Nguồn năng lượng nội sinh để phát triển tầm vóc mới của Thủ đô

Kỳ 2: Nghệ thuật công cộng Hà Nội khởi sắc

22:36 | 11/01/2021
(LĐTĐ) Qua nhiều công trình, nhiều loại hình nghệ thuật công cộng xuất hiện ở Thủ đô Hà Nội trong những năm gần đây, có thể thấy, Hà Nội đang khởi sắc trong việc kế thừa và phát triển các dự án nghệ thuật công cộng; đồng thời chứng tỏ nghệ thuật công cộng đã và đang được xã hội quan tâm tiếp cận, thưởng thức một cách gần gũi và trực tiếp.
Kỳ 1: Vì sao Hà Nội cần quan tâm đến nghệ thuật công cộng? Kỳ 1: Vì sao Hà Nội cần quan tâm đến nghệ thuật công cộng?

Để cải tạo không gian, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô; xây dựng Hà Nội thành một đô thị độc ...

Nói về nghệ thuật kiến trúc đặc trưng ở Hà Nội phải kể đến 10 công trình được tìn kiếm nhiều trên mạng xã hội để check in gồm có 6 công trình cổ là Chùa Một Cột, Hoàng Thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, các công trình xung quanh Hồ Gươm, Văn Miếu, Chùa Trấn Quốc; 3 công trình thời Pháp thuộc gồm Nhà Hát Lớn, Nhà Thờ Lớn, Cầu Long Biên; 1 công trình hiện đại là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh các công trình nghệ thuật kiến trúc được kế thừa là các công trình hiện đại đại diện cho Thủ đô như: Trung tâm Hội nghị Quốc gia đoạt giải nhất về kiến trúc 2006; tòa nhà Keangnam, Khách sạn 5 sao Marriot JW - Công trình nhận giải “Khách sạn có thiết kế và xây dựng đẹp nhất” khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tòa nhà Lotte cao nhất Hà Nội, công trình Nhà Quốc hội nhận giải kiến trúc quốc gia Grand Prix đỉnh cao của Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Kỳ 2: Nghệ thuật công cộng Hà Nội khởi sắc
Nghệ thuật sắp đặt mang lại không gian sống thú vị cho người dân Thủ đô (ảnh: BT)

Ở một góc cạnh của nghệ thuật công cộng, nghệ thuật tranh ghép gốm đang là một xu thế được lựa chọn để sử dụng ở nhiều các công trình công cộng ở Hà Nội, mang lại giá trị văn hóa, thẩm mỹ cho không gian công cộng của Thủ đô trong thời gian dần đây.

Chạy dọc từ cửa khẩu An Dương trên đường Yên Phụ, dọc theo phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư đến tận cửa khẩu Vạn Kiếp, Con đường gốm sứ ven sông Hồng với chiều dài 4km, diện tích gần 7000 mét vuông, mỗi mét vuông tranh tường sử dụng khoảng 1000 miếng gốm nhỏ. Những mảnh gốm nhỏ chỉ có kích cỡ 3x3cm ấy đã phủ óng ánh lên bề mặt vách bê tông khô cứng trên con đường đê chạy dài ôm lấy Thủ đô Hà Nội, mang lại vẻ đẹp rực rỡ cho cảnh quan đô thị. Ở góc độ không nhỏ mang tính giáo dục, lịch sử, con đường đã giới thiệu đất nước con người Việt Nam từ thời Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn; hoa văn của 54 dân tộc anh em; làng quê Việt Nam; tranh gốm phong cách đương đại do các họa sĩ thể hiện; tranh thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với khát vọng hòa bình; lễ hội dân gian; dấu ấn định đô Thăng Long; mùa xuân phố cổ… Ngoài ra công trình còn bộc lộ tình hữu nghị quốc tế khi thể hiện hoa văn cùng cảnh sắc đặc trưng của nhiều quốc gia.

Bên cạnh con đường gốm sứ ven sông Hồng, bức tranh gốm mang tên “Mùa xuân Hà Nội” được đặt tại tầng 9 khu Vườn trời văn phòng thuộc tòa nhà Lotte Center Hà Nội hiện là bức tranh gốm cao nhất Việt Nam. Bức tranh phù điêu được tạo nên từ hàng triệu viên gốm nhỏ kích cỡ 2x2cm. Bức tranh thể hiện toàn cảnh về Hà Nội truyền thống và hiện đại, trong đó trung tâm của bức tranh là Văn Miếu Quốc Tử Giám – biểu tượng của tri thức và giáo dục Thủ đô.

Gần đây nhất là dự án Nhà gương Công viên Thống Nhất – điểm đến gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ ở Hà Nội. Sau nhiều năm xuống cấp vắng khách, Nhà gương đã được thay đổi diện mạo mới hoàn toàn. Tổng diện tích gốm được gắn lên tường bên ngoài, bên trong và sàn Nhà gương lên đến 812 mét vuông với hơn 2 triệu viên gốm nhỏ với đủ tông màu rực rỡ gắn lên tường. Trong mê cung gương, 50 tấm gương được thay mới, dưới sàn là những vòng tròn nước với san hô, cá, ốc, sò gốm, sỏi, gốm được những tấm gương phản chiếu vào nhau nhân lên như ống kính vạn hoa, tạo thành mê cung vô cực huyền ảo. Dự án mang đến một cái nhìn mới trong nghệ thuật trang trí hoành tráng.

Kỳ 2: Nghệ thuật công cộng Hà Nội khởi sắc
Một công trình nghệ thuật ngừng hoạt động cần được quan tâm (ảnh: BT)

Ở khía cạnh nghệ thuật sân khấu, năm 2014, Hà Nội tổ chức phố đi bộ bao gồm 16 tuyến phố xung quanh Hồ Gươm, nhờ đó người dân được thương thức nhiều hơn các hoạt động nghệ thuật công cộng, diễn kịch trước rạp Công nhân, góc phố Mã Mây – Lương Ngọc Quyến là nơi diễn ra các vở tuồng, hát quan họ, chầu văn…, đền Quán Đế nơi diễn hát xẩm, đình Nam Hương biểu diễn nghệ thuật truyền thống.

Âm nhạc công cộng cũng là một điểm nhấn đặc biệt trong nghệ thuật công cộng Hà Nội. Hòa nhạc Luala concert thu hút nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia, Lễ hội đếm ngược chào năm mới hàng năm trước cửa Nhà hát lớn thu hút đông đảo giới trẻ, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa là điểm hẹn âm nhạc được khán giả mong đợi mỗi năm; ngoài ra còn nhiều hoạt động âm nhạc quanh phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn bao gồm âm nhạc hiện đại và âm nhạc truyền thống, di sản.

Ngoài ra còn có hàng chục chương trình nghệ thuật đường phố diễn ra hàng năm và các nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn… thu hút được giới trẻ đến tham gia và được nhiều du khách ghé thăm, check in.

Bên cạnh đó, còn có một số công trình nghệ thuật công cộng bị lãng quên như Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ nhất năm 1997 tại Vườn Bách Thảo; Vườn tượng bên bờ hồ Hoàn Kiếm năm 2004; bộ 6 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của các nhóm Nhà điêu khắc đặt quanh Hồ Gươm kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô năm 2019; Chiếc đồng hồ khổng lồ bên Hồ Gươm được thị trưởng thành phố Bern (Thụy Sỹ) tặng Hà Nội nhân dịp 1.000 năm Thăng Long dừng hoạt động đã lâu…

Có thể thấy, sự phát triển và kế thừa các dự án nghệ thuật công cộng đã và đang được xã hội quan tâm, chứng tỏ nhu cầu muốn tiếp cận, thưởng thức cái đẹp một cách gần gũi, trực tiếp của cộng đồng và du khách.

Bảo Thoa

Kỳ 3: Thay đổi cách nhìn để phát triển

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này