Nguồn năng lượng nội sinh để phát triển tầm vóc mới của Thủ đô

Kỳ 1: Vì sao Hà Nội cần quan tâm đến nghệ thuật công cộng?

15:32 | 11/01/2021
(LĐTĐ) Để cải tạo không gian, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô; xây dựng Hà Nội thành một đô thị độc đáo, có bản sắc riêng, cần đánh thức không gian Hà Nội qua các dự án nghệ thuật công cộng. Nếu xác định đúng mục tiêu và cải tạo có lộ trình, Hà Nội sẽ là thành phố sáng tạo, nơi thu hút các hoạt động hợp tác quốc tế, điểm đến độc đáo không thể bỏ qua của nhiều tour du lịch trong và ngoài nước.
Bản đồ nghệ thuật công cộng trong phát triển du lịch Để diễn xướng dân gian trở thành sản phẩm du lịch Độc đáo không gian nghệ thuật ven sông Hồng

Với lợi thế là Thủ đô có lịch sử 1010 năm hình thành và phát triển với các di sản văn hóa đồ sộ vô giá, lại là địa danh có vị trí, địa thế đẹp, trong quá trình đô thị hóa hiện đại, Hà Nội ngày càng quan tâm đến các chương trình phát triển nghệ thuật công cộng, góp phần đưa tổng thể quy hoạch của Thủ đô lên tầm vóc mới; ngày càng trở thành một thành phố đáng sống, đáng đến cả về địa thế, con người lẫn thái độ ứng xử của con người với không gian đô thị.

Nghệ thuật công cộng được hiểu là để chỉ tất cả các tác phẩm nghệ thuật được đặt trong không gian công cộng, bao gồm nhiều hình thức thực hành như: tác phẩm điêu khắc, tranh tường, tranh gốm, kiến trúc cảnh quan, nghệ thuật cộng đồng, nghệ thuật đa phương tiện…

Trong quá trình đô thị hóa, Hà Nội ngày càng quan tâm đến các chương trình phát triển nghệ thuật công cộng, tạo điều kiện để mỹ thuật đến với công chúng rộng rãi. Với những công trình mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp cổ có tầm vóc khu vực, không gian cảnh quan sẵn có nổi bật như khu phố cổ, nhà nhát lớn, bảo tàng… và những công trình kiến trúc mới như cầu Nhật Tân, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… thì việc đánh thức tiềm năng nghệ thuật công cộng là một sự kích hoạt mang tính cấp thiết nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Kỳ 1: Vì sao Hà Nội cần quan tâm đến nghệ thuật công cộng?
Trong quá trình đô thị hóa hiện đại, Hà Nội ngày càng quan tâm đến các chương trình phát triển nghệ thuật công cộng (ảnh minh họa: BT)

Khi Hà Nội đã tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco, sự tái tạo đô thị ưu tiên cho nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật công cộng có cơ hội phát triển dựa trên bề dày lịch sử, bản sắc độc đáo của mình tạo thành trụ cột trong quy hoạch của thành phố.

Nghệ thuật công cộng sẽ mang đến nhiều tương tác xã hội, tạo không gian thẩm mỹ, điểm đến cho sự gặp gỡ, trao đổi, tạo ra cuộc đối thoại với không gian của thành phố, đối thoại với người dân sống chung quanh trong khu vực thực hành tác phẩm.

Địa điểm hiện diện của nghệ thuật công cộng sẽ nhanh chóng tạo thành địa chỉ thu hút khách du lịch cho thành phố. Tuy nhiên, để nghệ thuật công cộng nói chung và mỹ thuật nói công cộng nói riêng phát huy giá trị thẩm mỹ trong không gian đặc thù, thì bên cạnh chất lượng nghệ thuật, việc các tác phẩm, dự án đặt đúng nơi, đúng địa điểm hiện nay đang được nhiều giới, ngành, công chúng quan tâm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung – Phó Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho đến nay, nghệ thuật công cộng ở Hà Nội vẫn nằm trong tình trạng chung của các đô thị Việt Nam, vẫn chưa khai thác được những giá trị vốn có của thủ đô một nước, chưa thực sự là nhân tố trọng yếu trong phát triển ngành du lịch. So sánh với các đô thị lớn ở các quốc gia trên thế giới cho thấy, nghệ thuật công cộng có thể thay đổi số phận của cả một khu vực đô thị, chính là nhờ lượng khách du lịch tới đó để ngắm nhìn các tác phẩm và chụp ảnh cùng chúng.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, cần có những nghiên cứu cả ở tầm lý luận cũng như thực tiễn để xây dựng những giải pháp cho Thủ đô Hà Nội trong kiến tạo nghệ thuật công cộng góp phần phát triển kích cầu du lịch.

Bên cạnh đó, nghệ thuật công cộng của Hà Nội dường như mới chỉ đáp ứng được yêu cầu “phải có” tối thiểu của một không gian công cộng trong đô thị chứ chưa vượt qua được sự thay đổi về chất, mang lại những giá trị đột biến trong kinh tế như ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, cách thức quản lý nghệ thuật công cộng sau khi công trình nghệ thuật được hình thành cũng chưa hiệu quả để có thể phát huy hết tiềm năng của công trình.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Nghệ thuật công cộng càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội đáng sống, hình thành trên nền tảng những công dân biết yêu cái đẹp, hướng đến tính thiện và biết chia sẻ yêu thương; một phần khác bởi vì các không gian công cộng chính là điểm nhấn của một đô thị. Quan tâm đến các không gian công cộng, làm cho chúng trở nên đẹp và hấp dẫn hơn không chỉ giúp các không gian công cộng tôn vinh vẻ đẹp cho địa điểm, mà còn tạo ra hình ảnh năng động, giá trị về chính trị, văn hóa, và đặc biệt là tạo ra lợi ích kinh tế cho một đô thị”.

Từ thực tiễn trên cho thấy, Thành phố cần có một lộ trình để kích hoạt nguồn năng lượng nội sinh này, phát triển nghệ thuật công cộng lên một tầm vóc mới, góp phần xây dựng Hà Nội thành một đô thị độc đáo, ngập tràn bản sắc riêng.

Bảo Thoa

Kỳ 2: Nghệ thuật công cộng Thủ đô khởi sắc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này