho cơ quan đăng kiểm phối hợp xử lý…

Thiếu tá Lý Thị Thu Trang, Phó Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, để việc “phạt nguội” phát huy hiệu quả cao nhất đơn vị thường xuyên phối hợp với công an các địa bàn, kịp thời thông báo các hành vi vi phạm. Khi làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng đều tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch trước khi dán thông báo “phạt nguội”.

Đối với một số chủ phương tiện cố tình không nộp phạt hoặc phương tiện có thông báo “phạt nguội” là xe sang tên đổi chủ không thay đổi thông tin nội dung trên đăng ký xe hay gia đình đổi địa chỉ, địa chỉ không rõ ràng và bưu điện không chuyển phát tới người điều khiển phương tiện được thì Phòng Cảnh sát giao thông sẽ kết hợp với bên đăng kiểm để xử lý.

Cụ thể, khi chủ phương tiện của các xe này tới trung tâm đăng kiểm làm việc sẽ được trung tâm thông báo lỗi bị dán “phạt nguội” để quay về xử lý nghĩa vụ nộp phạt. Đa số lái xe phản hồi việc thực hiện “phạt nguội” đã giúp họ nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông, kể cả khi không có Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường.

Theo Thiếu tá Đỗ Xuân Khoa, Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm, (Đội Cảnh sát giao thông Số 6), trước đây lực lượng làm nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn để xử phạt các tài xế dừng, đỗ trái phép. Cụ thể như khi phương tiện đỗ quá sát nhau hoặc ở những vị trí có mặt bằng nhỏ hẹp, Cảnh sát giao thông rất khó để đưa xe vào cẩu, kéo. Nắm bắt được điều đó, nhiều tài xế chống đối bằng cách không ra nhận xe để trốn tránh.

Có trường hợp, tổ tuần tra phải đợi vài tiếng tài xế mới ra làm việc, thậm chí khi họ ra thì các chiến sĩ cũng phải chịu nhiều áp lực vì có người thì tranh cãi, có người nhờ vả quan hệ. Thời gian kéo dài khiến hiệu quả xử lý không cao.Tuy nhiên khi sử dụng hình thức “phạt nguội”, mọi việc trở nên dễ dàng hơn cả cho lực lượng chức năng cũng như người vi phạm. Đây cũng là cách làm thể hiện sự văn minh, đồng thời nâng cao ý thức giao thông cho người dân.

Anh Đào Trung Anh (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình)chia sẻ, trước sự ra quân quyết liệt của Cảnh sát giao thông Hà Nội, những ngày qua, tình trạng nhiều lái xe đỗ ô tô ở nơi không được phép đỗ rồi đi ăn sáng, uống cà phê có dấu hiệu giảm. Còn anh Đỗ Văn Ngọc (quận Hà Đông) người từng vi phạm lỗi dừng, đỗ trên phố Bà Triệu cho biết, rất ủng hộ cách làm công khai, minh bạch của Công an thành phố vì tạo công bằng cho mọi người. Qua sự việc bị “phạt nguội” anh ý thức hơn về các hành vi sai phạm khi tham gia giao thông của mình.

Ở góc độ địa phương, theo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, bên cạnh các giải pháp khác, “phạt nguội” đã góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, nhất là tại các khu vực trước trường học.

Hiện tại, quận đã triển khai thí điểm cổng trường học an toàn giao thông tại Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh và Trường Tiểu học Ngọc Khánh với đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, vạch kẻ sơn, khu vực xếp xe ô tô, xe máy... “Quận cũng chỉ đạo lực lượng công an địa bàn thực hiện hình thức dán phạt nguội như Cảnh sát giao thông và nếu cần sẽ dùng biện pháp cẩu xe vi phạm rồi thông báo cho chủ xe tới làm việc”, ông Tạ Nam Chiến nói.

Xử lý mạnh tay để tạo dựng văn hóa giao thông

Hiện nay, Hà Nội có trên 200 camera theo dõi, ghi nhận lỗi vi phạm giao thông phục vụ công tác “phạt nguội”. Bên cạnh hiệu quả tích cực trong xử lý vi phạm, hệ thống này cũng ngày càng gặp nhiều chiêu trò đối phó hơn. Ví dụ như việc che hoặc tẩy xoá, sửa chữa một phần biển kiểm soát phương tiện, cả ở nhóm xe ô tô kinh doanh vận tải và phương tiện cá nhân.

Thạc sĩ giao thông Nguyễn Đình Chiển cho rằng, việc nhiều người điều khiển ô tô che, xóa biển số khi đi trên cao tốc để né “phạt nguội” là đặc biệt nguy hiểm. Bởi chính họ đang tạo điều kiện cho mình chạy quá tốc độ, đi lùi, dừng đỗ tùy tiện tiềm ẩn hiểm họa tai nạn giao thông nghiêm trọng cho chính mình và người tham gia giao thông xung quanh. Không chỉ vi phạm pháp luật khi che, xóa biển số, những trường hợp này còn nêu gương xấu trong khi cả xã hội đang tích cực xây dựng văn hoá giao thông.

Hình thành văn hóa giao thông từ “phạt nguội”
Lực lượng Cảnh sát giao thông dán phạt nguội đối với các phương tiện vi phạm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để xử lý tận gốc hành vi xấu xí, nguy hiểm này, bên cạnh việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, nhân rộng hệ thống camera ghi hình “phạt nguội”, cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa với các hình thức che, xóa biển số né “phạt nguội”. Đặc biệt, với nhóm xe kinh doanh vận tải như taxi, xe khách, xe tải… cần có thêm chế tài xử phạt nặng cả doanh nghiệp chủ quản phương tiện vi phạm.

Bên cạnh đó, hiện việc xử “phạt nguội” vi phạm giao thông mới đang tập trung chủ yếu vào phương tiện xe ô tô, còn đối với xe máy, mô tô lại chưa phát huy hiệu quả. Đơn cử như Hà Nội hiện có tới 90% lượng phương tiện giao thông là mô tô, xe máy, vi phạm của người điều khiển loại phương tiện này diễn ra rất phổ biến trên mọi tuyến đường lớn nhỏ, kể cả những nơi có camera ghi hình phục vụ “phạt nguội”.

Lực lượng chức năng cho biết, việc xử “phạt nguội” đối với xe máy rất khó khăn, phức tạp do thiếu dữ liệu thông tin chủ xe. Muốn “phạt nguội” loại phương tiện này, cần có thêm các biện pháp sàng lọc khác như: Quy chủ phương tiện, thu thập lưu trữ thông tin… cần thêm nhiều thời gian nữa mới có thể triển khai hiệu quả. Trước mắt, với vi phạm của người điều khiển xe máy, mô tô, cách tốt nhất vẫn là tuần tra, xử lý ngay trên thực địa.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Tài, Đoàn Luật sư Hà Nội, “phạt nguội” vi phạm giao thông có ưu điểm là giúp các lực lượng chức năng xử phạt người vi phạm mà không cần phải có mặt trực tiếp trên hiện trường. Qua đó, khắc phục được tình trạng thiếu vắng lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự giao thông tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường.

“Phạt nguội” hiệu quả sẽ làm cho ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng cao, đồng thời kéo giảm các vụ vi phạm và tai nạn giao thông. Hình thức xử phạt này có sự tham gia của chính quyền các địa phương nên phát huy được tính giáo dục, răn đe từ cơ sở. Không những vậy, “phạt nguội” là một giải pháp văn minh, minh bạch để người dân tự giác chấp hành tốt pháp luật khi tham gia giao thông; hình thức này cũng góp phần giảm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong xử phạt vi phạm giao thông.

Để hình thức “phạt nguội” vi phạm giao thông thực sự đem lại hiệu quả và mang tính thuyết phục hơn, cần phải điều chỉnh, sửa đổi để hoàn thiện một số nội dung liên quan trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đã ban hành năm 2012. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành một số quy định cụ thể và có chính sách hợp lý đối với lực lượng tham gia xử phạt.

Mặt khác, việc xử phạt phải được thực hiện nhanh chóng, chính xác, tránh tình trạng để quá lâu so với thời điểm vi phạm sẽ thiếu thuyết phục và giảm tính giáo dục, răn đe. “Phạt nguội” sẽ hiệu quả hơn khi các địa phương và cơ quan chức năng đầu tư lắp đặt nhiều camera quan sát ở các tuyến đường, nhất là ở những nơi mà lực lượng Cảnh sát giao thông, trật tự giao thông mỏng, là điểm nóng về vi phạm...

“Vi phạm pháp luật về giao thông ở nước ta diễn ra rất phổ biến. Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây thiệt hại lớn về vật chất, tinh thần cho xã hội và các gia đình, cá nhân. Do vậy, việc phòng tránh, khắc phục vi phạm giao thông, nhất là giảm tai nạn giao thông luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân về bảo đảm an toàn giao thông thì việc nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm giao thông, trong đó có hình thức “phạt nguội” là một việc làm rất cần thiết hiện nay” – Luật sư Tài chia sẻ.

Có thể thấy, “phạt nguội” là một trong những giải pháp được người dân ủng hộ và hiệu quả, ai cũng rõ. Và việc khắc phục một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong việc “phạt nguội”, đồng thời với việc chú trọng thêm nhiều giải pháp thiết thực khác, tin rằng, trong thời gian tới, tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố cũng như cả nước sẽ giảm nhiều hơn trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này