Kiến nghị giáo viên bậc học mầm non được nghỉ hưu sớm

10:42 | 14/01/2021
(LĐTĐ) Để đảm bảo sức khỏe của giáo viên cũng như chất lượng giáo dục, đào tạo trong thời gian tới, Công đoàn Giáo dục Việt Nam mới đây tiếp tục có văn bản đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Chính phủ quan tâm, xem xét về đặc thù lao động của giáo viên mầm non, đưa vào diện lao động nặng nhọc để hưởng chế độ hưu trí ở độ tuổi hợp lý, đáp ứng với thực tiễn và nguyện vọng của hầu hết giáo viên trong ngành.
Quy định tuổi nghỉ hưu sớm đối với cán bộ, công chức, viên chức Điều kiện nghỉ hưởng lương hưu khi làm việc nặng nhọc, độc hại Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình có tính tới đặc thù ngành

Giáo viên tha thiết mong được nghỉ hưu ở tuổi 55

Hiện, trên Fanpage của Công đoàn Việt Nam đang lấy ý kiến về việc “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm, bạn có ủng hộ đề xuất này không?”. Tham gia diễn đàn này, đã có hơn 1.600 lượt like, hơn 850 lượt ý kiến thể hiện quan điểm đồng tình, trong đó nhiều giáo viên trong ngành bày tỏ nguyện vọng tha thiết muốn được Đảng, Nhà nước xem xét để giáo viên mầm non được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu ở tuổi 55 như trước đây.

Kiến nghị giáo viên bậc học mầm non được nghỉ hưu sớm
Công việc của giáo viên mầm non rất vất vả, thời gian làm việc kéo dài, chịu nhiều áp lực. Ảnh minh họa: B.D

Chị Trần Mai (ở Bắc Giang) chia sẻ: “Bản thân tôi là một giáo viên mầm non và đã có 30 năm công tác trong ngành (từ 1/1/1991 đến nay), và có hơn chục năm làm Chủ tịch Công đoàn trường... tôi kiến nghị Nhà nước nên quan tâm đến chế độ cho giáo viên mầm non hơn nữa và cũng nên xếp bậc học mầm non là loại hình đặc thù nghề độc hại và nghỉ hưu ở tuổi 55 đối với nữ, vì chúng tôi phải chịu rất nhiều áp lực”.

Chị Len Giang (ở Ninh Bình) chia sẻ: Bản thân tôi đã dạy 14 năm ở tiểu học, 18 năm làm quản lý ở mầm non, tôi nhận thấy bậc học mầm non quá vất vả và nặng nhọc. Theo quy định tại Thông tư 06/2015 thì một lớp nhà trẻ là 2,5 cô/lớp, một lớp mẫu giáo thì 2,2 cô/lớp, nhưng thực tế gần 20 năm tôi làm quản lý tỷ lệ quy định trên chưa bao giờ được thực hiện mà chỉ có trên 1 cô hoặc giỏi lắm là 2 cô/lớp.

Mà đặc thù của trẻ là đang học ăn, học nói, học đi, học chạy, sức đề kháng quá non nớt, nên mọi hành vi trong sinh hoạt của trẻ đều cần sự quan tâm chăm sóc tận tình của cô giáo. Do vậy, giáo viên phải gồng mình lên trong suốt cả tuần để chăm sóc các cháu. Vì vậy, tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tôi nghĩ giáo viên sẽ không kham nổi. Để giáo viên cao tuổi dạy thế hệ mầm non tương lai của đất nước sẽ không có lợi cho các con. Các con sẽ bị trì trệ không phát huy được tính năng động, sáng tạo được. Do đó, kính đề nghị các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần xem xét cho phù hợp.

Xem xét xếp giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc

Bày tỏ nguyện vọng trên Fanpage Công đoàn Việt Nam, nhiều giáo viên cho rằng nên xếp giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc vì giáo viên mầm non phải làm việc rất vất vả, áp lực công việc lớn từ mọi phía, và phải đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ khi trẻ ở trường ở lớp. Trong khi với thu nhập nghề nghiệp, dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng thực sự vẫn còn rất khó khăn. Chị Thanh Định cho biết: Là giáo viên mầm non, tôi rất đồng tình với kiến nghị cho giáo viên nghỉ hưu sớm để đảm bảo sức khỏe, vì nghề này bị độc hại bởi tiếng ồn cũng như áp lực về giữ gìn tính mạng an toàn cho một lớp học có tới 40-45 học sinh.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 1/TB-VPCP về kết luận Hội nghị trực tuyến đánh giá về Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và vấn đề việc làm, mức sống, điều kiện làm việc của công nhân lao động. Theo văn bản thì Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể nhóm giáo viên mầm non, giáo viên thể chất vào danh mục động này có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ. nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trên cơ sở kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho hay: Do đặc thù lao động nghề nghiệp, giáo viên mầm non khác biệt hẳn so với giáo viên các bậc học khác, vì phải trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đối tượng của giáo viên mầm non chủ yếu là từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi; người giáo viên có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đối với trẻ, vì vậy, giáo viên mầm non phải có rất nhiều tiêu chí về phẩm chất, năng lực và sức khỏe, để đảm bảo vai trò là người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, giáo dục, dạy dỗ trẻ, biết tạo hứng thú cho trẻ học tập mỗi ngày và phải biết theo dõi sức khỏe, sự phát triển thể chất của trẻ.

Theo bà Hợp, hiện nay, giáo viên mầm non, ngoài nhiệm vụ chuyên môn là chuẩn bị bài dạy, đổi mới phương pháp, làm đồ dùng, lên lớp dạy học theo chương trình giáo dục mầm non mới; tổ chức các buổi học vẽ, kể chuyện, hát, múa, thể dục thể thao, cùng chơi với trẻ bằng sự khéo léo, tinh tế và truyền cảm hứng; tổ chức hoạt động dã ngoại… thì giáo viên còn phải thay nhau chuẩn bị các bữa ăn cho trẻ, trong khi đó mỗi ngày trẻ ăn từ 2-3 bữa; trực tiếp cho các cháu ăn, cho các cháu ngủ và dọn dẹp bếp núc…; đồng thời phải làm nhiệm vụ vệ sinh cho tất cả các cháu.

Bên cạnh đó, thời giờ làm việc luôn nhiều hơn giờ định mức theo quy định, công việc của các cô giáo bắt đầu từ trước giờ sáng khoảng 30 phút để đón trẻ vào lớp và kết thúc sau giờ nghỉ buổi chiều khoảng 30 phút tới 1 tiếng khi tất cả phụ huynh đã đón trẻ. Cá biệt, giáo viên mầm non ở các khu công nghiệp, nông trường cao su…do bố mẹ các cháu phải làm ca đêm nên có nơi giáo viên mầm non phải nhận, trông trẻ qua đêm.

“Thực tế công việc của giáo viên mầm non là cực kỳ vất vả, nhiều áp lực đến từ nhiều phía, kể cả từ phụ huynh nên phải luôn biết kiên nhẫn và kiềm chế; nhiều giáo viên bị stress; nhiều giáo viên do áp lực, thu nhập thấp… nên dẫn đến bỏ nghề. Chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non không có gì ngoài lương theo thang bảng lương nhà nước quy định.

Tuổi càng cao thì sức khỏe, độ linh hoạt, nhạy bén của các cô giáo cũng hạn chế nhiều, họ không thể chạy nhảy, hát múa cho trẻ như những cô giáo trẻ tuổi được, do đó giáo viên mầm non có thể xếp vào đối tượng lao động nặng nhọc; bởi vậy nếu như quy định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 60 như quy định của Luật Lao động là không phù hợp”, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm.

Bà Hợp cũng cho biết, đầu năm 2020, khi Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lao động 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định đối với cán bộ quản lý và nữ giáo viên mầm non, giáo viên giáo dục thể chất trong các trường học trên cả nước với hình thức trực tiếp và trực tuyến trên Fanpage của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Kết quả trên Fanpage đã có 10.300 người có ý kiến trên tổng số 10.698 ý kiến tham gia (chiếm tỷ lệ 96%) đề nghị nữ giáo viên bậc học mầm non được nghỉ hưu ở tuổi 55; có 2.700 người có ý kiến trên tổng số 2.897 ý kiến tham gia (chiếm tỷ lệ 93%) đề nghị giáo viên giáo dục thể chất được nghỉ hưu ở tuổi 55. Kết quả khảo sát trực tiếp tại Thái Nguyên với 103 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non thì hầu hết các ý kiến đều đề nghị tuổi nghỉ hưu của nữ giáo viên mầm non ở tuổi 55.

“Như vậy, hầu hết giáo viên không đồng ý về quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non và giáo viên giáo dục thể chất là 60 tuổi mà đề nghị được nghỉ hưu ở tuổi 55 như quy định trước đây hoặc thấp hơn. Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Chính phủ đưa đối tượng giáo viên mầm non, giáo viên giáo dục thể chất vào diện lao động nặng nhọc và được quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên ngày 18/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP nhưng cũng không có nội dung này”, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho hay./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này