Cần giải pháp mang tính đồng bộ

09:47 | 07/01/2021
(LĐTĐ) Theo ý kiến của một số luật sư, công tác chống hàng lậu, hàng giả chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện các biện pháp mang tính đồng bộ, quan trọng nhất từ lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Cuối năm hàng giả lại “lộng hành” Phát hiện kho hàng thời trang nhập lậu với gần 8.000 sản phẩm tại Quảng Ninh Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử
Cần giải pháp mang tính đồng bộ
Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm hàng hóa tại chợ Ninh Hiệp (Ảnh: Thu Phương)

Từ ngày 15/10, Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng; tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 - 100 triệu đồng. Mức phạt có thể tăng lên gấp đôi tuỳ theo trường hợp cụ thể.

Với quy định mới này, kể từ ngày 15/10/2020, cá nhân bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... có thể bị phạt mức tối đa lên đến 100 triệu đồng và mức phạt 200 triệu đồng đối với tổ chức. Thế nhưng, trên thực tế, các mặt hàng được gắn mác xách tay vẫn được các tiểu thương rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, intagam… bất chấp quy định pháp luật.

Về phía người tiêu dùng, do tư tưởng sính ngoại ưa hàng giá rẻ (người bán hàng xách tay trốn thuế, giảm giá sản phẩm để cạnh tranh) nên họ vẫn tin tưởng lựa chọn hàng xách tay dù không nắm rõ được về thông tin, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Chia sẻ về vấn đề này, theo luật sư Đào Văn Tài, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội,việc nâng chế tài xử phạt bằng tiền lên gấp đôi so với quy định cũ thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ khi Việt Nam đã là thành viên các hiệp định đa phương, song phương mà nước ta đã ký kết, tham gia.Tuy nhiên, đây không phải là mấu chốt để giải quyết vấn đề tận gốc, mà điều quan trọng hơn là cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát như thế nào để có thể phát hiện, xác định được hành vi vi phạm kinh doanh hàng lậu, hàng xách tay, từ đó mới có cơ sở để áp dụng mức xử phạt.

Trên thực tế, tình trạng kinh doanh hàng lậu, hàng xách tay núp bóng dưới nhiều hình thức, các cá nhân bán hàng xách tay thường lách bằng cách không mang về một lúc lượng hàng nhiều mà mang lượng hàng nhỏ lẻ theo mức nhà nước cho phép, sau đó họ gom lại nhiều lần rồi bán qua facebook, zalo..., nên rất khó để cơ quan nhà nước có thể xác định được hành vi nào vi phạm kinh doanh hàng xách tay.

“Mức phạt tăng cao theo quy định mới chỉ có thể răn đe được những đối tượng bán hàng xách tay công khai, còn khi họ bán hàng qua mạng thì khó có thể nắm được “kẻ không tóc”. Vì vậy, điều quan trọng là cần tăng cường biện pháp kiểm soát và làm sao xác định được hành vi vi phạm để xử phạt”, Luật sư Đào Văn Tài chia sẻ.

Đồng tình với luật sư Đào Văn Tài, luật sư Nguyễn Thị Phương Loan, Văn phòng luật sư Phạm Hải, cũng cho rằng việc tăng chế tài xử phạt chỉ là xử lý bề nổi của vấn đề. Công tác chống hàng gian, hàng giả chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện các biện pháp mang tính đồng bộ, quan trọng nhất từ lực lượng thực thi nhiệm vụ. Các cơ quan hữu quan ngăn chặn sự xâm nhập của hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu từ khâu kiểm soát tại biên giới, tránh để nguồn hàng này thâm nhập vào thị trường nội địa, vì lúc này, việc xử lý chỉ giải quyết phần ngọn mang tính đối phó.

Luật sư Loan cũng cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát lại các kênh bán hàng online thì mới hạn chế được tình trạng buôn bán hàng lậu; phải truy được tận gốc cơ sở nào đang thực hiện hành vi vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và công khai các cơ sở để răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm chung. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động giáo dục, tuyên truyền pháp luật đối với những người bán hàng lậu trên mạng rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý rất nặng.

“Hàng xách tay chỉ được sử dụng, nhưng khi buôn bán thì phải có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; nếu không kinh doanh hàng xách tay sẽ là hành vi kinh doanh hàng lậu. Hàng xách tay hiện được bán chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử, để phát hiện, xử phạt rất khó. Cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên nhưng số vụ phát hiện, xử phạt chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm” - luật sư Loan nhấn mạnh.

Có thể thấy, để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hành vi kinh doanh hàng lậu, trước hết các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, phát hiện hàng được tuồn vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở, qua cửa khẩu chính… chứ không phải chờ khi hàng đã vào Việt Nam rồi, trưng bày lên kệ bán thì cơ quan chức năng mới kiểm tra, xử phạt. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề hàng giả, hàng lậu cũng là một giải pháp tối quan trọng./.

T.Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này