Thay đổi số năm học mỗi cấp: Liệu có ý nghĩa gì?

10:18 | 27/08/2014
LĐTĐ -Một nội dung quan trọng được đề cập tại phiên họp thứ 2 năm 2014 của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vừa tổ chức mới đây là xác định lại số năm học và mục tiêu giáo dục trong hệ thống giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, dự thảo đề án của Bộ GD- ĐT đã sớm vấp phải sự “phản ứng” của nhiều chuyên gia đầu ngành giáo dục.

THCS kéo dài tới 5 năm?

 Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ đã có nhiều thay đổi trong dự thảo đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Theo đó, nội dung đổi mới đáng chú ý là xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông với 2 phương án khác nhau.

Ở phương án 1, giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học, gồm 5 năm học giáo dục tiểu học và 5 năm học giáo dục trung học cơ sở (THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp trung học phổ thông (THPT) được thực hiện trong 2 năm học. Ưu điểm của phương án này là thời gian thực hiện giáo dục cơ bản thêm 1 năm so với hiện nay nên có điều kiện tốt hơn trong việc trang bị kiến thức phổ thông nền tảng; độ tuổi 16 phù hợp hơn so với độ tuổi 15 trong phân luồng sau giáo dục cơ bản; Giáo dục THCS trong 5 năm học (thêm 1 năm học) sẽ tận dụng cơ sở vật chất đồng thời tăng thêm số lớp, số giáo viên của nhà trường, thuận tiện sinh hoạt chuyên môn và thực trạng giáo dục phổ thông hiện hành cho phép thực hiện. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là phải điều chỉnh quy định tại Luật Giáo dục năm 2005 về thời gian của mỗi cấp học giáo dục phổ thông và phải cơ cấu lại các yếu tố trong hệ thống giáo dục hiện hành.

Với phương án 2, giáo dục cơ bản được thực hiện trong 9 năm học, 5 năm học giáo dục tiểu học và 4 năm học giáo dục THCS, giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 3 năm học. Ưu điểm của phương án này là đảm bảo quy định tại Luật Giáo dục năm 2005 và đảm bảo sự ổn định của hệ thống giáo dục hiện hành. Về hạn chế, Bộ GD-ĐT nêu thời lượng 9 năm học dành cho trang bị kiến thức phổ thông nền tảng, đặc biệt là giáo dục hướng nghiệp ở THCS còn ít so với yêu cầu mới trong khi giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm học ở THPT là nhiều.

Nhiều quan điểm phản bác!

Trong khi quan điểm của Bộ GD-ĐT có vẻ đang nghiêng về phương án 1 thì có khá nhiều chuyên gia tham dự phiên họp đã tỏ rõ băn khoăn. Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc áp dụng phương án 10 năm cho giáo dục cơ bản ở bậc THCS, đồng nghĩa với việc sẽ tăng thêm 1 năm với khoảng 1 triệu học sinh THCS. Điều này sẽ kéo theo vấn đề cơ sở vật chất với khoảng 30.000 phòng học mới cho học sinh. Trong khi đó, bậc THPT lại trở nên “rỗng ruột” khi bị rút từ 3 triệu xuống còn 2 triệu học sinh. Những vấn đề trên trước mắt là bất khả thi vì sẽ khó khắc phục được.

Đồng quan điểm, một giáo sư trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay:“Chi phí ở đâu cho việc thay đổi cơ sở vật chất này? Đội ngũ giáo viên sẽ thay đổi như thế nào? Liệu có phải đưa giáo viên THPT xuống dạy THCS… cho đỡ lãng phí? Tăng 1 năm cho bậc THCS và giảm 1 năm bậc THPT không có ý nghĩa gì trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bởi điều mấu chốt của đổi mới giáo dục hiện nay là thay đổi phương pháp học tập, chương trình - sách giáo khoa, tạo kỹ năng cho học sinh... vì những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo”- vị này cho hay.

PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng bày tỏ sự không đồng thuận với phương án 1 của Bộ GD-ĐT vì sẽ gây khó khăn với chi phí rất lớn. PGS Văn Như Cương cho rằng mô hình 5-4-3 (tiểu học 5 năm - THCS 4 năm - THPT 3 năm) như hiện nay đã ổn định và có thể giữ như thế, quan trọng là giảm tải chương trình, sách giáo khoa cũng như đẩy mạnh việc hướng nghiệp cho các em ở bậc phổ thông.

Còn góp ý về việc thiết kế lại hệ thống giáo dục quốc dân, ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường ĐH FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập  nghiêng về phương án “1-1-1-1” (tức bậc tiểu học vẫn học 5 năm, cấp THPT học 4 năm, CĐ học 3 năm và ĐH học 3-4 năm). Với mô hình này, hệ thống trường học sẽ quy hoạch lại để chỉ còn trường tiểu học, trường trung học (gộp giữa 2 bậc THCS và THPT), trường CĐ và trường ĐH. Chương trình học phổ thông được thiết kế lại thành hệ 9 năm, học sinh có bằng phổ thông khi 15 tuổi.

Được biết, trước khi trình Quốc hội, dự thảo sẽ được thông qua lại Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực lần nữa vào ngày 28/8 tới. Sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ, dự thảo tờ trình đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa sẽ được công khai để lấy ý kiến rộng rãi của xã hội./.

 Hữu Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này