Sẽ xử nặng F0, F1 nếu cố tình trốn hoặc không khai báo y tế

19:23 | 03/02/2021
(LĐTĐ) Nghị định 117/2020 và các Điều 240, 295 Bộ luật Hình sự đều quy định cụ thể các hình thức chế tài đối với hành vi cố tình trốn hoặc không khai báo y tế.
Dịch Covid-19: Không khai báo y tế, làm lây lan dịch bệnh có thể lĩnh án tù

Ngày 1/2, Bộ Y tế phát đi thông báo kêu gọi người dân cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Sẽ xử nặng F0, F1 nếu cố tình trốn hoặc không khai báo y tế
Khai báo y tế bắt buộc tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: P.H)

Theo Bộ Y tế, Việt Nam rơi vào đợt bùng phát dịch thứ ba. Rất nhiều tổn thất không thể kể được bằng con số như trường học đóng cửa, lao động mất việc, toàn dân lo âu mất Tết.

Thế nhưng, có tới 20% các F0 (bệnh nhân nhiễm Covid-19) khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác. Cá biệt, có ca F0 và hàng trăm ca F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do: “Tôi rất khỏe, tôi có làm sao đâu”.

Dư luận lo lắng về những trường hợp né khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực tình trạng sức khỏe bản thân, từ đó làm lây lan dịch bệnh cho người thân và xã hội. Vậy về quy định pháp lý hiện có quy định nào để xử ký những “ca khó” này không?

Luật sư Nguyễn Văn Dũng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, quy định hiện hành có đầy đủ biện pháp chế tài để xử lý. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì những người mắc bệnh truyền nhiễm, người nhập cảnh từ vùng có dịch đều phải khai báo y tế.

Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Còn theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì F0 là người được xác định nhiễm Covid-19. F1 là người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với F0.

Luật sư Dũng cũng cho rằng: Hành vi không khai báo hoặc khai báo gian dối có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả cộng đồng, xã hội. Họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Về hình sự, theo luật sư Dũng, hành vi trên có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015; hoặc tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.

Về hành chính, Nghị định 117/2020 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) đã có chế tài cụ thể cho hành vi cố tình không khai báo hoặc khai báo gian dối. Theo nghị định này, hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh thì tùy từng trường hợp sẽ bị phạt tiền 500.000-1.000.000 triệu đồng, 1.000.000-3.000.000 triệu đồng hoặc 10.000.000-20.000.000 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Dũng, trong bối cảnh hiện nay cần phải áp dụng chặt chẽ các quy định trên, xử lý nghiêm khắc để công tác phòng, chống dịch có hiệu quả. Ngoài ra, mỗi cá nhân, mỗi người dân phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Truyền thông, báo chí phải tuyên truyền về trách nhiệm cũng như hành vi chưa đúng đối với cộng đồng khi không khai báo y tế hoặc khai không trung thực.

Lực lượng chức năng cần ghi nhận, phát hiện sớm nhất có thể các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra phải triển khai giám sát, cách ly chặt chẽ hơn nữa; liệt kê đầy đủ danh sách tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm, kể cả những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người bệnh.

Tháng 1/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố nam tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines D.T.H (ngụ huyện Hóc Môn; là bệnh nhân 1342) để điều tra về tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, quá trình cách ly tại khu cách ly của Vietnam Airlines, mỗi chuyến bay sẽ cách ly một khu riêng. Tuy nhiên, trong thời gian bốn ngày cách ly, bệnh nhân 1342 đã vi phạm quy định và di chuyển từ khu này sang khu khác. Từ đó, bệnh nhân nhiễm bệnh và lây cho bệnh nhân 1347 khi đang cách ly tại nhà.

Phúc Chương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này