Nhật Bản bổ nhiệm Bộ trưởng Cô đơn nhằm tuyên chiến với vấn nạn tự tử

12:21 | 24/02/2021
Nhật hoàng Naruhito kêu gọi nỗ lực ngăn chặn toàn diện và hỗ trợ nhiều hơn cho các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh Bộ trưởng Cô đơn (Minister of Loneliness) của Nhật Bản bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.
Nhật Bản phát hiện thêm biến chủng mới Covid-19 Cơ hội cho hộ lý và điều dưỡng Việt Nam tại Nhật Bản

Tự tử liên tục được xếp trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nhật Bản trong thập kỷ qua. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 năm ngoái, số người chết do tự tử ở Nhật Bản tăng 3,7% lên 20.919 người, với sự gia tăng đáng lo ngại ở phụ nữ và thanh niên.

Nhật hoàng Naruhito nói rằng, ông cảm thấy đau đớn trước sự gia tăng các vụ tự tử và kêu gọi nỗ lực ngăn chặn toàn diện và hỗ trợ nhiều hơn cho các nhóm dễ bị tổn thương, Straits Times đưa tin.

Tỉ lệ tự tử ở Nhật Bản tăng 3,7% trong năm 2020. Ảnh: AFP.

Tỉ lệ tự tử ở Nhật Bản tăng 3,7% trong năm 2020. Ảnh: AFP.

Số người chết vì tự tử ở Nhật Bản năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức cao nhất mọi thời đại là 34.427 người ghi nhận năm 2003. Tuy nhiên, năm 2020 cũng là lần tăng đầu tiên theo năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Điều này đã thúc đẩy Thủ tướng Suga Yoshihide lập một chức vụ mới trong Nội các để giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Bộ trưởng Phục hồi khu vực Tetsushi Sakamoto đồng thời là Bộ trưởng phụ trách việc đảo ngược tình trạng giảm sinh của Nhật Bản đã được chỉ định đảm nhận vị trí "Bộ trưởng Cô đơn".

Chính trị gia 70 tuổi đứng đầu một văn phòng mới có khoảng 30 quan chức đảm nhận các biện pháp chống tự sát. Văn phòng có nhiệm vụ chống cô đơn bắt đầu làm việc từ 19.2.

"Phụ nữ đang phải chịu sự cô lập nhiều hơn (so với nam giới) và số vụ tự tử đang có xu hướng gia tăng. Tôi hi vọng các bạn sẽ xác định được các vấn đề và thúc đẩy các biện pháp chính sách một cách toàn diện" - Thủ tướng Suga nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo ông Sakamoto.

Trước Nhật Bản, năm 2018, Anh đã bổ nhiệm bộ trưởng phụ trách vấn đề cô đơn. "Dường như vấn đề cô đơn của nước Anh xảy ra ở người già. Nhưng ở Nhật Bản, vấn đề đang rình rập các nhóm tuổi, gồm cả trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người lớn tuổi - một vấn đề đã hiện ra khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kéo dài" - Bộ trưởng Sakamoto viết trên trang cá nhân.

Nhật Bản đối mặt với vấn đề liên quan tới tự sát, cô đơn. Khu rừng tự sát có tên gọi là Aokigahara là địa điểm tự tử nhiều nhất thế giới nổi tiếng ở Nhật Bản. Nhật Bản cũng có nhiều thuật ngữ chỉ các vấn đề liên quan như: Hikikomori (chỉ những người lánh giao tiếp xã hội) và kodokushi (chết một mình).

Kết hợp với đại dịch COVID-19, tình trạng trên càng trở nên đáng lo ngại. Nhà xã hội học Michiko Ueda của Đại học Waseda, người nghiên cứu về vấn đề tự tử, nói rằng phụ nữ và thanh niên có nguy cơ cao hơn khi có cảm giác bị dồn ép về mặt tâm lý.

Bà lưu ý, phụ nữ có nhiều khả năng trở thành lao động hợp đồng với công việc có nguy cơ bị chấm dứt nhiều hơn và có nhiều khả năng làm việc trong các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Trong khi đó, thanh thiếu niên có thể cảm thấy bị cô lập vì không thể đến trường trực tiếp. Một nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển Trẻ em cho thấy, 72% học sinh bị căng thẳng và 28% trầm cảm do trường học đóng cửa.

Những thông tin này đã xuất hiện trong dữ liệu về tự tử. Số ca tử vong do tự tử của nam giới năm ngoái giảm 1% so với năm 2019 xuống còn 13.943, số ca tử vong do tự tử của nữ giới tăng 14,5% lên 6.976.

Số học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông chết vì tự tử đã tăng 40% lên 479 vào năm ngoái, cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi dữ liệu năm 1980, số liệu từ Bộ Giáo dục Nhật Bản chỉ ra.

Năm ngoái, Nhật Bản cũng chấn động bởi một loạt vụ tự tử của những người nổi tiếng, trong đó có ngôi sao truyền hình thực tế Hana Kimura, 22 tuổi, nam diễn viên Miura Haruma, 30 tuổi và Yuko Takeuchi, 40 tuổi.

Giáo sư Ueda bày tỏ lo ngại rằng, những vụ tự tử này có thể dẫn tới bắt chước. Số vụ tự tử của phụ nữ tăng 90% vào tháng 10.2020 so với tháng 10.2019 sau cái chết đột ngột của nữ diễn viên Takeuchi ngày 27.9.

Giáo sư Ueda cho biết, tình hình vẫn còn nghiêm trọng và kêu gọi các phương pháp tiếp cận chủ động nhằm vào các nhóm dễ bị tổn thương, ngoài các chiến lược thông thường như đường dây trợ giúp.

Theo Thanh Hà/laodong.vn

https://laodong.vn/the-gioi/nhat-ban-bo-nhiem-bo-truong-co-don-nham-tuyen-chien-voi-van-nan-tu-tu-883085.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này