Khẳng định tín ngưỡng trong dân gian qua tục thờ tổ nghề

16:51 | 22/02/2021
(LĐTĐ) Đề cao một vị tổ nghề là đề cao một công tích của người khai sáng một nghề, một ngành nào đó đã giúp cho một tiểu cộng đồng, một cộng đồng nâng cao đời sống, thay đổi vị thế, có thể trường tồn với thời gian. Đó là một thái độ đẹp, một lối sống đẹp, một biểu hiện của lòng biết ơn đối với người sáng lập nghề.
Huyện Sóc Sơn dừng tổ chức lễ hội Gióng, đảm bảo an toàn cho người dân đón Tết Cần lồng ghép các yếu tố văn hóa mới vào lễ hội Tưng bừng lễ hội truyền thống làng La

Dân tộc ta hàng ngàn năm nay cùng với nghề nông là cơ bản, đã có rất nhiều nghề thuộc nhiều lĩnh vực như ngư nghiệp, lâm nghiệp, thủ công, mỹ nghệ… Những nghề nghiệp ấy đã đảm bảo cuộc sống trường tồn cho các tầng lớp nhân dân và đến ngày nay vẫn đang trực tiếp phục vụ cho nhiều nhu cầu trong đời sống. Nói bách nghệ là nói đến cả ngành và nghề.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Khôi (tại Tọa đàm Tục thờ tổ bách nghệ tại Việt Nam), cha ông xưa đã hiểu chữ “nghề” một cách rất rộng rãi. Sống ở đời phải biết gắn bó với một nghề - nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Cho đến nay theo thống kê chưa đầy đủ về ngành nghề xưa, chúng ta biết có đến 130 vị tổ sư, từ Tổ bách nghệ là Thánh Tản Viên cho đến những vị tổ nghề khác như Mẹ Âu Cơ nghề nông, Yang Xri mẹ lúa, Sằn Nông thần nông nghiệp, Nga Áp tổ nuôi vịt, Lang Khấm Dậm tổ chế rượu…

Những bậc tổ sư này có người có tiểu sử, nhưng cũng có những ngành nghề không tìm được xuất sứ rõ ràng. Để có thể hình dung về những đấng sáng tạo mà mình tôn thờ, người dân sẵn sàng tìm viện trợ ở kho tàng thần thoại hoặc tìm cách huyền thoại hóa để tăng phần thiêng liêng cho sự tôn vinh.

Tuy nhiên, dù các vị tổ nghề có lung linh trong những ánh hào quang mà con cháu tạo dựng thì thực chất họ vẫn là những người rất thực, đời sống thực ngay giữa cộng đồng.

Khẳng định tín ngưỡng trong dân gian qua tục thờ tổ nghề
Một lễ cúng tổ nghề của người H'Mông ở Sapa (Ảnh: Bùi Nguyệt)

Có thể nói, ở nước ta, hầu như tất cả mọi người ở khắp nơi và khắp các thế hệ đều có chung khuynh hướng là thiên về thờ Tổ. Không chỉ thờ tổ tiên trong gia đình mà là tất cả các vị Tổ. Có thể đây là một nét riêng của bản sắc văn hóa Việt vì thế giới không có nhiều dân tộc cùng chung khuynh hướng thờ tổ nghề, thờ đức tổ Hùng Vương.

Gắn với tục thờ này, ban đầu có thể còn sơ khai như làm vài món ăn để tưởng nhớ, dần dần người ta lập bát hương, xây bệ thờ, điện thời, miếu thờ, đền thờ… rồi tổ chức các lễ hội gắn với những nghi thức nhất định. Sự thiêng liêng, niềm thành kính cũng ngày một được ý thức rõ rệt trong tình cảm và thái độ của từng thế hệ con cháu.

Cũng ở Việt Nam, ta thường nhắc tới đạo thờ tổ tiên, thờ ông bà, đó là đạo hiếu; dù đạo này của ta hầu như không có giáo chủ, không có kinh sách, không xây dựng thành một hệ thống tổ chức, nhưng trong tâm khảm mỗi người Việt thì mặc nhiên ai cũng có một niềm tin và một sự hướng tới các Tổ sư, Thánh sư với một lòng biết ơn chân thành.

Nhìn chung, việc thờ phụng tôn vinh các tổ ngành nghề là một vấn đề phong tục cùng với việc thờ cúng tổ tiên ở nước ta. Thờ cúng tổ nghề là chuyện thờ cúng của một cộng đồng, một địa phương, nó khẳng định tín ngưỡng trong dân gian. Việc thờ phụng các tổ sư ngành nghề thực chất là một sự khẳng định, tôn vinh ngành nghề.

Một ngày giỗ tổ, một dịp hội hè là bằng chứng cụ thể để thấy vị trí ngành nghề trong nhân sinh, cho nên việc khai thác những tập tục, nghi lễ mà cộng đồng đã tạo nên là việc cần thiết để tôn vinh cụ tổ nghề. Đây cũng là một tục thờ đẹp, một thái độ tri ân, một biểu hiện sâu sắc trong đạo hiếu của người Việt với cha ông, những người đã sinh dưỡng mình, đã tìm cách chỉ ra đường đi nước bước cho thế hệ sau hướng tới tương lai tốt đẹp hạnh phúc hơn. Đến hôm nay, đạo hiếu không chỉ được thể hiện qua tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn thờ các vị tổ làng, tổ nghề.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này