Thành phố Hà Nội và Bộ Tài chính tăng cường hợp tác

19:44 | 15/02/2021
(LĐTĐ) Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 109-TB/BCSĐ-TU về kết quả hội nghị của Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính (buổi làm việc diễn ra ngày 4/12/2020), làm cơ sở định hướng phối hợp công tác giữa thành phố Hà Nội và Bộ Tài chính trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kiểm tra công tác ứng trực Tết Thực hiện nghiêm việc phòng, chống Covid-19 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Cả hệ thống chính trị và người dân sẽ tiếp tục làm nên kỳ tích mới

Về nguyên tắc: Mỗi bên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và trên tinh thần chủ động phối hợp bảo đảm trình tự, thủ tục, chương trình, kế hoạch, thời gian làm việc. Bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi bên; đề cao sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc bảo đảm dân chủ, minh bạch và hiệu quả trong công tác. Bảo đảm khách quan trong hoạt động của Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính và Thành ủy Hà Nội theo quy định của pháp luật.

Thành phố Hà Nội và Bộ Tài chính tăng cường hợp tác
Thành phố Hà Nội và Bộ Tài chính ký kết biên bản phối hợp giai đoạn mới (tại buổi làm việc ngày 4/12/2020)

Về định hướng phối hợp xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách lớn: Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách về tài chính - ngân sách đặc thù cho thành phố Hà Nội để triển khai Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội và phù hợp với Luật Thủ đô, Luật Ngân sách nhà nước.

Hà Nội phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tham gia góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính - ngân sách, quản lý tài sản công, quản lý giá, quản lý tài chính doanh nghiệp, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế và có tính khả thi trong thực tiễn.

Trong phối hợp xây dựng, triển khai kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn và hằng năm: Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, thành phố Hà Nội chủ động xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm thành phố và dự toán ngân sách hằng năm phù hợp với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, 7 (Khoá XII), Nghị quyết số 97/2019/QH14 và 115/2020/QH14 của Quốc hội; trong đó thành phố chủ động đề xuất, tham gia về các cơ chế, chính sách, giải pháp tài chính - ngân sách để phát triển vùng Thủ đô, liên kết vùng, khu vực, cả nước, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội trong công tác xây dựng và điều hành dự toán thu, chi ngân sách hằng năm đảm bảo tính tích cực, khả thi; hướng dẫn Thành phố hạch toán một số khoản thu, chi của các cơ quan Trung ương trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội cần tích cực đi đầu trong đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, khoán kinh phí, sớm ban hành các quy định để khuyến khích các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, gắn với quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách. Quản lý tài chính - ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện triệt để tiết kiệm, bảo đảm không ách tắc, phiền hà, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Trong phối hợp giải quyết các nội dung kiến nghị theo chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính và thành phố Hà Nội: Căn cứ quy định pháp luật và quy hoạch sử dụng đất của mình, thành phố phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương trên địa bàn để xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Trung ương quản lý và các địa phương khác quản lý trên địa bàn Thành phố, gửi Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bộ Tài chính phối hợp với Thành phố giải quyết hoặc tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

Hà Nội chủ động rà soát các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn, tài chính doanh nghiệp, phát hiện các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, căn cứ quy định pháp luật và lộ trình sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khẩn trương triển khai đối với các doanh nghiệp thuộc diện thành phố quản lý theo quy định của pháp luật.

Về phối hợp công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ: Thành phố Hà Nội và Bộ Tài chính thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phục vụ hiệu quả công tác của mỗi cơ quan; cử lãnh đạo, cán bộ, công chức của hai cơ quan tham dự các hội thảo, khoá đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ.

Hà Nội phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tài chính xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; cử cán bộ, công chức, viên chức của thành phố tham gia các lớp bồi dưỡng tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tài chính. Thành phố phối hợp với Bộ Tài chính hợp tác, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Liên quan đến cải cách tài chính công: Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện triển khai các cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đối với khu vực sự nghiệp công và quản lý hoạt động dịch vụ công ích.

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, Bộ Tài chính hỗ trợ thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính; đổi mới cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường phân cấp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong quản lý, sử dụng nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách; chuyển từ giao dự toán như trước đây sang đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công…

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này