Khởi động chương trình “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương”

13:42 | 12/01/2021
(LĐTĐ) Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là thời điểm mà các doanh nghiệp chi trả tiền lương, thưởng Tết và các khoản phúc lợi cho người lao động nên rất dễ phát sinh những mâu thuẫn, dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Do đó, các cấp công đoàn sẽ tập trung để nắm chắc tình hình tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động; đồng thời chủ động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động.
800 đoàn viên, người lao động sẽ tham dự "Tết Sum vầy" 2021 “Tết Sum vầy” 2021: Cần được tổ chức rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở Tổng Liên đoàn sẽ có gói hỗ trợ đặc biệt chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động

Chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến thời điểm này có khoảng 31,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và 70% người lao động bị giảm thu nhập; trong đó khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%. Theo nắm bắt sơ bộ của Tổng Liên đoàn, thu nhập của người lao động năm nay bình quân đạt 6,7 triệu đồng một người, giảm 8,6% so với năm ngoái.

Khởi động chương trình “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương”
Các đồng chí lãnh đạo tặng quà Tết tới công nhân lao động tỉnh Bắc Ninh trong chương trình “Tết sum vầy - Kết nối yêu thương”.

Về tình hình lương, thưởng Tết, dự kiến, giữa tháng 12 âm lịch mới có thể công bố lương, thưởng Tết chính thức. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Mức thưởng Tết năm 2021 sẽ khó khăn hơn nhiều so với các năm trước đây, thậm chí khả năng để có tiền thưởng cao hơn năm ngoái là rất khó.

Qua nắm bắt, hầu hết các doanh nghiệp đảm bảo được việc làm thì vẫn duy trì tiền thưởng Tết theo mức trung bình, dù không tăng nhưng sẽ cố gắng ít nhất là một tháng tiền lương theo hợp đồng lao động hoặc tiền lương cơ bản. Một số doanh nghiệp khó khăn thực sự do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 khiến người lao động phải nghỉ việc hoặc việc làm không đầy đủ, tiền lương sụt giảm, như: Ngành dịch vụ, khách sạn, du lịch, vận tải… nhưng vẫn cố gắng đảm bảo tiền lương và tìm mọi cách có một khoản nhất định để động viên người lao động.

Trao đổi với báo chí về tình hình quan hệ lao động, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là thời điểm mà các doanh nghiệp chi trả tiền lương, thưởng Tết và các khoản phúc lợi cho người lao động nên rất dễ phát sinh những mâu thuẫn, dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Do đó, các cấp công đoàn sẽ tập trung để nắm chắc tình hình tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động. Khi có vướng mắc phát sinh, Công đoàn cần khẩn trương tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động nhằm kịp thời giải quyết những bức xúc của người lao động, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể xảy ra.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động, việc ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể, chất lượng bữa ăn ca của người lao động, tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công… tại các địa phương, đơn vị. Năm 2020, qua tổng hợp của các cấp công đoàn, tính đến hết tháng 12/2020, cả nước có 126 cuộc ngừng việc tập thể, nhiều hơn 7 cuộc so với năm 2019.

Nguyên nhân là do người lao động chưa đồng tình với cơ chế trả lương của doanh nghiệp, đặc biệt là vào dịp Tết, nhiều doanh nghiệp chậm trả lương, chậm trả thưởng hoặc chi trả lương, chi trả thưởng chưa hợp lý; chất lượng bữa ăn ca của người lao động chưa đảm bảo… Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, một số doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, xuất hiện tình trạng người lao động ngừng việc phản ứng chính sách của doanh nghiệp. Ngay khi các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra, Công đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng và người sử dụng lao động giải quyết, công nhân lao động trở lại làm việc bình thường.

Khởi động chương trình “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương”

Với phương châm “Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”, và chủ đề “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương”, ngay từ tháng 10/2020, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-TLĐ để chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Đoàn Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã chỉ đạo các cấp công đoàn sớm có sự chủ động, vận dụng linh hoạt và sáng tạo trong việc phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tạo ra các nguồn lực, tập trung tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực chăm lo tốt hơn đối với đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đoàn viên và người lao động.

Năm nay, bên cạnh việc dành một phần từ nguồn tài chính Công đoàn tích lũy để chăm lo Tết cho đoàn viên, công nhân lao động gặp khó khăn, Tổng Liên đoàn đã kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, các cá nhân, đơn vị tham gia hỗ trợ để tổ chức các hoạt động Tết cho người lạo động được trích từ nguồn xã hội hóa.

Cụ thể, Tổng Liên đoàn phối hợp với Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn SABECO chuẩn bị được hơn 4 tỷ đồng để hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bão, lũ lụt có hoàn cảnh khó khăn khác cần hỗ trợ để trao tặng vào dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, ngân hàng đã đăng ký đồng hành và hỗ trợ đoàn viên và người lao động khó khăn.

Thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 10/1, Liên đoàn Lao động các tỉnh Phú Yên và Bắc Ninh đã tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Kết nối yêu thương”. Theo đó, tại Bắc Ninh, chương trình “Tết sum vầy - Kết nối yêu thương” gắn với chuỗi các hoạt động “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” với hơn 10 hoạt động thiết thực: Tặng hơn 2.000 suất quà cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn;

10.000 vé xe cho đoàn viên công đoàn làm việc xa quê, có nhu cầu về quê đón Tết; hơn 40 gian hàng chất lượng và giảm giá từ 10-50% so với giá giao dịch trên thị trường dành cho người lao động; 5 gian hàng 0 đồng với những mặt hàng thiết yếu hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn… Tổng kinh phí chi cho các hoạt động chăm lo cho người lao động dịp Tết do Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai hỗ trợ lên tới hơn 6,3 tỉ đồng.

Tại tỉnh Phú Yên, Chương trình “Tết sum vầy 2021” đã nhận được sự ủng hộ của gần 30 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với 720 suất quà, tổng số tiền 540 triệu đồng…

Theo Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải: Qua nắm bắt từ các công đoàn cơ sở, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, nhiều người lao động chọn ở lại nơi làm việc, không về quê đón Tết. “Nhiều anh em công nhân chấp nhận hy sinh, không về quê sum họp gia đình, để dành kinh phí đó chăm lo cho gia đình, con cái; nhiều doanh nghiệp vẫn có phương án vẫn sản xuất kinh doanh dịp Tết, vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị các cấp công đoàn có kế hoạch phối hợp với chuyên môn tổ chức chăm lo chu đáo Tết cho công nhân lao động ở lại”, ông Trần Thanh Hải cho biết./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này