Chung tay gìn giữ môi trường trong lành!

23:01 | 14/01/2021
(LĐTĐ) Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà những ngày qua theo kết quả quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội vượt ngưỡng. Tuy nhiên, không vì thế mà cố tình xuyên tạc hoặc đưa ra những nhận định cực đoan khiến người dân hoang mang. Ô nhiễm môi trường là vấn nạn của cả nhân loại, vấn đề là chúng ta phải cùng chung tay để gìn giữ môi trường sống nói chung, môi trường không khí của Thủ đô được trong lành!
Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng không khí “Điểm mặt” nguyên nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội chạm ngưỡng xấu Điều kiện khí tượng tác động chủ yếu tới chất lượng không khí

Thời tiết bất lợi, chất lượng không khí suy giảm

Những ngày vừa qua, khu vực miền Bắc trong đó có Thủ đô Hà Nội đón gió mùa Đông Bắc tăng cường, do ảnh hưởng của khối không khí lạnh bắt đầu tràn về với những đợt gió mạnh, ghi nhận tốc độ gió cao tại các trạm, thúc đẩy khả năng khuếch tán chất ô nhiễm nên chất lượng không khí giữ ở mức “tốt” và “trung bình”.

Khi khối không khí lạnh suy giảm, tốc độ gió thấp trên cả khu vực gây ra điều kiện lặng gió, nên nhiệt độ xuống thấp, về đêm và sáng sớm nhiệt độ giảm mạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, sáng sớm và chiều muộn hình thành lớp sương mù dày đặc cản trở việc khuếch tán ô nhiễm, gây ô nhiễm cục bộ.

Chung tay gìn giữ môi trường trong lành!
Lớp nghịch nhiệt như một tấm màng mỏng gây suy giảm chất lượng không khí (Ảnh: Minh Phương).

Ngoài ra, do yếu tố về địa hình, khu vực vùng Thủ đô địa hình chủ yếu là đồng bằng, thấp từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng; bao bọc xung quanh thành phố Hà Nội tại các khu vực đồi núi giáp ranh và các khu, cụm công nghiệp tỉnh (như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên) đang phát triển mạnh. Do điều kiện khí tượng sương mù sát mặt đất gây ra hiện tượng quẩn gió, các chất ô nhiễm không phát tán được và tích tụ ô nhiễm trong những ngày qua tại khu vực Hà Nội nói riêng và một số tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Theo ghi nhận tại 35 điểm quan trắc, chất lượng không khí ở Hà Nội đều nằm trong đỏ và tím, tác động nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng. Đỉnh điểm là ngày 4/1/2021, có 11/35 trạm quan trắc, chỉ số chất lượng không khí (AQI) từ 201 đến 250 - ở thang cảnh báo 5/6. Tuy nhiên, tại các khu vực khác nhau, chất lượng không khí cũng có sự khác biệt đáng kể. Các trạm đặt tại các Quận Ba Đình, Quận Cầu Giấy... thường có kết quả quan trắc thông số bụi PM2.5 cao hơn các khu vực khác.

Tại trạm ở khu vực Thành Công, Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng không có ngày nào chất lượng không khí ở mức tốt. Tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày bởi theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 1 đến tháng 3/2021 sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí ở các đô thị trên cả nước, trong đó có thành phố Hà Nội.

Theo nhiều chuyên gia môi trường, thời gian xuất hiện ô nhiễm không khí với chỉ số AQI giờ ở mức cao tiếp tục diễn ra chủ yếu vào ban đêm vào sáng sớm. Các nghiên cứu khoa học đã giải thích cho hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực miền Bắc tăng cao vào ban đêm và sáng sớm, đó là sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa. Lớp nghịch nhiệt giống như cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao. Những hôm có sương mù, không khí càng ô nhiễm nặng...

Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do quá trình đô thị hóa. Theo GS. Phạm Ngọc Đăng, phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam, hai "thủ phạm" chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là từ “bụi giao thông” và “xây dựng”.

Dẫn chứng báo cáo về ô nhiễm không khí, GS. Phạm Ngọc Đăng cho biết, nguồn gây ô nhiễm không khí khoảng 40% từ hoạt động giao thông, 16% từ hoạt động xây dựng. Hoạt động giao thông làm phát sinh bụi mịn PM2.5, còn xây dựng gây ra bụi có kích cỡ lớn hơn là PM10 nhưng khi rơi xuống đường phố, xe cộ chạy qua lại cũng làm bào mòn bụi PM10 thành mụi mịn.

Ngoài ra, số liệu nguồn gây ô nhiễm thứ cấp chiếm khoảng 35% nhưng cũng từ hoạt động xây dựng như xây nhà mới, phá nhà cũ, đào đường, đào hè, xây dựng cầu cống… vì quá trình thi công ở Việt Nam đều không có ý thức bảo vệ môi trường.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia môi trường cũng liệt kê ra hàng loạt “thủ phạm” được cho là gây nên ô nhiễm không khí, đó là hoạt động giao thông tăng cao sau kì nghỉ Tết Dương lịch, tình trạng rác thải ùn ứ không được vận chuyển do thay đổi đơn vị thu gom, việc đốt rơm rạ, hoạt động phá dỡ công trình xây dựng; xe vận chuyển vật liệu không được che chắn để đất, cát rơi vãi ra đường...

Đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp

Theo ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố Hà Nội đã xác định được 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Bước đầu, thành phố đã hạn chế được một số nguồn phát thải ô nhiễm như: Giảm được 85% số lượng bếp than tổ ong; hạn chế 75% số lượng rơm rạ, phụ phẩm cây trồng đốt trên đồng ruộng; tăng cường quét, hút bụi, tưới nước rửa đường trên các tuyến phố; ra quân xử lý xe ô tô chở vật liệu, rác thải gây ô nhiễm môi trường...

Chung tay gìn giữ môi trường trong lành!
Người dân cần có các biện pháp phòng chống ô nhiễm không khí khi ra đường.

“Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu phương án thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường không khí” - ông Mai Trọng Thái nhấn mạnh.

Trước mắt, để hạn chế ô nhiễm không khí, thành phố Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ, không sử dụng bếp than tổ ong, rà soát các cơ sở sản xuất bếp than, than tổ ong, đề nghị chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xây dựng phương án phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tính hiệu quả của mô hình hạn chế đốt rơm rạ và đề xuất mô hình tái sử dụng rơm rạ sau thu hoạch...

Ngoài ra, thành phố cũng giao Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng, cải tạo sửa chữa, lát đá vỉa hè. Công an thành phố xử lý nghiêm phương tiện giao thông xả khói thải, xe cơ giới quá niên hạn sử dụng, ô tô không che chắn, cuốn đất đá trên đường.

Đặc biệt, thành phố giao Sở Y tế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kịch bản ứng phó với ô nhiễm không khí để đưa ra cảnh báo với người dân khi chỉ số AQI từ mức xấu đến nguy hại, như: Không ra ngoài tập thể dục vào buổi sáng và chiều tối; hạn chế mở cửa sổ, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, trồng cây xanh quanh nhà giúp ngăn bụi, làm sạch không khí...

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, để những giải pháp trên sớm được triển khai, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thuộc thành phố cũng như sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương. “Các cấp, sở, ngành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ cùng sự ủng hộ của người dân sẽ hạn chế được tối đa nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội” - ông Lê Tuấn Định nhấn mạnh.

Dự kiến trong thời gian tới chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức "Xấu". Một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động./.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã trở thành quy luật vào thời điểm cuối năm. Cụ thể, theo kết quả quan trắc chất lượng không khí trong tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021 tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi PM2.5 tại Hà Nội cao hơn so với các đô thị khác.

Riêng Hà Nội đã có 22/34 ngày giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi PM2.5 (tính trung bình các trạm) vượt giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,2 đến 2 lần.

Tổng cục Môi trường đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI ngày cho kết quả, tại Hà Nội, khá nhiều ngày có chất lượng không khí ở mức “kém". Đặc biệt, những ngày cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, chỉ số AQI đã chạm mức “xấu".

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này