Kiểm soát phát thải phương tiện giao thông nhằm cải thiện ô nhiễm

18:40 | 13/01/2021
(LĐTĐ) Nhiều năm trở lại đây, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư trong công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường, theo các chuyên gia để cải thiện chất lượng không khí vấn đề cần giải quyết ngay là kiểm soát phát thải từ phương tiện giao thông, các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất, làng nghề hay chính từ công tác thu gom xử lý rác thải.
Người dân cần chung tay giảm thiểu ô nhiễm không khí “Điểm mặt” nguyên nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội chạm ngưỡng xấu Hà Nội: Chất lượng không khí được cải thiện trong tuần qua

Theo các chuyên gia về môi trường, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong gần 20 năm qua có xu hướng vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam và cao hơn một số nước láng giềng. Tuy vậy, không thể phủ nhận số liệu đo đạc trong vài ba năm trở lại cho thấy ô nhiễm bụi PM2.5 có xu hướng giảm, mặc dù mức độ phát triển kinh tế vẫn cao.

Kiểm soát phát thải phương tiện giao thông nhằm cải thiện ô nhiễm

Kiểm soát phát thải từ phương tiện giao thông là một trong những biện pháp giúp cải thiện ô nhiễm không khí (Ảnh minh họa: N. Hoa)

Điều này cho thấy các nỗ lực thay đổi về thói quen sống, sử dụng nhiên liệu, quy hoạch, nâng cao tiêu chuẩn… đã góp phần nào đó trong việc cải thiện chất lượng không khí nhưng để cải thiện hơn nữa, có được bầu không khí hít thở tốt hơn thì chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức vẫn cần thực hiện nhiều hoạt động mạnh hơn.

Hiện nay có rất nhiều nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, từ phương tiện giao thông cơ giới, từ hoạt động xây dựng, các làng nghề, nhà máy… và từ chính mỗi người dân. Do đó để cải thiện chất lượng không khí của thành phố Hà Nội, chúng ta cần tập trung đồng bộ các giải pháp.

Những năm gần đây, Hà Nội cũng đã đưa ra và thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí như trồng thêm nhiều cây xanh, di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, loại bỏ bếp than tổ ong…

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam) vấn đề cần giải quyết ngay là kiểm soát phát thải từ phương tiện giao thông, các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất, làng nghề hay chính từ công tác thu gom xử lý rác thải.

Về kiểm soát phát thải từ phương tiện giao thông các chuyên gia cho rằng nhiều nghiên cứu trước đây về ô nhiễm bụi PM2.5 ở Hà Nội cho thấy mức độ đóng góp của nguồn giao thông có thể dao động từ 10-50% tùy thời kỳ. Về cơ bản, giao thông cơ giới là một trong những nguồn chính phát thải bụi tại Hà Nội tuy nhiên, với các ô nhiễm không khí dạng khí, hiện chưa có số liệu về mức đóng góp định lượng của các nguồn thải.

Do vậy bên cạnh việc tăng cường nghiên cứu để biết rõ vai trò của giao thông trong bức tranh nguồn thải và có các chính sách hướng mục tiêu chính xác, thì chúng ta có thể cải thiện bằng các biện pháp quy định như nâng cao tiêu chuẩn phát thải và kiểm tra khí thải xe máy. Để thực hiện biện pháp này nên sử dụng cách tiếp cận mềm dẻo và gắn với trợ giá cho người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nhà nước phải có chính sách để có nhiều nghiên cứu hơn, cũng như công khai số liệu. Các doanh nghiệp, những chủ nguồn thải cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.

Chính người dân cũng nên tự hỏi rằng mình có sẵn sàng chi trả cho các hoạt động cải thiện chất lượng không khí, chẳng hạn kiểm tra khí thải xe máy hay không. Theo công bố, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình khám xe này với chi phí đảm bảo cho người dân trung bình có thể chi trả là 50.000 đồng/năm, Tiến sĩ Tùng hi vọng Hà Nội sẽ sớm có chương trình tương tự.

N. Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này