Thương nhớ Hà Giang…

14:45 | 28/02/2021
(LĐTĐ) Hà Giang mùa nào cũng đẹp. Ai từng đến Hà Giang, ít nhiều đều bị vùng đất này mê hoặc. Những nét đẹp tự nhiên, từ đơn sơ đến hùng vĩ, từ hoang dại đến thơ mộng, hữu tình khiến chúng ta không khỏi đắm say.
Ở nơi ho ra sương, thở ra khói Mù Cang Chải vàng rực một màu lúa Lên Fansipan “mở cổng trời” và đắm mình trong tiếng khèn hoa Tây Bắc
Thương nhớ Hà Giang…
Những cung đường ở Hà Giang tựa như những dải lụa.

“Đặc sản” của Hà Giang là những cung đường đẹp như mơ, với hàng chục con đèo lớn nhỏ nối tiếp nhau. Cuốn hút mọi ánh nhìn.

Những cung đường ở Hà Giang cũng là những cung đường thuộc dạng nguy hiểm, khó đi bậc nhất ở vùng núi phía Bắc. Với vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ, đây là cung đường khiến ai cũng phải xuýt xoa từ lúc nghiêng người theo những khúc cua đến khi đứng trên đỉnh nhìn xuống hai bên triền núi.

Một trong những cảnh đẹp không thể rời mắt khi đến Hà Giang là Cao nguyên đá Đồng Văn – mảnh đất tình tứ nằm cheo leo giữa mây trời Đông Bắc – còn được ví như một bản hòa ca của đá và thiên nhiên. Tới nơi đây, có thể cảm nhận được sự hùng vĩ của cao nguyên hòa quyện với khung cảnh thiên nhiên thanh bình tạo nên một nét đẹp rất riêng chỉ có ở Đồng Văn.

Thương nhớ Hà Giang…
Những ngôi nhà nhỏ và cỏ cây hoa lá ở Cao nguyên đá trở nên xinh đẹp lạ kỳ!

Đến Cao nguyên đá, chúng tôi vừa đi vừa ngắm, từ cổng trời Quản Bạ, núi đôi, cột cờ Lũng Cú, nhà của Pao đến dinh thự Vua Mèo,... Cảnh vật nơi đâu cũng đẹp, dừng chân chỗ nào cũng thảng thốt vì thấy hình như chỗ này đẹp hơn chỗ mình vừa đi qua. Bên triền núi, lác đác mấy ngôi nhà của người Mông, đường đi bé như sợi chỉ, chỉ toàn thấy đá và đá. Cái vất vả ấy, con người ở đây hình như đã quen. Có lẽ họ không coi thiên nhiên là thứ để chinh phục mà là người bạn để dựa vào mưu sinh.

Đến đây mới thấy, tam giác mạch không chỉ để ngắm, mà người dân bản địa còn sáng tạo ra những món ăn đặc biệt từ loài hoa này, kiểu như bánh tam giác mạch. Trong tiết trời se lạnh và bao quanh là những núi đá, được nếm bánh tam giác mạch thơm dịu cũng thật thú vị và đáng nhớ. Tam giác mạch có vị ngọt và thơm mùi núi rừng.

Thương nhớ Hà Giang…
Dòng sông Nho Quế dịu dàng giữa những núi đá - một tuyệt tác thiên nhiên của Hà Giang.

Quả thực, thiên nhiên đã ưu ái cho Hà Giang nét đẹp vô cùng quyến rũ, con người nơi đây cũng vì thế mà khiến ta rung động. Ai đến đây rồi cũng đều thấy da diết trong lòng!

Trong các tộc người phía Bắc Việt Nam, người Mông là một sự tồn tại đặc biệt, là ví dụ điển hình của sự thích nghi và sinh tồn. Đúng như câu dân ca Mông: “Loài cá sống ở nước/Loài chim bay trên trời/Người Mông sống ở núi”, người Mông ở Hà Giang thích nghi với đời sống trên các dãy núi cao từ 800m đến 1.700m so với mặt nước biển, trong điều kiện khó khăn nhưng cũng hùng vĩ và thơ mộng.

Theo các nhà nghiên cứu, khoảng 3 thế kỷ trước, người Mông (hay còn gọi là H’Mong, Mèo) bị truy đuổi bởi người phương Bắc nên dạt về phương Nam là vùng núi phía Bắc Việt Nam. Người Mông ở Hà Giang có số dân đông nhất chiếm trên 31% các dân tộc trong tỉnh, với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa sinh sống chủ yếu ở các huyện phía Bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía tây Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Thương nhớ Hà Giang…

Không gian sống của người Mông luôn là câu hỏi lớn đối với nhiều người. Tại sao họ lại chọn sống nơi lưng trời? Tại sao họ không di cư xuống vùng thấp hơn? Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc người Mông sống trên đỉnh núi là một sự lựa chọn tất yếu của lịch sử. Bởi khi họ di cư đến, những nơi thuận tiện cho canh tác và sinh hoạt đều đã có chủ. Người Mông đến sau buộc phải chọn ở đỉnh núi cao. Nhưng ngay cả sau này khi được lựa chọn, nhờ thích nghi điều kiện tự nhiên cộng thêm bản tính kiêu hãnh, độc lập mà người Mông đời đời vẫn bám trụ trên những đỉnh núi, quyết không rời bỏ quê hương, dòng tộc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến – tác giả của cuốn sách “Những đỉnh núi du ca – một lối tìm về cá tính H’Mông”, cho rằng: “Sống trên các đỉnh núi, người Mông với thói quen lâu đời đã chiếm dụng những nơi có địa hình cao nhất mà họ di cư đến. Ở Việt Nam, người Mông chính là chủ nhân của những đỉnh núi cao nhất, mà tôi gọi là nóc nhà của Việt Nam”. Bởi vậy, người Mông có câu tục ngữ: “Không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối người Mông”, cho dù là đỉnh Tây Côn Lĩnh sừng sững giữa trời cũng sẽ in dấu chân người Mông.

Thương nhớ Hà Giang…
Nét hồn nhiên của những bé gái người Mông.

Tập quán canh tác trong những hốc đá nằm trên những triền núi dựng đứng cao chót vót vừa là một minh chứng hùng hồn và sống động cho khả năng thích nghi tuyệt vời vượt ngoài sức tưởng tượng của người Mông với điều kiện hiện tại để duy trì cuộc sống. Sự thông minh, tư duy logic, và khả năng lao động bền bỉ trong tập quán canh tác này khiến các nhà nghiên cứu cũng như du khách thán phục. Có chứng kiến phụ nữ Mông cõng từng gùi đất băng lên ngọn núi cao để đổ vào những hốc đá mới biết trong từng hạt ngô đã thấm đẫm biết bao mồ hôi nước mắt của tộc người này.

Tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá của các dân tộc thiểu số ở cao nguyên đá Hà Giang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Chẳng những vậy, để ngăn nước, giữ đất sau những trận mưa, người Mông còn đem cây sa mộc từ rừng về để trồng ở bản làng. Đây là một loại cây chịu được nắng gió, khô hạn, rét buốt mọc lên từ đá nên vô cùng rắn chắc.

Khi trò chuyện với các vị khách phương xa, những bô lão người Mông thường tự hào mà nói rằng: “Con trai Mông trưởng thành phải biết cày nương, thổi khèn và xếp hàng rào đá”. Thật vậy, ở Hà Giang, địa hình 80% là đá. Đá trong lòng đất, đá chạm bước chân, đá đứng sừng sững, đá cao tới trời. Những dãy núi cao mấy trăm mét toàn đá chồng đá, dựng đứng, xám ngắt, nối tiếp nhau trải dài như vô tận. Bởi vậy mà với người Mông, đá là một phần của cuộc sống, của linh hồn, đúng như câu hát “sống trong đá chết nằm trong đá”. Trẻ con lớn lên cùng với đá, người già chết đi nằm trong đá.

Có những nỗi vấn vương rất đỗi nhẹ nhàng được cất riêng trong mỗi chúng tôi khi cảm nhận từ con người và cuộc sống nơi đây. Những ánh mắt trong veo miền sơn cước, hay đơn giản chỉ là cái nhoẻn miệng cười duyên của lũ trẻ, điều ấy đã khó mà dứt ra khỏi những nghĩ suy; không hẳn là nỗi buồn hay thương cảm, không phải kiểu mừng vui mà lại canh cánh trong lòng.

Có những cung đường đã đi qua trong đời cứ muốn đi lại mãi, và đôi khi, những hành trình ấy in cả trong những giấc mơ. Hà Giang là một nơi như vậy!

Lê Thị Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này