Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô

21:34 | 12/01/2021
(LĐTĐ) Thời gian qua, nhất là sau khi quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, Hà Nội đã và đang từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Hà Nội vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới Từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô Hà Nội khởi công xây dựng cầu 2.538 tỷ đồng vượt sông Hồng

Diện mạo mới cho hạ tầng giao thông

Trong bức tranh về giao thông Hà Nội hôm nay đã có nhiều màu sắc tươi sáng hơn khi nhiều công trình giao thông trọng điểm của Trung ương và Hà Nội đều đua nhau về đích đúng tiến độ, những công trình này đã góp phần thay đổi diện mạo, tạo đà cho thành phố vươn lên mạnh mẽ.

Nhiều công trình đã được đưa vào khai thác, sử dụng như: Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên; vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long dưới thấp, trên cao; đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng... góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị được nâng cao, đạt 10,07% (năm 2019 là 9,75%).

Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô
Các tuyến đường vành đại được hoàn thành giúp tăng cường tính kết nối các cửa ngõ của Thành phố.

Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư hạ tầng giao thông, Sở đã xử lý tám điểm trong số 34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, xử lý xong 25 điểm đen giao thông. Năm 2021 tiếp tục rà soát, có phương án xử lý 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc giao thông mới.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, đối với công tác tiếp nhận tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các công việc thuộc phạm vi, thẩm quyền; thực hiện dự án cải tạo hạ tầng phục vụ kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông bằng nguồn ngân sách thành phố gồm: Cải tạo hạ tầng phục vụ kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông; Cải tạo, sửa chữa tuyến đường Nguyễn Trãi, Quang Trung; Cải tạo, sửa chữa và xén dải phân cách mở rộng mặt đường phố Yên Lãng - Hoàng Cầu... Xây dựng và triển khai từng bước phương án kết nối tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông với mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn để phát huy hiệu quả khi đưa vào khai thác vận hành.

Tiếp tục hoàn thành kết nối

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong 5 năm tới, Hà Nội tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với năm đô thị vệ tinh và kết nối Thủ đô với các tỉnh, địa phương thuộc vùng thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm như: QL1A, QL3, QL6, QL21; QL21B; các trục Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; các đường vành đai như vành đai 3,5, đường vành đai 4, vành đai 5; một số cầu vượt sông như cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở (vành đai 4); cầu Ngọc Hồi (vành đai 3,5); cầu Đuống 2 (trên QL1A cũ)… Trong đó, tuyến vành đai 3,5 và cầu Ngọc Hồi được hình thành sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải.

Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô
Dù hạ tầng giao thông Hà Nội đã có bước chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thực sự "đột phá".

Ngoài ra, thành phố cũng nỗ lực hoàn thiện và khéo kín các nút giao đường vành đai với nhiều dự án. Cụ thể: Nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức) với tổng mức đầu tư 2.624 tỷ đồng; hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 (quận Thanh Xuân) với tổng mức đầu tư hơn 698 tỷ đồng; hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) với tổng mức đầu tư hơn 671 tỷ đồng; cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) với tổng mức đầu tư khoảng 147 tỷ đồng; nút giao đường Hoàng Quốc Việt – hầm chui theo hướng đường Hoàng Quốc Việt qua đường Vành đai 3 (quận Bắc Từ Liêm) với tổng mức đầu tư khoảng 881 tỷ đồng; nút giao đường Cổ Nhuế - hầm chui theo hướng đường Tây Hồ Tây – Tây Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm) với tổng mức đầu tư khoảng 1.010 tỷ đồng.

Trong số này, với nút giao thông Hoàng Quốc Việt và nút giao thông Cổ Nhuế, Sở Giao thông – Vận tải đã đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương đầu tư từ nguồn vốn dư của dự án đầu tư xây dựng cầu cạn Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Có thể nói, nhờ đầu tư cho hạ tầng, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện đáng kể, số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 41 điểm (năm 2015) xuống còn 34 điểm (tháng 3/2020). Tuy nhiên, với số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn rất lớn trong khi diện tích đất dành cho giao thông mới tăng ở mức 0,3%/năm, hiện nay kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô vẫn đang bị quá tải.

Tình trạng này diễn ra ngày càng nặng thêm do chưa gắn kết được quy hoạch hạ tầng giao thông với các quy hoạch đô thị khác như quy hoạch xây dựng, quy hoạch nhà ở, quy hoạch môi trường đô thị. Ngoài ra, khả năng kết nối giao thông liên vùng còn nhiều khó khăn, vận tải khách công cộng chưa phát triển... tất cả đều là những vấn đề cần lưu tâm để khắc phục.

Do vậy, Hà Nội cần tiếp tục tập trung đầu tư, góp phần hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông khung của Thành phố theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông tuyến và khép kín các đường vành đai trong khu vực đô thị trung tâm, cùng một số tuyến đường sắt đô thị có tính kết nối.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này