Xin đừng mãi chê!

09:13 | 05/01/2021
(LĐTĐ) Phản biện là một trong những phạm trù của khoa học nhằm tìm ra chân lý hoặc đi đến sự đồng thuận về một lĩnh vực, vấn đề nào đó. Tuy nhiên, hiện nay trên mạng xã hội đang có không ít Blogker lợi dụng “phản biện” để viết những bài theo kiểu chê bai, bôi nhọ, tự cho mình những quyền “phán xét”, thậm chí như nhà hoạch định chính sách.
Không thể để “lộng ngôn”, “loạn tin” tràn lan trên mạng! Ứng xử thế nào với mạng xã hội Vi phạm trên mạng cũng sẽ bị xử lý như ở ngoài đời thực
Xin đừng mãi chê!
Ảnh minh họa

Cuối tháng 12/2020 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ của năm 2020, người đứng đầu Chính phủ- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương liên quan nghiêm cấm chặt đào rừng để đưa xuống các đô thị, trong đó có Thủ đô Hà Nội để bán.

Đây là một chỉ đạo rất kịp thời của Thủ tướng nhằm góp phần bảo vệ đào tự nhiên tại các bản làng một số tỉnh miền núi phía Bắc. Như chúng ta đã biết, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, bên cạnh các loại đào người dân trồng được bày bán trên mọi ngõ, ngách, phố phường của Hà Nội, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều nơi bán đào rừng (không phải đào do dân bản trồng) mà đào mọc tự nhiên trên các triền đồi, các bản làng được các “lái buôn” lặn lội lên tận các tỉnh miền núi phía Bắc mua về để phục vụ nhu cầu của người chơi mà không khỏi xót xa!

Ấy vậy mà trên mạng có không ít người còn phê phán chỉ đạo của Thủ tướng! Họ cho rằng, nay làm gì có đào rừng mà cấm, những cánh đào rừng được bày bán trên phố là đào do bà con trồng trong vườn, dịp Tết bán để có tiền sắm Tết! Và họ đưa ra rất nhiều “biện luận”. Nhưng thực ra, ai đã từng sinh ra và lớn lên ở quê mới biết thế nào là đào nhà trồng và đào có thâm niên lâu năm!

Và ai có dịp lên các cung đường Tây Bắc của Tổ quốc mến yêu vào mùa Xuân mới thấy hết vẻ đẹp tự nhiên của đào, của mận! Những cành sù xì rất to, hoa nở rất đẹp, tô thêm vẻ đẹp cho núi rừng Tây Bắc, những năm qua đã bị đốn, chặt không thương tiếc để phục vụ những người chơi dưới xuôi. Cấm là đúng! Ấy vậy, khi Thủ tướng chỉ đạo cấm buôn bán đào rừng dưới mọi hình thức, thì nhiều người lên Facebook ngạo nghễ, tỏ thái độ “bác học” về lâm nghiệp. Nên nhớ, ngay ở Ba Lan, họ cho rằng “chặt, hái cành cây là tội ác”, nên xử rất nghiêm.

Chưa hết, trong lần gặp gỡ báo giới nhân kết thúc năm cũ 2020 chào đón năm mới 2021, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ngài Giorgio Aliberti phải thốt lên: “Ở lại Việt Nam thời dịch là một may mắn xa xỉ”! Đây là nhận xét từ đáy lòng chứ không phải lời nói mang tính ngoại giao. Ấy vậy, một số Blogger lập tức “xả” lên mạng xã hội với những ngôn từ khó hình dung nổi. Đại loại đất nước này có gì mà xa xỉ!

Bên cạnh những thành công về phát triển kinh tế và chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều để trở thành quốc gia giàu có, song ở góc độ chống Covid-19, có thể khẳng định rằng đến thời điểm này Việt Nam là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất thế giới, được sống ở Việt nam là may mắn và hạnh phúc.

Tôi từng xem một số báo của người Việt ở hải ngoại, họ thường cập nhật, phỏng vấn một số kiều bào về Việt Nam sinh sống tất cả đều có chung nhận định: “Hơn cả tuyệt vời; may mắn sống ở đất mẹ Việt Nam”. Sân vận động những ngày cuối năm chật ních khán giả, đêm Noel, đón giao thừa Tết Dương lịch người người, nhà nhà đổ ra đường, trong khi nhiều quốc gia đang phải vật lộn với đại dịch.

Giãn cách, phong tỏa, bệnh viện chật kín bệnh nhân là minh chứng sống động. Thậm chí, bạn tôi người Hàn, sinh sống ở Hà Nội, vì điều kiện công tác cách đây gần tháng phải sang Anh, sau đó về Hàn Quốc và chưa thể quay lại Việt Nam cũng phải công nhận trong bối cảnh thế giới đối mặt với đại dịch Covid - 19, ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng là an toàn nhất.

Với tinh thần cầu tiến, cái chưa thấu, chưa hiểu thì góp ý, phản biện, còn cái gì là sự thật hiển nhiên chúng ta có quyền trân quý và tự hào. Nhưng tiếc thay trên hệ thống không gian mạng, một số người lại không như vậy!

H.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này