Kỷ niệm 80 năm Ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước (28/1/1941-28/1/2021):

Quyết định quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa cách mạng Việt Nam đến toàn thắng

17:47 | 12/01/2021
(LĐTĐ) Ngày 28/1/1941, sau 30 năm hoạt động ở ngước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng 8/1945.
Tái hiện tầm vóc ngoại giao Việt Nam qua Tái hiện tầm vóc ngoại giao Việt Nam qua "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris"

Cuốn sách "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris" của nhà ngoại giao Võ Văn Sung không đơn thuần chỉ là hồi ức của ...

Ngày 5/6/1911, rời đất nước ra đi với một khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển, vừa lao động vừa học tập, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, để rồi tìm thấy chân lý của thời đại: Chủ nghĩa Mác-Lênin. Thành công lớn nhất của Nguyễn Ái Quốc trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài, là tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam, thành lập Đảng tiền phong của giai cấp công nhân và xây dựng được đội ngũ cán bộ nòng cốt cho phong trào cách mạng ngay gần biên giới Việt - Trung.

Ngày 28/1/1941, sau 30 năm hoạt động ở ngước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh đấu một thời kỳ hoạt động sôi nổi, đầy khó khăn hiểm nguy của Người ở nước ngoài, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng 8/1945.

Với tầm nhìn chiến lược của một nhà cách mạng thiên tài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn Cao Bằng là điểm đặt chân đầu tiên khi Người về Tổ quốc. Bởi theo Người, Cao Bằng là địa bàn có vị trí thuận lợi cho mạch máu giao thông, thông tin liên lạc, có đường bộ, đường sông sang Trung Quốc; đường bộ sang Lạng Sơn, Hà Giang và xuôi về các tỉnh trung du, đồng bằng; là vùng căn cứ chiến đấu của phong trào yêu nước, cơ sở cách mạng được xây dựng từ rất sớm.

Với những thuận lợi cơ bản đó, Nguyễn Ái Quốc quyết định xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Người nói: "Đây là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng, vì nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phối hợp lực lượng, bảo đảm cho cách mạng thắng lợi" và Người nhận định: "Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được". Thực tế lịch sử đã minh chứng, Cao Bằng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là trung tâm đầu não của phong trào cách mạng cả nước.

Quyết định quan trọng của Bác Hồ đưa cách mạng Việt Nam đến toàn thắng
Bức ảnh chụp Nguyễn Ái Quốc tại đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tua vào năm 1920 (ảnh tư liệu)

Một trong những vấn đề cơ bản thể hiện sự tài tình của Nguyễn Ái Quốc trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam là Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), thay đổi đường lối chiến lược cách mạng của Đảng và thành lập Mặt trận Việt Minh.

Xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương, Hội nghị Trung ương 8 dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những quyết sách quan trọng, trước hết là chuyển hướng chiến lược cách mạng, tập trung giải quyết một cách đúng đắn, khoa học nhất mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Nghị quyết nêu rõ: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì không những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được". Tư tưởng này không những khắc phục quan điểm về đấu tranh giai cấp, mà còn tạo điều kiện cho tư tưởng của Người tiếp tục phát triển, đưa lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.

Việc thành lập Mặt trận Việt Minh là một chủ trương mang tính chiến lược, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhằm đoàn kết hết thảy các lực lượng yêu nước trong dân tộc để cứu nước, giải phóng dân tộc. Người đã chỉ đạo làm thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng, nhằm kiểm nghiệm, bổ sung, hoàn thiện về chính cương, điều lệ, phương pháp tổ chức của Mặt trận Việt Minh trước khi mở rộng việc xây dựng ra cả nước. Điều đó, chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc có một lý luận và phương pháp cách mạng khoa học. Và Người đã để lại cho chúng ta một bài học hết sức sâu sắc đó là: Bất kỳ một chủ trương, chính sách, công tác nào của Đảng cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ quyền lợi, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời nó phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn và rút kinh nghiệm trước khi đem ra thực hiện.

Sau khi về nước, người đã chỉ đạo công tác vận động xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng, nhân tố quan trọng góp phần giành thắng lợi cho Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945; chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, coi công tác cán bộ là gốc của mọi công việc; chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tích cực chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền; chỉ đạo công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với phong trào cách mạng; chỉ đạo xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ sở Đảng.

Quyết định về nước ngày 28/1/1941 và quá trình trực tiếp chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về mọi mặt, “tạo thời, lập thế”, là cơ sở vững chắc để toàn dân tộc ta đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lật đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á. Thắng lợi đó đã đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

Bảo Thoa (t/h)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này