Du lịch tháng Giêng và nét đẹp văn hoá tâm linh

11:34 | 16/02/2021
(LĐTĐ) Tết, tháng Giêng từ lâu đã không chỉ là dịp các gia đình đoàn viên, mà còn là dịp để trải nghiệm đời sống tâm linh qua những chuyến hành hương đến với cửa thiền…
[Infographics] Những điểm du lịch tâm linh thu hút du khách Những điểm du lịch tâm linh cho chuyến hành hương cuối năm Đầu xuân du lịch tâm linh hút khách

Nhiều năm trở lại đây, phong tục đi lễ đầu năm dần dần phát triển thành du lịch tâm linh. Người dân không chỉ đi lễ ở những đền chùa ở gần nơi sinh sống mà bắt đầu hành hương đến những địa điểm xa xôi hơn. Người ta không chỉ đi lễ, đi “cầu” mà cùng với đó, còn là những chuyến du xuân, vãn cảnh ở những nơi thanh tịnh khắp mọi miền.

Trong tham luận tại Hội thảo khoa học “Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch”, Thạc sĩ Trần Duy Minh (Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp) cho biết, khái niệm du lịch tâm linh (Spiritual tourism) đã có từ lâu trên thế giới, nhưng ở nước ta chỉ được nói đến trong khoảng hơn chục năm qua khi điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Đặc biệt, sau sự kiện Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh tại Ninh Bình (11/2013) theo sáng kiến của Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Tableb Rifai thì du lịch tâm linh ở nước ta càng nở rộ. Theo đánh giá của UNWTO, du lịch tâm linh là loại hình du lịch mà Việt Nam là nước có thế mạnh về lĩnh vực này.

Du lịch tháng Giêng và nét đẹp văn hoá tâm linh
(Ảnh minh họa: Lương Hằng)

Du lịch tâm linh thường diễn ra các hoạt động khai thác giá trị văn hóa phi vật thể về tín ngưỡng, tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người, mang đến cho du khách những cảm xúc thiêng liêng, sâu thẳm trong tâm hồn. Du lịch tâm linh là chuyến du lịch khám phá thế giới tâm linh để trở về thế giới nội tâm, lắng nghe và tìm về những điều tốt đẹp. Đi sâu vào cuộc hành trình tâm linh này, người ta có thể rũ bỏ mọi ưu phiền, khổ đau để có được một tâm hồn tự do và hạnh phúc, lòng ngập tràn niềm vui sống cùng tình yêu bao la, vô tận.

Về bản chất, tâm linh gắn liền và biểu hiện những điều thiêng liêng, cao cả, siêu việt trong đời sống tinh thần, đời sống sinh hoạt xã hội của con người, nhất là những cư dân cùng Á Đông nói chung trong đó ở Việt Nam, văn hóa tâm linh đã tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc

Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Sự đa dạng và phong phú của các thắng tích tôn giáo và với số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước. Nhu cầu du lịch tâm linh của người Việt Nam đang trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.

Ngày nay, nhu cầu và du lịch tâm linh ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn với tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các hoạt động, sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố linh thiêng khác. Hoạt động du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân.

“Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, đó là quan điểm dân gian của người Việt tạo thành nét đẹp văn hóa lâu đời. Ngày nay, không chỉ có Phật tử mới tham gia hành hương đầu năm, mà những du khách thích khám phá cuộc sống an yên nơi cửa thiền cũng hào hứng với các chuyến du lịch tâm linh trên khắp mọi nẻo đường.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này