“Tết thầy”- nét đẹp ngày Xuân

18:10 | 14/02/2021
(LĐTĐ) “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”… câu thành ngữ ấy nói lên một nét đẹp truyền thống đã được duy trì, in sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người Việt mỗi độ Tết đến, xuân về. Nó gợi nhắc lên rằng, làm con làm cháu và làm trò, ngày Tết, trước hết phải nhớ đến ông bà cha mẹ tức hai bên nội và ngoại, tức bên cha và bên mẹ. Liền sau đó là nhớ đến Thầy, người châm lên ngọn lửa trí tuệ, thắp lên mơ ước và tương lai, hun đúc con người thành tài năng.
'Mùng 3 Tết thầy' của người Việt Nam Ngày Tết nhắc nhớ công lao người thầy Phụ huynh “rầu lòng” vì quà biếu Tết giáo viên

Đậm truyền thống uống nước nhớ nguồn

Theo câu thành ngữ này, 3 ngày Tết đầu tiên là thiêng liêng nhất. Mùng 1, cả gia đình về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng bên nhà cha. Tới mùng 2, cả nhà lại cùng nhau sang bên ngoại, chúc Tết họ hàng bên mẹ. Mùng 3 vẫn còn Tết, vẫn là ngày cho nghi lễ thăm hỏi, chúc mừng. Và ngày này chính là ngày của học trò đi thăm và chúc Tết thầy.

Ngày xưa, tuy chế độ thi cử rất nghiêm ngặt với ba kì thi hương, thi hội, thi đình, song lại rất ít giáo chức, rất ít trường công, ở cấp huyện, cấp phủ chỉ có một vài huấn đạo, còn hầu hết là các lớp tư. Có thể thầy mở lớp dạy học tại nhà, cũng có thể một gia đình khá giả mời thầy tới nhà, nuôi thầy dạy con ăn học, xóm làng xung quanh gửi con đến thụ giáo, không phải nộp học phí, chỉ ngày lễ tết, cha mẹ học trò mới tới cám ơn thầy, lễ tết tùy tâm, tùy cảnh.

Ngày xưa, thầy dạy chữ và đạo lý thánh hiền để trò học để làm người, bởi "nhân bất học bất tri lý", để "tu thân, tề gia", cũng để dùi mài kinh sử mong đỗ đạt, công thành danh toại. Và khi đã thấu lẽ làm người, đã công thành danh toại, học trò thường không thể quên ơn thầy, niềm cung kính tri ân như một lẽ tự nhiên, không có bất kì sự miễn cưỡng nào ngoại trừ tấm lòng thủy chung hướng về nguồn cội.

Chính bởi thế mà ngày xưa, dù thời đi học đã xa, dù khi trưởng thành chỉ là bác nông dân chân lấm tay bùn hay ông nọ bà kia, xênh xang mũ áo, dù là vẫn ngụ giữa làng quê hoặc đã muôn dặm hải hồ, kinh thành, kẻ chợ... người học trò đều thấy mình có nghĩa vụ phải di chúc Tết thầy, nói gọn là “Tết thầy”...

“Tết thầy”- nét đẹp ngày Xuân
Dù biến đổi thế nào, nghĩa thầy trò, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn là nét đẹp được lưu truyền mãi với thời gian. Ảnh minh họa chụp ngày 20/11/2020 tại một trường tiểu học thuộc quận Hà Đông

“Tết thầy” ngày xưa đơn giản về vật chất nhưng mang đậm truyền thống uống nước nhớ nguồn. Từ trước Tết nhiều ngày, học trò thường đến nhà thầy, đem theo chút lễ vật. Người ăn nên làm ra thì biếu thầy mâm xôi, gà trống thiến, lợn quay, đơn sơ hơn thì chút cây nhà lá vườn, gọi là chút tình nghĩa. Đó là thúng gạo, con gà, có khi chỉ là chục cam, cân đường, hay phong bánh, gói trà ngon... Cũng có người chỉ dắt con cháu đến vấn an thầy, muốn thầy chỉ bảo cho điều hay lẽ phải, để biết đường ăn ý ở, mà đối xử sao cho khỏi lỗi đạo. "Tết thầy" xưa không cốt ở lễ vật, mà căn bản là thể hiện lòng biết ơn công lao dạy dỗ của thầy.

Đi Tết thầy, nếu còn nhỏ thì có cha mẹ đi cùng. Nếu đã trưởng thành thì đi một mình, hoặc đồng môn, tức là bạn cùng học ngày xưa với mình. Đến nhà thầy phải khăn áo chỉnh tề, nói năng nghiêm trang lễ phép. Thầy cho ngồi mới ngồi. Thầy cho uống nước mới được uống... Nếu thầy sai đi đun nước pha trà thì trò coi như đó là một vinh dự, một phần thưởng vì vẫn được thầy coi mình là học trò cũ như ngày nào...

Giữ mãi nét đẹp “Tết Thầy”

Cùng với sự biến đổi của thời gian, cuộc sống, ngày nay, văn hóa “Tết thầy” đã có nhiều thay đổi. Khái niệm “Tết thầy" được hiểu theo nghĩa rộng hơn: Ngoài những người trực tiếp dạy chữ, dạy nghề cho mình, còn có cả người đã nâng đỡ dìu dắt ta trên đường đời. Thế nên, ngoài việc thăm hỏi thầy của mình, nhiều người còn đến thăm hỏi người đã chỉ bảo dìu dắt dạy dỗ truyền đạt cho mình trong công việc hàng ngày.

Về cách thức “Tết thầy”, trong thời đại 4.0, người ta có thể đi “Tết thầy” bằng nhiều cách: Gửi tin nhắn, gọi điện chúc Tết hoặc nhờ dịch vụ Điện hoa của bưu điện chuyển giúp một bó hoa kèm theo lời chúc chân thành khi không trực tiếp đến vấn an thăm hỏi người thầy cũ. Cũng không nhất thiết phải “mồng ba” mà có rất nhiều cách để tri ân thầy cô dịp đầu xuân. Chẳng hạn nhân dịp Tết đến xuân về, các học trò tổ chức gặp mặt đầu xuân, đón các thầy cô đã từng dạy mình cùng đến dự để ghi nhớ công lao, để được nghe thầy nói chuyện, và để thấy lại tuổi học trò một thời cắp sách của mình.

Mặc dù nét đẹp văn hóa hàng trăm năm vẫn được duy trì như vậy song đâu đó trong câu chuyện “Tết thầy” ngày nay cũng có những điều đáng buồn khi không ít người vì bận rộn mà xao lãng tình thầy trò, Tết đến, mải vui bè bạn, danh vọng, quyền lực mà thầy xưa chỉ còn cái bóng quá mờ nhạt trong dĩ vãng và trong tâm trí.

Cùng đó, cũng có nhiều hành động biến tướng làm mất đi giá trị tốt đẹp của “mồng ba Tết thầy”. Chẳng hạn trước Tết Nguyên đán, nhiều cha mẹ học sinh hỏi nhau “Đi Tết thầy chưa?”, “Bao nhiêu?” Vậy là cha mẹ đã làm thay con, mất hết ý nghĩa của "Tết thầy" vốn là một phong tục đẹp, tôn sư trọng đạo.

Rất may đó chỉ là hiện tượng nơi này, nơi khác... Với những người thầy đích thực, họ đủ tế nhị để cả phụ huynh và học trò hiểu điều họ cần là tấm lòng thực sự, không biến tướng, và những ngày mùng ba Tết vẫn thật đầm ấm, cảm động trong những ngôi nhà nhỏ yên bình, với nụ cười hiền hậu của thầy, với ánh mắt trong veo của trò quây quần bên tách trà ngày xuân…

Đối với không ít học trò, chúc Tết thầy ngày mùng Ba vẫn là niềm hạnh phúc vô biên. Dù biến đổi thế nào thì, trên khắp miền đất nước, mỗi mùa xuân về, các nếp sống đẹp lại có điều kiện phục hồi, phát triển. Tục Tết thầy cũng là nét đẹp cần thiết được gìn giữ lưu truyền và thực tế đang được phục hồi phát triển ở mọi nơi.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này