Nhiều mặt hàng tăng giá trước Tết: Chỉ do yếu tố tâm lý

15:38 | 12/01/2021
Những ngày qua, giá một số mặt hàng tại chợ dân sinh, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn (heo), thịt bò và các loại hải sản, nguồn hàng về các chợ đầu mối vẫn ổn định. Nhiều ý kiến cho rằng, sự tăng giá này chủ yếu do yếu tố tâm lý.
Vựa phật thủ Hà Nội tất bật vào vụ Tết Thông tin đầy đủ, chính xác cho người dân về thị trường, giá cả dịp Tết Nguyên đán

Một số mặt hàng rục rịch tăng giá

Tại các chợ truyền thống ở TPHCM, mấy ngày nay, giá thịt lợn tăng hơn 10.000 đồng/kg. Cụ thể: Thịt đùi giá khoảng 140.000 đồng/kg, thịt ba rọi giá từ 170.000-220.000đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết, giá lợn hơi tăng do nguồn cung ít.

Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, giá thịt lợn cũng tăng khoảng 10.000 đồng/kg trong gần 3 tháng qua. Lý giải nguyên nhân tăng giá thịt lợn, bà Nguyễn Thị Tuyết (kinh doanh thịt lợn tại ngõ 56 Doãn Kế Thiện, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Giá lợn hơi đã ở mức 78.000-80.000 đồng/kg, giá lợn móc hàm cũng tăng khoảng 20.000 đồng/kg lên mức 100.000 đồng/kg, khiến các tiểu thương phải tăng giá bán lẻ. Giá thịt bò hiện tại cũng tăng khoảng 5.000 đồng/kg từ 3 ngày nay.

Giá thịt lợn sẽ tăng vào dịp Tết theo quy luật, nhưng không quá đột biến do nguồn cung không quá thiếu. Ảnh: Vũ Long-Khương Lực
Giá thịt lợn sẽ tăng vào dịp Tết theo quy luật, nhưng không quá đột biến do nguồn cung không quá thiếu. Ảnh: Vũ Long-Khương Lực

Không riêng gì mặt hàng thịt, cá, giá một số nông sản cũng đã tăng. Tại TP.Hồ Chí Minh, giá thực phẩm, rau củ cũng tăng nhẹ. Cụ thể, tại chợ Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) giá bông cải trắng, bông cải xanh 50.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; cà rốt 22.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; bí xanh 20.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; mồng tơi 36.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; rau muống 37.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; cải xanh, cải ngọt 40.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; khoai tây, cà tím 25.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; cà chua 37.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; khổ qua 26.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; ớt 165.000 đồng/kg; gừng 60.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mặt hàng tôm, giá tôm tăng nhẹ. Tại các địa phương như Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu… giá tôm thẻ size 20 con đang ở mức 206.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg, size 30 con 166.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; size 40 con ở mức 162.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; size 50 con 142.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Nguồn cung thịt lợn không quá thiếu

Mặc dù giá một số mặt hàng tăng, tuy nhiên, Ban quản lý (BQL) chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM) cho hay, nguồn cung không thiếu. Hiện nay, lượng lợn về chợ vẫn ổn định hơn 4.500 con/ngày. Theo một số thương lái, vào lúc cao điểm Tết (28, 29 Âm lịch), nhu cầu thịt lợn sẽ tăng lên gấp đôi, lượng lợn hơi về chợ mỗi ngày khoảng 9.000 con. Giá lợn hơi lúc đó có thể tăng từ 80.000-90.000đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - lý giải: Nguyên nhân giá lợn tăng là do nguồn cung cấp lợn hơi ít, số lượng lợn trong dân, một số doanh nghiệp tái đàn không thành công. Theo quy luật, trước Tết 1-2 tháng, nhu cầu thịt chế biến thực phẩm sẽ tăng mạnh, đây cũng là dịp giá lợn hơi tăng mạnh nhất trong năm.

Thông thường, việc tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng mạnh trong những ngày cận Tết, thường là tăng gấp đôi so với ngày thường. Hiện các doanh nghiệp đã chuẩn bị xong kế hoạch sản xuất, chế biến, cung cấp thịt lợn tươi dịp Tết. Ngoài lượng thịt lợn giết mổ "nóng", nhiều doanh nghiệp còn nhập khẩu, lưu kho số lượng lớn thịt lợn đông lạnh, sẵn sàng đưa ra thị trường trong trường hợp có biến động về nguồn cung, giá cả.

Ông Lê Xuân Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP. Việt Nam - cho rằng, giá lợn hơi trên thị trường tăng mạnh kể từ giữa tháng 12 đến nay là do giá lợn Thái Lan tăng nên không có lượng lợn nhập khẩu, cùng với thịt đông lạnh cũng tăng giá dẫn đến lượng nhập khẩu giảm. Nhập khẩu thịt lợn giảm một phần do không ít doanh nghiệp đang thiếu container rỗng để đựng hàng vận chuyển.

Ông Huy cũng cho biết, dù tình hình nhập khẩu đang gặp một số khó khăn nhưng lượng thịt lợn nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng đã góp phần làm cho giá cả không tăng đột biến khi nguồn cung lợn tái đàn chưa kịp cân bằng giữa cung và cầu đối với mặt hàng này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Mặc dù dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến tại nhiều địa phương, nhiều lợn bệnh vẫn phải tiêu hủy khiến sản lượng thịt lợn sụt giảm, nhưng ngành chăn nuôi đã đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm và thủy sản, nên nguồn cung thực phẩm đã bù đắp cơ bản nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Mặt khác, công tác tái đàn lợn để phục vụ Tết vẫn được đẩy mạnh. Nhờ đó, tổng đàn lợn của cả nước đến nay đã phục hồi trên 85% so với trước dịch, đạt trên 26 triệu con, đàn nái đã phục hồi đạt 3 triệu con nên quý I/2021 sản lượng thịt lợn sẽ tiếp tục tăng. Điều này dự báo mặt hàng thịt lợn không quá thiếu như đầu năm 2020.

Theo Vũ Long - Ngọc Lễ/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-te/nhieu-mat-hang-tang-gia-truoc-tet-chi-do-yeu-to-tam-ly-869940.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này