Để không còn nỗi lo an toàn thực phẩm!

13:40 | 12/01/2021
(LĐTĐ) Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các mặt hàng thực phẩm như rượu bia, bánh kẹo… luôn có lượng tiêu thụ lớn nhất, đây cũng là mặt hàng bị làm giả, mua bán trôi nổi nhiều nhất trên thị trường. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần cẩn trọng chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm để phòng chống ngộ độc.
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi Quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm Hà Nội thanh kiểm tra hơn 64.000 cơ sở sản xuất kinh doanh về an toàn thực phẩm

Ngổn ngang nỗi lo an toàn thực phẩm

Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với hàng triệu lượt khách tham dự. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình. Chị Phạm Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh: “Những ngày này, đến các chợ dân sinh, tôi thấy hàng loạt các loại bánh mứt được bày bán tràn lan.

Để không còn nỗi lo an toàn thực phẩm!
Gần Tết, vấn đề an toàn thực phẩm được nhiều người quan tâm (Ảnh mang tính minh họa - K.Tiến)

Thậm chí, có những loại bánh, kẹo này có bao bì hoàn toàn là tiếng nước ngoài, không rõ nguồn gốc, không hạn sử dụng. Người bán khẳng định hàng nhập khẩu chính ngạch nhưng hầu như trên sản phẩm không hề có tem, nhãn phụ tiếng Việt, giá cả không đồng nhất”.

Chưa kể, trong năm qua, nhiều vụ nông sản, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện tiếp tục gây lo lắng cho người tiêu dùng.Trong đó, toàn ngành Y tế đã kiểm tra 406.278 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra kiểm tra 12.240 vụ, xử lý 7.158 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 27,9 tỷ đồng và thu giữ số hàng hoá trị giá hơn 28,5 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 8.529 vụ/8.548 đối tượng vi phạm về pháp luật an toàn thực phẩm, xử lý hành chính 7.659 vụ/7.189 cá nhân, tổ chức với số tiền xử phạt là 52,6 tỷ đồng, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 7 vụ/8 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm…

Đặc biệt, vụ ngộ độc pate Minh Chay của Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Lối Sống Mới (có trụ sở tại huyện Đông Anh) hồi tháng 8/2020 là một ví dụ. Mặc dù vụ ngộ độc đã xảy ra cách đây hơn 4 tháng nhưng vẫn khiến chị Lê Thị Mai (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị “ám ảnh”, chưa yên tâm chọn các loại thực phẩm chay đóng hộp.

Theo chị Mai, hiện nay người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Đặc biệt, càng đến tháng cuối năm, mối lo ngại về an toàn thực phẩm lại càng lớn hơn. “Thậm chí, đồng nghiệp ở cơ quan đã chào hàng bánh mứt, các đặc sản nhà làm nhưng tôi chưa dám đặt”, chị Mai nói.

Bên cạnh đó, những ngày qua, khi cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, bắt giữ nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh làm giả, làm nhái, nhập khẩu các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc càng khiến cho người tiêu dùng hoang mang hơn. Cụ thể, mới đây, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh, tập kết thực phẩm tại địa chỉ N02, LK 54 khu Cổng Đồng, phường La Khê, quận Hà Đông, do bà Đ.T.N làm chủ.

Qua kiểm tra, cơ sở có hoạt động kinh doanh hàng hóa thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện (kinh doanh thực phẩm) nhưng không có giấy phép kinh doanh theo quy định. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện 847 kg sản phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể: Hành sấy khô, thịt lợn sấy khô, thịt lợn sấy cháy tỏi, đậu Hà Lan sấy, ruốc, bánh tráng tẩm…

Siết chặt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một số thực phẩm có nguy cơ cao gây ra ngộ độc trong những ngày lễ, Tết như ăn gỏi hay thịt chưa chín kỹ. Bánh, mứt, nước ngọt và thực phẩm giá rẻ không rõ nơi sản xuất, thực phẩm có màu và mùi lạ, không rõ hạn dùng. Các loại hải sản khô lâu ngày bị nấm mốc, các loại cá và hải sản không tươi sống hay chưa chín kỹ. Ăn các loại rau sống không được rửa sạch…

Để không còn nỗi lo an toàn thực phẩm!
Bánh kẹo, rượu bia là mặt hàng thường xuyên bị làm giả, mua bán trôi nổi nhiều nhất trên thị trường (Ảnh:K.Tiến)

Để giảm nỗi lo của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm và người dân được đón Tết tươi vui, an toàn, mới đậy, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch số 1993/KH-BCĐTƯATTP ngày 21/12/2020 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm.

Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai Kế hoạch: Bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021; hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021 được triển khai trên phạm vi cả nước từ 01/01/2021 đến hết 20/3/2021.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại các tỉnh thành, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung trên địa bàn quản lý.

Đồng thời phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn.

Những mặt hàng chú trọng kiểm tra là những hàng hoá được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt; cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống...Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng.

Trước đó, nhằm sớm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai sớm các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm với định hướng trọng tâm là đến năm 2025 tất cả thực phẩm tiêu dùng trong nước đạt mức tiêu chuẩn chất lượng tương đương thực phẩm xuất khẩu; thực hiện được việc truy xuất nguốn gốc đối với các loại hàng hóa thực phẩm cơ bản lưu hành trên thị trường; các sản phẩm thực phẩm uy tín phải có chỉ dẫn địa lý được công bố, bảo hộ theo quy định của pháp luật./.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã khẩn trương có kế hoạch, lộ trình, biện pháp chỉ đạo thực hiện việc áp dụng tiêu chuẩn thực phẩm tiêu dùng trong nước và truy xuất nguồc gốc thực phẩm. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan xây dựng cơ chế và có Chương trình hỗ trợ, bảo đảm các thực phẩm có uy tín, chất lượng đều có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thị trường trong nước và quốc tế. Bộ Y tế cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đưa vào vận hành hệ thống thông tin an toàn thực phẩm trước ngày 31/12/2020, trước hết là đối với 6 nhóm hàng thuộc phạm vi quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế và một số nhóm hàng chủ yếu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này