Cải thiện chất lượng không khí: Giải quyết tận gốc từng "căn nguyên"

18:01 | 22/01/2021
(LĐTĐ) Trước tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, chủ trương loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong; thu hồi, loại bỏ xe cơ giới cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành là cấp thiết nhưng không dễ. Do đó, Nhà nước phải tính toán kỹ lưỡng để có giải pháp và lộ trình thích hợp nhằm mang lại hiệu quả, đồng thời người dân, doanh nghiệp cần chung tay cho hoạt động cải thiện chất lượng không khí.
Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí Chung tay cải tạo môi trường Thủ đô xanh, sạch, đẹp Chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện hơn tuần trước

Những ngày vừa qua, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội suy giảm đáng kể, xuất hiện liên tiếp nhiều ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu và xấu, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ngoài yếu tố điều kiện thời tiết thì nguồn thải từ than tổ ong là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

ha-noi-trien-khai-nhieu-bien-phap-giam-o-nhiem-moi-truong

Khói từ các phương tiện giao thông là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới chất lượng không khí. (Ảnh: N. Hoa)

Để giảm thiểu sự ô nhiễm từ nguồn phát thải này, ngày 30/10/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ của 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, theo đó đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến Quý III/2020, Hà Nội còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, sau khi đã loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017).

Các địa bàn có tỉ lệ giảm bếp than tổ ong cao nhất so với năm 2017 là quận Hoàn Kiếm (giảm 100%), huyện Thạch Thất (giảm 100%), huyện Sóc Sơn (giảm 98,9%). Việc giảm bếp than tổ ong giúp chỉ số bụi mịn PM 2.5 giảm từ hơn 2.300 tấn năm 2017 xuống còn khoảng 1.600 tấn năm 2020, lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng bếp than tổ ong giảm hơn 382.000 tấn/năm.

Tuy nhiên hiện nay với lý do vì cuộc sống mưu sinh, vì điều kiện kinh tế nên nhiều hộ kinh doanh, dịch vụ chưa thay thế bếp than tổ ong bằng các phương tiện đun nấu khác tiên tiến hơn không gây ô nhiễm. Do đó, nếu dạo một vòng quanh đường phố Hà Nội không quá khó để bắt gặp các làn khói trắng từ bếp than tổ ong tỏa vào không khí.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 5 quận/huyện vẫn còn số lượng bếp than ở mức cao nhất lần lượt là các quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và huyện Đan Phượng.

Bên cạnh bếp than tổ ong, phát thải từ các phương tiện giao thông, xây dựng... cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí Thủ đô. Tương tự như câu chuyện bếp than tổ ong, vấn đề đặt ra ở đây là những chiếc xe máy cũ nát này là phương tiện mưu sinh của nhiều người nên khó có thể yêu cầu thu hồi, vứt bỏ.

Để vận động người dân không sử dụng những chiếc xe máy cũ nát, không đủ tiêu chuẩn khí thải cho phép không phải là chuyện dễ. Trong khi hiện nay các phương tiện xe máy chưa có quy định về niên hạn nên việc xác định các phương tiện xe máy cũ, nát lại càng khó. Nhưng với thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay thì cũng không thể đánh đổi môi trường không khí ô nhiễm vì yếu tố mưu sinh.

Các chuyên gia môi trường cho rằng bên cạnh việc tăng cường nghiên cứu để biết rõ vai trò của giao thông trong bức tranh nguồn thải và có các chính sách hướng mục tiêu chính xác thì chúng ta có thể cải thiện bằng các biện pháp quy định như nâng cao tiêu chuẩn phát thải và kiểm tra khí thải xe máy. Để thực hiện biện pháp này nên sử dụng cách tiếp cận mềm dẻo và gắn với trợ giá cho người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam), Nhà nước phải có chính sách để có nhiều nghiên cứu hơn, cũng như công khai số liệu, đồng thời, các doanh nghiệp, những chủ nguồn thải cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.

Chính người dân cũng nên tự hỏi rằng mình có sẵn sàng chi trả cho các hoạt động cải thiện chất lượng không khí, chẳng hạn kiểm tra khí thải xe máy hay không? Theo công bố, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình khám xe này với chi phí đảm bảo cho người dân trung bình có thể chi trả là 50.000 đồng/năm, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng hi vọng Hà Nội sẽ sớm có chương trình tương tự.

N. Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này