Cần sự chung tay của toàn xã hội

13:40 | 12/01/2021
(LĐTĐ) Bên cạnh sự quyết liệt của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng phải tăng cường phát hiện các tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không an toàn. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân càng cần có sự chung tay của toàn xã hội.
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi Chấm điểm công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Ba Vì Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm trong cơ sở giáo dục
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Ảnh minh họa

Có thể thấy, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 công tác triển khai các hoạt động về thanh tra kiểm tra về an toàn thực phẩm đã giảm thiểu nhưng vẫn được triển khai đồng bộ quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.

Theo đó, hầu hết các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm đã được phát hiện xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn. Năm nay, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán cũng như lễ hội Xuân, các cơ quan chức năng cũng đã sớm triển khai nhiều biện pháp thiết thực.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhìn nhận, bên cạnh sự quyết liệt của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng phải tăng cường phát hiện các tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không an toàn. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn thực phẩm, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc quan trọng nhất là phải chọn mua được thực phẩm an toàn.

“Người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là đối với bánh kẹo nhập khẩu. Hãy tìm mua từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Với các loại rau, quả tươi phải giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ. Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khi lựa chọn mua thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn, cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn. Mặt khác, không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm...

Ngoài vấn đề lựa chọn thực phẩm, các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các thức ăn như rau sống, cần phải rửa thật kỹ 2 - 3 lần trước khi ăn...Nếu người tiêu dùng sau khi ăn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời và báo cơ quan chức năng, địa phương về sản phẩm thực phẩm không an toàn để kiểm tra, xử lý theo quy định./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này