Nguồn năng lượng nội sinh để phát triển tầm vóc mới của Thủ đô

Kỳ 3: Thay đổi cách nhìn để phát triển

18:34 | 13/01/2021
(LĐTĐ) Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã nỗ lực hết mình cùng các nhà thiết kế, họa sĩ, nghệ sĩ, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật đưa nghệ thuật công cộng phát triển. Tuy nhiên, để tận dụng nguồn năng lượng nội sinh này trong việc phát triển tầm vóc mới của Thủ đô, cần có một lộ trình hướng tới mục tiêu trở thành thành phố thông minh, nơi thúc đẩy không gian sáng tạo để phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới.
Kỳ 2: Nghệ thuật công cộng Hà Nội khởi sắc Kỳ 1: Vì sao Hà Nội cần quan tâm đến nghệ thuật công cộng?

Qua quan sát có thể thấy, tượng đài, tranh tường, tranh gốm,… là những công trình nghệ thuật công cộng được đặt trong không gian đô thị không chỉ đóng vai trò là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt mà còn là gạch nối thiên nhiên với phố phường, nhà cửa. Hiện nay, Hà Nội vẫn còn một vài công trình, không gian nghệ thuật công cộng đang được đặt chưa đúng vị trí, chưa được quy hoạch bài bản, chưa khai thác được hết giá trị nghệ thuật gắn kết với du lịch.

Bên cạnh đó, không gian nghệ thuật công cộng liên quan đến văn hóa nghệ thuật, văn hóa phi vật thể mặc dù đã được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố, nhưng vẫn chưa khai thác được hết được giá trị, tiềm năng và giá trị kinh tế du lịch.

Thay đổi cách nhìn để phát triển
Con đường Gốm Sứ của Hà Nội (ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã nỗ lực hết mình cùng các nhà thiết kế, họa sĩ, nghệ sĩ, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật đưa nghệ thuật công cộng phát triển ở Thủ đô, nhưng để có một quy hoạch bài bản, đã đến lúc Hà Nội cần có một cách nhìn, một lộ trình, một chế tài cụ thể cho việc quy hoạch không gian nghệ thuật công cộng trước khi nghệ thuật công cộng phát triển ồ ạt theo hướng “tự phát”. Đã đến lúc trang trí đô thị cần phải được đẩy lên một tầm cao mới đòi hỏi sự nhìn nhận nghiêm túc từ các nhà quản lý đô thị đến mỗi người dân.

Nghệ thuật công cộng không còn quẩn quanh ở vấn đề tác phẩm mà còn là vấn đề không gian, vấn đề bảo dưỡng tác phẩm ở nơi công cộng, khai thác tiềm năng du lịch để những tác phẩm nghệ thuật sau nhiều năm đứng ngoài trời không bị xuống cấp, bong tróc, làm mất giá trị thẩm mỹ của chính tác phẩm cũng như làm mất mỹ quan đô thị.

Theo thạc sĩ, họa sĩ Đặng Thế Sơn (Đại học Mỹ thuật Việt Nam), một dự án nghệ thuật công cộng khi được thực hiện thành công sẽ tạo nên hiệu quả cộng hưởng kèm sau đó, không chỉ nâng cao thẩm mỹ văn hóa chung cho cộng đồng mà còn nâng cao ý thức tôn trọng các tác phẩm nghệ thuật, giúp ích cho việc giáo dục nghệ thuật. Việc rất cần tiếp theo là sự hợp tác của các ban nghành trong xã hội từ du lịch đến giáo dục tạo nên sức lan tỏa cho những dự án cộng đồng.

Đi cùng với sự phát triển của các không gian nghệ thuật rất cần sự mở rộng các không gian sáng tạo. Các không gian sáng tạo là một khái niệm khá mới mẻ trong những năm gần đây với sự nổi lên và cũng biến mất nhanh chóng của khu nghệ thuật tự phát Zone 9 trên nền một nhà máy dược ở ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm. Sau sự tan rã của Zone 9, các xưởng sáng tạo nhỏ từ thiết kế tới kiến trúc, không gian nghệ thuật… đã dạt ra khắp nơi ở Hà Nội và cố gắng vật lộn để dần khẳng định sự cần thiết và nhu cầu thiết yếu của việc tạo dựng và vận hành những không gian sáng tạo.

Mô hình này thực sự là bài học không mới, bài học từ những thành phố ở các nước phát triển trên thế giới từ Đông sang Tây đều chứng minh nhu cầu cấp thiết của những không gian sáng stạo trong giới trẻ chính là nguồn năng lượng tươi mới của thành phố, đồng thời giải quyết nhu cầu kết nối trực tiếp với cộng đồng.

Thay đổi cách nhìn để phát triển
Hà Nội sẽ là điểm đến độc đáo của thế giới trong tương lai không xa (ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Hà Nội trong hướng đi tiếp theo cần hướng tới mục tiêu trở thành thành phố thông minh nơi thúc đẩy không gian sáng tạo để phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới. “Theo quan điểm cá nhân tôi, vấn đề nằm ở chính sách phát triển kinh tế văn hóa xã hội cụ thể của chính quyền cần phải có những cam kết thay đổi ủng hộ và đồng hành cùng với việc thúc đẩy nguồn lực sáng tạo trẻ”, họa sĩ Đặng Thế Sơn nhấn mạnh.

Một giải pháp mà giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiêm (Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra đó là cần hoàn thiện những chính sách vĩ mô quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển mỹ thuật công cộng, trong đó bao gồm quản lý không gian công cộng, quản lý quy hoạch phát triển mỹ thuật công cộng; giải pháp vi mô nhằm nâng cao chất lượng về quy hoạch phát triển mỹ thuật công cộng bao gồm việc tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên ngành thực hiện các tác phẩm mỹ thuật trong không gian môi trường văn hóa công cộng; có chính sách phát lý để tạo sự phối hợp đồng bộ giữa mỹ thuật – kiến trúc – quy hoạch và các ngành có liên quan; tuyên truyền nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho người dân và các cấp lãnh đạo chuyên ngành địa phương.

Đối với văn hóa nghệ thuật công cộng, theo tiến sĩ Trịnh Lê Anh (Khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), những loại hình diễn xướng dân gian có thể trở thành hoặc đóng góp phần xây dựng nghệ thuật công cộng trong phát triển du lịch có thể kể đến chèo, quan họ, chầu văn, xẩm, ca trù, hát xoan, tuồng, hát trống quân, bài chòi, cải lương… bởi thỏa mãn các tiêu chí như đa dạng về không gian thể hiện; đơn giản trong cách thức thể hiện do thiết bị hỗ trợ đơn giản, thuận lợi trong quá trình biểu diễn; quy mô nhỏ do số lượng diễn viên, khán giả, những người hỗ trợ biểu diễn nhỏ; có tính tương tác cao với khán giả; nội dung đơn giản, dễ hiểu, trong trường hợp sử dụng ngôn ngữ thì không cần phiên dịch, biên dịch; tiếp cận đa dạng về mặt trực giác.

Nhìn chung, để cải tạo không gian, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô; xây dựng Hà Nội thành một đô thị độc đáo, có bản sắc riêng, cần đánh thức không gian Hà Nội qua các dự án nghệ thuật công cộng. Nếu xác định đúng mục tiêu và cải tạo có lộ trình, Hà Nội sẽ là thành phố sáng tạo, nơi thu hút các hoạt động hợp tác quốc tế, điểm đến độc đáo không thể bỏ qua của nhiều tour du lịch trong và ngoài nước.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này