Hoạt động thanh, kiểm tra chưa được minh định rõ

13:40 | 12/01/2021
(LĐTĐ) Đây là một trong những nội dung nổi bật được chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/1.
Bế mạc chương trình tập huấn giám sát, trọng tài các giải ngoài chuyên nghiệp quốc gia 2021 Đối thoại, gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về hợp đồng dân sự Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông Đường bộ

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra chưa được minh định rõ trong luật. Cụ thể, pháp luật Việt Nam đã có Luật Thanh tra, quy định về hoạt động thanh tra doanh nghiệp.

Hoạt động thanh, kiểm tra chưa được minh định rõ
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Việc thanh tra phải có kế hoạch hàng năm, trường hợp thanh tra định kỳ phải có quyết định thanh tra và gửi trước cho doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép giải trình đối với dự thảo kết luận thanh tra và kết luận cuối cùng phải được cung cấp cho doanh nghiệp. Luật cũng có quy định các khoảng thời gian cụ thể cho từng bước của một cuộc thanh tra. Tuy nhiên, đối với hoạt động kiểm tra thì hiện nay không có các quy định như vậy. Trong khi đó, có sự trùng lặp giữa việc thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp về nội dung và hệ quả pháp lý của hai hoạt động này.

Phát biểu tại hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, năm 2020 là một năm rất đặc biệt, trong đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế có một phần rất quan trọng của xây dựng pháp luật. Trong năm qua, chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp được thiết kế đi theo hai “dòng chảy” mạnh mẽ. Thứ nhất là “dòng chảy” kịp thời của các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua các khó khăn do dịch bệnh Covid 19. Thứ hai là “dòng chảy” bền bỉ, mạnh mẽ của các chính sách cải cách thể thế, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả quốc gia.

Về Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2020, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh một vấn đề rất quan trọng mà báo cáo của VCCI lần này dành hẳn chương riêng để thảo luận, đó là khung khổ pháp lý nào cho nền kinh tế số. Theo đó, nhiều quy định quản lý thông qua điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép cho một số hoạt động trên môi trường mạng vẫn còn nhiều bất cập; vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ đối với các loại tài sản trong kinh tế số vẫn chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả; các mô hình kinh doanh dịch vụ trên kinh tế số phát triển khá nhanh nhưng chưa có biện pháp phù hợp để quản lý…

Hoạt động thanh, kiểm tra chưa được minh định rõ
Toàn cảnh Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020.

“Qua rà soát chúng tôi nhận thấy khung khổ pháp lý cho kinh tế số tại Việt Nam còn nhiều vấn đề, chưa đảm bảo tính tiên phong. Trong báo cáo của VCCI chúng tôi dành hẳn một chương để thảo luận về vấn đề này. Đây là lĩnh vực quan trọng, đầy tiềm năng song phản ứng chính sách của Việt Nam về vấn đề còn chậm và còn cần nhiều nỗ lực để cải thiện” - TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh là sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhằm điểm lại những nét nổi bật của pháp luật kinh doanh Việt Nam định kỳ hàng năm. Sáng kiến này được bắt đầu từ đầu năm 2018. Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2020 lần này được xây dựng trên cơ sở thực tiễn kinh doanh và những nghiên cứu chuyên sâu. Trên cơ sở ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội và nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, báo cáo sẽ điểm lại những quy định pháp luật trong năm 2019 có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có phân tích, bình luận về các quy định, từ đó có thể nhận biết được góc nhìn của doanh nghiệp về các chính sách trong năm nay; đánh giá về hoạt động rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh năm 2019 và rà soát về chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật về kinh doanh… Đặc biệt, báo cáo cung cấp góc nhìn của doanh nghiệp đối với những vấn đề về quy định pháp luật, qua đó gửi gắm mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng tới các nhà hoạch định chính sách.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này