Câu chuyện học đường: Hãy để lễ khai giảng là của học sinh?

12:05 | 04/09/2014
LĐTĐ -Tôi còn nhớ, hồi đi học, sau ba tháng hè là háo hức chờ đợi ngày khai giảng năm học mới để được đến trường học, gặp lại bạn bè, thầy cô và có bao niềm vui vỡ òa trong ngày ấy… Thế nhưng, bây giờ đến thế hệ con mình, chúng tôi nhận thấy ngày khai giảng chẳng để lại ấn tượng gì ngoài hai từ đáp: “bình thường ạ”

Tìm hiểu kỹ, tôi chợt thấy, lễ khai giảng các trường học hiện đều rơi vào tình trạng nặng nề, khô cứng ở phần lễ nghi và nhẹ ở phần lễ hội. Cụ thể là sau lễ chào cờ, phút truyền thống, vỗ tay đón đại biểu, đọc thư của Chủ tịch nước là đến diễn văn chào mừng năm học mới, tiếng trống khai trường, phát động thi đua và cuối cùng là chương trình văn nghệ… Trong khi phần nghi lễ kéo dài, nặng nề về hình thức, báo cáo dài dòng, kèm theo nhiều vị đại biểu không kiệm lời, dặn dò học trò hơi nhiều đã khiến không ít học sinh ngồi ngáp dài, chỉ mong lễ khai trường sớm kết thúc.Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà nhiều học sinh không còn hào hứng đi dự lễ khai giảng vì biết rõ năm nào cũng bao nhiêu đó nội dung, trình tự.

Thực tế cho thấy, để ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường có ý nghĩa và học sinh được xem là nhân vật trung tâm của buổi lễ, được đón nhận sự quan tâm, sự chào đón của thầy cô, nhà trường thì rất cần các trường chuẩn bị lễ khai giảng sinh động, mới mẻ về hình thức nhưng vẫn đảm bảo sự ấm cúng và phù hợp với từng bậc học. Đừng bắt học trò - lứa tuổi thơ ngây phải tuân theo sự cứng nhắc, khuôn mẫu của người lớn chỉ vì ngại làm khác, ngại đổi mới. Nếu không có tư duy sáng tạo, chủ động đổi mới từ ngày lễ khai trường thì làm sao tạo đà hứng khởi, đột phá trong các hoạt động dạy và học của nhà trường trong năm học mới?

Thụy Vân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này