Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Bóng ai chả thấy mà nao nao lòng

12:42 | 05/06/2014
LĐTĐ - Những ngôi nhà sàn, nhà rông…bắt đầu xuống cấp, khung cảnh im ắng đến não lòng, cả một quần thể văn hóa đại diện cho 54 dân tộc anh em chỉ là sự nghèo nàn, tĩnh lặng cùng với những con đường rộng thênh thang thưa thớt người đi và những ngôi nhà cửa đóng im ỉm .Chuyện đang diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đến làng văn hóa chỉ để xem nhà

Một ngày nghỉ cuối tháng 5/2014 chúng tôi làm cuộc viễn du tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tại khu  Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Qua cổng chào khoảng hơn cây số, đón du khách là những ngôi nhà sàn đặc trưng cho lối sống của người Mường, nhưng không có người Mường nào sống trong đó, chúng tôi bắt gặp những khách đầu tiên là mấy nam, nữ sinh viên đang vắt vẻo bên bậu cửa nô đùa với một cơ số rác ở dưới chân. Dường như họ vào đây tránh nắng, lấy bóng râm hơn là tìm hiểu về bản sắc văn hóa của một dân tộc.

Tiến sâu vào trong, hai bên đường vắng tanh, hiện lên trong tầm mắt là những ngôi nhà mái cao chót vót đặc trưng cho cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên. Đến làng Xơ Đăng, anh bạn đi cùng háo hức được bắt tay làm quen với đại diện của cộng đồng người Xơ Đăng, vui chuyện chủ khách bá vai nhau rúc lên hồi tù và, uống bát rượu rồi thảnh thơi nghe tiếng chiêng cồng ngân nga. Nhưng đó chỉ là tưởng tượng, bởi ngoài bốn người chúng tôi thì chẳng còn ai ở đây. Khuôn viên khu vực này khá lãng mạn với những con đường lát đá uốn lượn giữa những lùm cỏ xanh um. Điểm nhấn trung tâm là Nhà rông dân tộc Brâu cao lênh khênh, mái phủ rơm nhô cao nhưng tất cả từ phần mái đến phần sàn gỗ đang bị ẩm mốc tấn công. Cửa nhà rông đan bằng chất liệu phên nứa ọp ẹp, luôn đóng im ỉm.

Khung cảnh trong Làng văn hóa luôn vắng vẻ.

Thất bại trong việc tìm hiểu văn hóa người Xơ Đăng chúng tôi tìm sang khu Quảng trường trung tâm. Vẫn là cảnh vắng vẻ. Có lẽ thu hút khách du lịch hơn hết vẫn là khu tượng gỗ với hàng chục bức tượng lớn bé, ở đủ mọi tư thế. Nhưng nếu được hỏi ý nghĩa của những bức tượng này chắc nhiều du khách sẽ phải lắc đầu nói: đơn giản vì ở đây cũng không có người hướng dẫn hay ít nhất là một tấm biển tóm tắt sự hiện diện của chúng.

Đi đến những khu vực của các dân tộc khác cũng thế, chẳng có ai đại diện cho dân tộc đó được cử ra tiếp khách. Thật lãng phí khi người ta bỏ tới 1544ha đất để dựng lên cái gọi là làng văn hóa và du lịch này và cũng thật phí cho những con đường rải nhựa sạch sẽ rộng thênh thang chỉ để đùa với gió.

Theo Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 15/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một quần thể đa dạng với nhiều khu chức năng, đan xen giữa văn hóa, dịch vụ du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí mang tính quốc gia. Trong đó khu các làng dân tộc: Diện tích 198,61ha, có đồi cao, thung lũng, mặt nước, thể hiện sự phân bố các làng dân tộc trải rộng trên mọi miền đất nước. Khu Trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí: Diện tích 125,22 ha, nằm ở trung tâm của Làng kết nối với các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí hiện đại, đa chức năng nhưng mang đậm nét văn hóa dân tộc. Còn khu Di sản văn hóa Thế giới: Diện tích 46,5 ha. Đây là khu phức hợp các dịch vụ du lịch tổng hợp, thể thao quy mô lớn. Đến năm 2015 sẽ còn có  các công trình văn hoá vật thể và các di sản văn hoá phi vật thể được tái hiện tại Làng Văn hoá nhằm khẳng định vị trí trung tâm văn hoá tầm cỡ quốc gia, nơi biểu hiện sinh động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Sự lãng phí cho một dự án quốc gia

Nếu chỉ cho du khách nhìn những ngôi nhà rồi nói đó là văn hóa là du lịch có lẽ ban tổ chức đã nhầm. Nhưng nếu dựng lên cả một làng văn hóa rồi đến kì đến cuộc mới mời đại diện cho một vài dân tộc đến khua chiêng, gảy đàn thì còn nhầm hơn. Điều mà khách du lịch mong muốn là mỗi khi đến đây được nhìn tận mắt rồi nói chuyện với đại diện của mỗi dân tộc nhằm tìm hiểu bản sắc riêng nhưng cũng hết sức phong phú của 54 dân tộc anh em chung sống trên dải đất Việt. Sẽ thế nào đây khi một gia đình, một trường học đưa học sinh đến đây với ý nghĩa là tìm hiểu văn hóa các dân tộc nhưng kết quả nhận được chỉ là những lời giới thiệu dập khuôn hay những khung cảnh vắng ngắt như chúng tôi đang chứng kiến?.

Gắn với du lịch còn là làm kinh tế, đến với làng văn hóa đồ lưu niệm rất nghèo nàn, đồ ăn chẳng khá hơn với dãy ẩm thực nằm cạnh chùa Khơmer chỉ loanh quanh với ít gà đồi, thắng cố, chè đỗ đen, thập cẩm…do mấy chủ quán thuê mặt bằng cố định với ban quản lý đứng ra bán. Đặc sản của Sơn Tây, Ba Vì là sữa tươi cũng không có cơ hội chen chân ở đây. Muốn ăn uống, khách lại phải đi xe ra những quán, những nhà hàng cách đó vài cây số.

Sự thực là thế nhưng trên trang điện tử của Làng văn hóa luôn thấy tưng bừng với đủ mọi lễ hội, đủ món ăn uống. Xem mà thích, nghe mà thèm nhưng đến rồi lại chán. Một sự hoành tráng về mặt bằng nhưng lại lãng phí trong cách tổ chức. Không có gì đặc trưng thì làm sao thu hút được khách du lịch, làm sao quảng bá được nét riêng mỗi dân tộc! 

Rõ ràng cách làm du lịch hay quảng bá văn hóa dân tộc của những người có trách nhiệm ở đây cần phải được xem xét nghiêm túc. Chưa thể gọi đây là một quần thể văn hóa hay du lịch mang tầm cỡ lớn khi đa số người dân Hà Nội còn chưa biết đến nó chứ đừng nói đến chuyện thu hút du khách các tỉnh khác hoặc quốc tế. Thật lãng phí khi những ngày nghỉ, những ngày hè oi bức hàng nghìn người ùn ùn kéo đến các khu du lịch như Khoang xanh, Suối tiên, Ao vua…nhưng lại không biết đến một Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chỉ cách đó không xa.

Gia Bảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này