Quyết không “lạc nhịp” trong quá trình đô thị hóa

07:22 | 30/01/2021
(LĐTĐ) Cùng với cả nước hân hoan chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, quận Thanh Xuân đã và đang “bắt tay” triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân nhấn mạnh những vấn đề liên quan đến quản lý đô thị và quy hoạch đô thị trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao động Thủ đô.
Mang xuân đến sớm cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động Phát huy sáng tạo trong triển khai hoạt động để chăm lo tốt hơn cho hội viên Tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố
Quyết không “lạc nhịp” trong quá trình đô thị hóa
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân.

PV: Nhiệm kỳ 2020 - 2025 quận Thanh Xuân xác định rõ 2 khâu đột phá: Một là nâng cao năng lực quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận; hai là, đầu tư hạ tầng giao thông đô thị, các trục đường quy hoạch. Xin đồng chí cho biết, lộ trình và giải pháp cụ thể của quận thực hiện nội dung này?

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến: Để thực hiện 2 khâu đột phá đề ra, Quận ủy Thanh Xuân đã xây dựng Chương trình 03/CTr-QU về “Phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch giai đoạn 2020 - 2025 hướng tới 2035” với lộ trình và giải pháp cụ thể.

Trong đó, đối với hạ tầng giao thông đô thị, quận chủ động phối hợp với các Sở, ngành, báo cáo Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai công tác đầu tư xây dựng 3 tuyến đường chính, xuyên tâm là: Đường vành đai 2,5 từ Đầm Hồng đến Ngụy Như Kon Tum; đường Vương Thừa Vũ nối ra vành đai 3 và đường Tôn Thất Tùng nối ra vành đai 3.

Cùng với đó, quận sẽ thực hiện đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng 5 dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông (Cải tạo, mở rộng theo quy hoạch phố Vũ Trọng Phụng; Xây dựng tuyến đường vào cụm ba trường Thanh Xuân Nam; Đầu tư xây dựng cầu bộ thép tuyến phố Hoàng Minh Giám; Đầu tư xây dựng theo quy hoạch tuyến phố Lê Văn Thiêm; Cải tạo, mở rộng theo quy hoạch tuyến phố Nguyễn Tuân) theo quy hoạch để kết nối với các khu vực giao thông trọng điểm nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.

Về giải pháp, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, quận sẽ tập trung triển khai công tác chuẩn bị và thực hiện để đầu tư xây dựng 3 tuyến đường chính, xuyên tâm theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, báo cáo Thành phố cho phép triển khai thực hiện một số nội dung về việc giao chủ đầu tư cho Ủy ban nhân dân quận, sử dụng nguồn vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ ngân sách quận và sử dụng nguồn vốn giải phóng mặt bằng từ ngân sách thành phố.

Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành dự án đường Vành đai 2,5 từ Đầm Hồng đến Ngụy Như Kon Tum; 2 dự án còn lại hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án trong năm 2023, triển khai công tác giải phóng mặt bằng từ năm 2024. Thực hiện công tác đầu tư, triển khai thực hiện đầu tư và hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2035.

PV: Thời gian qua, quận Thanh Xuân là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu nhà cao tầng được xây mới góp phần thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, mật độ xây dựng lớn đã tạo ra áp lực về dân số và giao thông. Vậy, quận có giải pháp như thế nào để phát triển đô thị thực sự hài hòa theo hướng hiện đại, văn minh?.

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến: Hiện nay trên địa bàn quận Thanh Xuân có khoảng 115 tòa chung cư (86 khu) đã đưa vào sử dụng, tổng số căn hộ khoảng 26.400 căn, với khoảng 70.000 nhân khẩu. Việc nhiều nhà cao tầng được triển khai xây dựng đã góp phần làm thay đổi diện mạo của quận theo hướng hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, cũng có phần gây ảnh hưởng, áp lực lên hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Quyết không “lạc nhịp” trong quá trình đô thị hóa
Tốc độ đô thị hóa cao góp phần đưa quận Thanh Xuân ngày càng hiện đại. Ảnh: PV

Để khắc phục tình trạng đó, thời gian qua, Ủy ban nhân dân quận cũng đã có một số giải pháp cụ thể như, về hạ tầng xã hội, từ năm 2015 đến nay quận đã đầu tư xây dựng, thành lập mới 8 trường học tại 3 cấp học là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; xây dựng lại 6 trường học; cải tạo, nâng cấp 61 công trình tại các trường học; bổ sung thường xuyên các trang thiết bị dạy và học cho các trường thuộc cả 3 cấp học, nhằm đáp ứng theo phương pháp giảng dạy mới cho học sinh và đạt chuẩn theo quy định,… Đến thời điểm này, quận đã cơ bản khắc phục được áp lực về giáo dục.

Đối với lĩnh vực Y tế, quận đã hoàn thành xây mới Trạm Y tế phường Thượng Đình; cải tạo, nâng cấp 10/11 Trạm Y tế phường phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trong quận. Ngoài ra, 11/11 phường đạt chuẩn Quốc gia về Y tế giai đoạn II…

Đặc biệt, trước áp lực về vấn đề giao thông, những năm qua, Ủy ban nhân dân quận đã đầu tư, cải tạo nhiều công trình đường và thoát nước, cải tạo vỉa hè, chỉnh trang tuyến phố văn minh đô thị. Cụ thể, tính từ năm 2017 đến nay, quận hoàn thành và đưa vào sử dụng 340 công trình; năm 2020 phê duyệt chuẩn bị khởi công 70 công trình. Với các công trình trọng điểm, quận đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 cầu bắc qua sông Tô Lịch, cầu qua sông Sét (phường Phương Liệt), đường phía Tây Bắc công viên hồ điều hòa Nhân Chính…

Song song với đó, quận phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội triển khai một loạt các biện pháp tổ chức giao thông đồng bộ khu vực các tuyến đường Nguyễn Tuân, Ngụy Như Kon Tum, Quan Nhân…việc thực hiện đồng bộ các biện pháp trên đã cho thấy hiệu quả rõ nét; ít xảy ra tình trạng ùn, tắc phương tiện trong giờ cao điểm.

PV: Một trong những mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVII là đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Xin đồng chí cho biết, Đảng bộ quận Thanh Xuân đã triển khai những nhiệm vụ gì để cụ thể hóa mục tiêu này?

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến: Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, thời gian qua quận Thanh Xuân đã và đang nổi lên như là một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định dấu ấn của một quận trẻ trung, năng động và tràn đầy sức sống. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, quận Thanh Xuân xác định rõ 2 khâu đột phá là: Nâng cao năng lực quản lý xã hội, quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận và Đầu tư hạ tầng giao thông đô thị, các trục đường theo quy hoạch.

Theo đó, quận đã xây dựng và triển khai Chương trình số 03-CTr/QU về “Phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch giai đoạn 2020 - 2025 hướng tới 2035”; Đề án số 02-ĐA/QU về “Nâng cao năng lực quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng giai đoạn 2020 - 2025”, với mục tiêu khai thác thế mạnh và huy động mọi nguồn lực tạo tiền đề vững chắc tăng trưởng kinh tế, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ - thương mại trong cơ cấu kinh tế…

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Đỗ Đạt (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này