Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

16:43 | 13/01/2021
(LĐTĐ) Song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, những năm qua, nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các cấp chính quyền; ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn giữ vững và có nhiều khởi sắc...
Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép Giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị thế “đầu tàu” Hái quả ngọt từ đam mê sáng tạo


Những dấu ấn đáng ghi nhận

Giai đoạn 2015 - 2020, Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp; chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Toàn Ngành tập trung đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, ngành học; nhờ vậy chất lượng dạy - học được duy trì, ổn định, từng bước được nâng lên vững chắc.

Tăng đầu tư, nâng chất lượng giáo dục
Đối với bậc mầm non, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. (Ảnh minh họa)

Đối với bậc mầm non, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm đề ra; chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.

Ngành đã tiếp tục nhân diện mô hình phòng chống suy dinh dưỡng khu vực ngoại thành và triển khai đại trà mô hình vườn trường trồng rau ở các quận, huyện có điều kiện; đồng thời triển khai thực hiện tốt Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, làm tốt công tác quản lý việc triển khai liên kết thí điểm cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh giữa các trung tâm ngoại ngữ với các trường mầm non...

Đối với bậc tiểu học, đến nay, cả 30/30 quận, huyện, thị xã trên toàn Thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục đúng độ tuổi mức độ 3. Đặc biệt, giai đoạn 2015 - 2020, Ngành đã chỉ đạo tốt việc dạy - học 2 buổi/ngày. Đến năm học 2019 - 2020, đã có 96,5% học sinh được học 2 buổi/ngày.

Ở bậc trung học, toàn Ngành đã tập trung đổi mới chương trình, nội dung dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; nhờ vậy chất lượng dạy - học ngày càng được nâng lên. Điểm bình quân các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 toàn Thành phố hàng năm đều tăng (năm học 2014 - 2015 môn Toán là 5,36, môn Ngữ văn là 6,35; năm học 2019 - 2020 môn Toán là 5,99, môn Văn là 6,50).

Tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông được giữ vững và từng bước được nâng lên (năm 2015, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông là 92,51%; đến năm 2020 nâng lên 99,17%). Tại các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, quốc gia và quốc tế, nhiều học sinh Hà Nội luôn đạt thành tích xuất sắc.

Trong giáo dục Thường xuyên - Chuyên nghiệp, giai đoạn 2015 - 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020"; củng cố vững chắc kết quả xoá mù chữ, toàn Thành phố hoàn thành xóa mù chữ mức độ 2; đẩy mạnh chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; huy động tối đa số lượng học viên theo học các chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông…

Tăng đầu tư, nâng chất lượng giáo dục
Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy - học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, công tác quản lý giáo dục, dạy học, tuyển sinh, thi, kiểm tra, đánh giá có nhiều đổi mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả. Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy - học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao đạt thành tích xuất sắc. Tính đến năm 2020, tỷ lệ trường học công lập đạt chuẩn quốc gia của toàn Thành phố đạt 75%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 là có từ 65% đến 70% số trường công lập đạt chuẩn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được chú trọng. Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Hà Nội ngày càng được tăng cường, có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn và năng lực quản lý tốt.

Nâng tầm chất lượng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn có một số mặt tồn tại. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ: Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh còn chưa đáp ứng được yêu cầu; hiệu quả giáo dục đạo đức học đường, nếp sống, ứng xử văn minh ở các cấp học có lúc, có nơi còn hạn chế; chất lượng đào tạo nghề, nhất là cho lao động nông thôn chưa theo kịp yêu cầu của thị trường lao động.

Việc chuyển đổi các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập có khả năng xã hội hóa sang mô hình tự chủ còn chậm. Các chính sách thu hút, sử dụng nhân tài làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố hiệu quả chưa cao.

Tăng đầu tư, nâng chất lượng giáo dục
"Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, việc phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới cũng đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn, nhất là khi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động nhanh, sâu rộng và đa chiều đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Công nghệ số làm thay đổi phương thức quản lý, mô hình sản xuất, kinh doanh...

Vì vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định "Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Một trong những chỉ tiêu đáng chú ý, đến năm 2025, Hà Nội có 80 - 85% số trường công lập (từ mầm non đến trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia.

So với nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong giai đoạn 2020 - 2025, nhiệm vụ "tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo" đã được nâng lên thành "đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo"; nhiệm vụ "chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao" được nâng lên thành "phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".

Điều đó cho thấy, nhiệm vụ trong giai đoạn 2020 - 2025 có sự kế thừa, phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 2015 - 2020, đồng thời tiếp tục nâng tầm và đổi mới mạnh mẽ hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.

Để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, tập trung phát huy tối đa nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn vốn xã hội hóa để phát triển các trường chất lượng cao, trường học thông minh, trường học song bằng, trường liên kết theo chương trình quốc tế ở tất cả các cấp học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của thành phố Hà Nội; tập trung chỉ đạo, bảo đảm tiến độ thực hiện và chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt 80 - 85%...

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này