Nhiều điều chỉnh có lợi cho học sinh

10:47 | 10/04/2014
LĐTĐ -Còn hơn hai tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 mới diễn ra, nhưng ở thời điểm này không khí tất bật đã diễn ra ở hầu khắp các nhà trường. Theo Quy chế thi do Bộ GD-ĐT vừa ban hành, kỳ thi năm nay có nhiều điều chỉnh có lợi cho học sinh (HS).

Những điểm mới

Theo Thông tư số 09/2014/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 25-3-2014, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, giám đốc Sở GD-ĐT được chủ động ra quyết định thành lập các hội đồng coi thi (HĐCT); đối với HĐCT có từ 2 trường phổ thông trở lên thì không được xếp thí sinh (TS) của các trường khác nhau trong cùng một phòng thi, trừ phòng thi cuối cùng. Như vậy, sau ít năm khuyến khích các địa phương áp dụng hình thức tổ chức các HĐCT liên trường (một HĐCT gồm TS của nhiều trường) và "trộn" TS của các trường trong một phòng thi, năm nay Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh theo hướng tách riêng HS từng trường. Sự điều chỉnh này - theo lý giải của Bộ GD-ĐT nhằm hạn chế tình trạng cố tình sắp xếp xen kẽ để HS ở trường khá hơn hỗ trợ cho HS ở những trường còn yếu. Tuy nhiên, với đa phần HS thì cách thức này khiến các em vững tâm hơn, bớt đi những bỡ ngỡ khi phải đi thi xa và ngồi thi với các bạn không quen biết. 
 

Các thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2013.Ảnh: Viết Thành
Các thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2013.Ảnh: Viết Thành


Việc thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay theo hướng kết hợp điểm thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của Bộ GD-ĐT được dư luận đồng tình. Trong công thức tính điểm, hai thành tố này có cùng trọng số như nhau (50%). Thông tin này khiến TS dự thi năm nay hào hứng, bởi trong quá trình ôn thi không phải chịu áp lực căng thẳng như TS năm trước. Một số TS cho rằng, việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học tập ở lớp 12 khiến TS và cả người thân bớt lo lắng vì có thể hạn chế được những rủi ro, ví như vì lý do ốm, gặp sự cố trong gia đình... khiến TS không hoàn thành bài thi tốt như lực học thực chất.

Cùng với việc được biết môn thi sớm hơn một tháng so với mọi năm, những định hướng của Bộ GD-ĐT trong việc ra đề thi năm nay cũng là thông tin nhận được sự quan tâm tích cực của phụ huynh, TS. Những điều chỉnh trong cấu trúc đề thi, cách thức ra đề thi (kết hợp cả tự luận và trắc nghiệm, tăng cường câu hỏi mở...) được kỳ vọng sẽ tác động đến phương pháp dạy - học, tổ chức ôn tập tại các nhà trường. Vì vậy, việc học lệch, giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn chắc chắn sẽ không hiệu quả trong kỳ thi năm nay. Theo định hướng của Bộ, các TS cần học cách vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết vấn đề và chú ý tới khả năng sáng tạo, lập luận chính kiến của bản thân, không nên đoán mò, học tủ, học thuộc lòng. 
 

Không đăng ký môn tự chọn theo phong trào

 

- Những thay đổi về đề thi:
+ Đề thi ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn
+ Đề thi môn ngoại ngữ có 2 phần: Viết và trắc nghiệm. TS được phát phiếu trả lời trắc nghiệm và giấy thi. TS làm bài phần trắc nghiệm trước, hết thời gian làm bài phần trắc nghiệm thì nộp cho giám thị sau đó mới làm bài phần viết.
- Mức điểm liệt là 1,0 điểm trở xuống, thay vì 0 điểm như mọi năm.

Trong số 4 môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT cho phép TS được tự chọn môn thi. Để đạt kết quả cao nhất, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khuyến cáo, TS không nên đăng ký môn tự chọn theo phong trào, đừng thấy nhiều bạn chọn môn thi nào, cũng chọn môn thi ấy. Từ nay cho đến ngày 25-4, thời điểm TS bắt đầu nộp phiếu đăng ký dự thi, các em cần cân nhắc kỹ 2 môn tự chọn cho phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp sau này. Các TS cần cân nhắc kỹ về nguyện vọng thi, bởi đến ngày 7-5, sau khi chốt thời hạn đăng ký dự thi, TS không được đổi môn thi tự chọn. Theo Thứ trưởng, việc chọn môn thi phù hợp không chỉ giúp TS đạt kết quả cao mà còn là cơ hội tốt để TS trau dồi kiến thức, rèn luyện một số kỹ năng cần thiết liên quan đến môn thi, phục vụ tốt cho nghề nghiệp sau này.

Theo khảo sát ban đầu của một số trường THPT ở Hà Nội, các môn thuộc khối khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học được nhiều TS chọn hơn so với các môn khối khoa học xã hội - nhân văn. Tại Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, tỷ lệ HS chọn môn vật lý chiếm 80%, môn tiếng Anh có 60% số HS chọn, môn hóa học - 34%, địa lý - 16%. Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có gần 70% HS chọn môn vật lý, 64% HS chọn môn ngoại ngữ, 41% HS chọn môn hóa học, môn địa lý - 10,7%... Đáng chú ý, môn lịch sử lại không phải là môn ít HS đăng ký dự thi nhất như dư luận dự đoán. Tỷ lệ HS chọn môn lịch sử ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng là 9,3%, trong khi môn sinh học có chưa đầy 5%. Thống kê sơ bộ của Trường THPT Hai Bà Trưng - Đoàn Kết, có 5% HS chọn môn lịch sử, còn môn sinh học là 3%...

Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong quá trình tổ chức cho HS đăng ký dự thi, các nhà trường tuyệt đối không ép buộc HS trong việc chọn môn thi. Ngoài việc tổ chức ôn tập hợp lý, hiệu quả, không gây quá tải đối với HS, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn có trách nhiệm tư vấn cho HS trong lớp chọn môn thi phù hợp, tránh tình trạng chọn môn thi theo số đông. Hà Nội từng duy trì hình thức tổ chức các HĐCT liên trường nhiều năm qua, song trước quy định mới của Bộ, Sở GD-ĐT cho biết đang nghiên cứu cách thức tổ chức các HĐCT phù hợp để thông báo sớm nhất cho HS.

Nguồn HNMO

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này