Đồng bộ nhiều giải pháp để giảm áp lực giao thông!

17:38 | 19/01/2021
(LĐTĐ) Vào những ngày cận Tết Nguyên đán, áp lực giao thông trên nhiều tuyến đường lại có xu hướng tăng vọt, tình trạng ùn ứ diễn ra phổ biến. Có thời điểm, các phương tiện tham gia giao thông phải chật vật, di chuyển từng centimet để lưu thông, điều này đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều người. Làm sao để giảm căng thẳng giao thông dịp cận Tết, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn… dường như vẫn là bài toán nan giải với các ngành chức năng.
Áp lực giao thông được san sẻ ngày đầu thông xe Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng Hiệu quả qua những trục đường thông thoáng Nỗ lực giải tỏa áp lực giao thông

Diễn biến phức tạp

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao động Thủ đô, nhiều tuyến đường chính của Hà Nội như: Lê Văn Lương, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên, Thái Hà, Chùa Bộc, đường Đại La - Minh Khai (thuộc dự án Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - cầu Mai Động)… luôn trong tình trạng lượng phương tiện lưu thông dày đặc. Ở các cung đường kể trên, tình trạng giao thông ùn ứ liên tục biến động, không theo bất cứ quy luật nào dù là khung giờ thấp điểm hay cao điểm.

Thực tế cho thấy, ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân. Trong đó, lưu lượng giao thông tăng đột biến, hạ tầng không theo kịp là một nguyên nhân chính. Theo ghi nhận, gần đây tình hình ùn tắc giao thông ở Thủ đô có diễn biến phức tạp, xóa điểm ùn tắc cũ lại phát sinh điểm ùn tắc mới. Điểm giao cắt tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La (còn gọi là đường Chu Văn An) nối quận Hoàng Mai với huyện Thanh Trì và đường 70 tại Thủ đô Hà Nội là ví dụ.

Đồng bộ nhiều giải pháp để giảm áp lực giao thông!
Đồng bộ hạ tầng giao thông sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc. Ảnh: Giang Nam

Trục giao thông này gần đây là điểm nóng, gây bức xúc cho không ít người và phương tiện lưu thông. Theo đó, từ khi tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La đưa vào khai thác xuất hiện tình trạng một đoạn đường dù chỉ kéo dài 300 - 400m nhưng có tới ba nút giao cắt tại các vị trí: Ngã ba Xa La - đường 70, trước cổng Bệnh viện K và điểm giao cắt với đường 70 với tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La. Lượng phương tiện lưu thông đông khiến trục đường thường xuyên quá tải, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông phải rất vất vả để tiến hành phân luồng, điều tiết.

Bên cạnh nguyên nhân kể trên, còn không ít nguyên nhân khiến áp lực giao thông Thủ đô dịp cuối năm trở nên căng thẳng như: Việc phát triển đô thị hiện còn mất cân đối lớn giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, mật độ công trình xây dựng tập trung quá cao ở khu vực trung tâm thành phố; tiến độ di dời các nhà máy, trường học lớn ra ngoại thành còn chậm.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn thấp; công tác tuyên truyền và giáo dục về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đạt hiệu quả cao. Mặt khác, tình trạng chiếm dụng lòng, lề đường còn phổ biến; việc đào đường để phục vụ thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật được đồng loạt triển khai trên nhiều tuyến đường chính làm thu hẹp diện tích đường giao thông...

Tìm hướng xử lý

Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tháng cao điểm Tết và dịp diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hầu hết các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông… đều đồng loạt ra quân, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Nhờ vậy, những vi phạm, ít nhiều đã được chấn chỉnh.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội cũng tăng cường sử dụng hệ thống camera để kiểm tra và xử lý các vi phạm giao thông trên toàn địa bàn. Cụ thể, các đội cảnh sát giao thông sẽ tập trung huy động lực lượng triển khai quyết liệt, xử lý nghiêm đối với vi phạm, đặc biệt chú trọng vào khung giờ từ 21h - 6h hàng ngày. Đối với những phương tiện vi phạm, ngoài việc gửi thông báo xử phạt theo dữ liệu đăng ký của phương tiện, Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được.

Được biết trong năm 2020, trên cơ sở nhận diện các nhóm nguyên nhân cơ bản gây ra ùn tắc giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Đáng chú ý, trong năm 2020, Sở đã rà soát, giải quyết 105/137 kiến nghị của Công an Thành phố, 114/125 kiến nghị của các quận, huyện, thị xã liên quan đến công tác tổ chức giao thông. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã xử lý 8/34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Đáng chú ý, theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, năm qua việc hợp lý hóa luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh thường xuyên được Sở rà soát. Đảm bảo hoạt động thường xuyên của 6 bến xe khách liên tỉnh kết nối với 41 tỉnh, thành phố trong cả nước với 659 tuyến vận tải, 450 đơn vị vận tải, 4.620 phương tiện vận tải, 3.183 chuyến/ngày… đảm bảo sự đi lại của người dân trong và ngoài thành phố nhất là trong dịp lễ Tết, không để người dân không có xe về đón Tết.

Đồng bộ nhiều giải pháp để giảm áp lực giao thông!
Giao thông dịp cuối năm có xu hướng căng thẳng với lượng phương tiện tăng đột biến. Ảnh: Giang Nam

Về vận tải hành khách công cộng tiếp tục được Sở Giao thông vận tải Hà Nội quan tâm, mở rộng luồng tuyến và nâng cao chất lượng phục vụ. Hiện nay toàn thành phố có 126 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (104 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour). Các tuyến buýt có trợ giá của Thành phố đã phủ khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, 453/579 số xã, phường thị trấn đạt 78,2%.

Ở tầm vĩ mô, theo tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là một trong những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn là hết sức cần thiết.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 7,1 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó xe máy là hơn 6 triệu chiếc, ô tô gần 900.000 chiếc, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng của ô tô là 10,2%/năm và xe máy là 6,7%/năm, trong khi đó tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị còn thấp, mới đạt khoảng 10,2% (tỷ lệ cần đạt là 20 - 26%). Vì vậy, nguy cơ ùn tắc là khó tránh và dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn.

Trong đó, mục tiêu tổng quát của chương trình là “Huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ bảo đảm giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội thuận lợi, an toàn, chất lượng, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, văn minh, hiện đại”. Hướng đến mục tiêu mỗi năm giảm tối thiểu từ 8 điểm đến 10 điểm ùn tắc giao thông; giảm tai nạn giao thông từ 5% đến 10% hằng năm trên cả ba tiêu chí; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 30% đến 35%; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12% đến 15% quỹ đất xây dựng đô thị...

Cùng với đó, tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt nhóm giải pháp gồm: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - đây là nhóm giải pháp căn cơ có tính bền vững và lâu dài; tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý. Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung triển khai và sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Rõ ràng, trong khi tốc độ gia tăng về phương tiện quá nhanh, tốc độ đầu tư hạ tầng lại không theo kịp, đáng kể là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, thì “phương thuốc” hữu hiệu nhất là Hà Nội cần quyết liệt và sớm thực hiện là nâng cao hơn nữa ý thức tham gia giao thông. Và việc vào cuộc đồng bộ để xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng là giải pháp cần thiết. Qua việc mạnh tay chấn chỉnh vi phạm, người dân sẽ có ý thức hơn khi thực hiện nghiêm quy định về Luật Giao thông./.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này