Tìm việc làm cuối năm: Người lao động cần thận trọng

10:31 | 05/01/2021
(LĐTĐ) Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất. Đây cũng là cơ hội để người lao động tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực sự cần tuyển nhân công, có không ít đối tượng đã lợi dụng cơ hội này để lừa đảo, trục lợi từ người lao động.
4 "cạm bẫy" cần phải đề phòng khi đi phỏng vấn xin việc Tìm việc làm thêm cuối năm: Cần cảnh giác

Doanh nghiệp thật… nhu cầu tuyển tăng

Thông thường, thời điểm cuối năm cũng là lúc các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt, cuối năm nay, dịch Covid-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng việc làm cũng trở nên sôi động hơn hẳn. Khảo sát tại một số trung tâm tư vấn việc làm và những trang tuyển dụng trên mạng xã hội có thể thấy, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã có kế hoạch tuyển dụng lao động từ rất sớm. Đơn cử, tại hệ thống siêu thị Big C, đại diện nhân sự của hệ thống này cho biết, dịp cuối năm, đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 200 nhân sự chuẩn bị cho các vị trí nhân viên quầy hàng, gói quà, thu ngân, chế biến…

Tìm việc làm cuối năm: Người lao động cần thận trọng
Người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để tìm kiếm việc làm.

Một số doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động có nhu cầu tuyển dụng hơn 5.000 vị trí việc làm; Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin tuyển dụng gần 200 vị trí việc làm mới. Tại các hệ thống cửa hàng nhỏ lẻ, nhu cầu tuyển người làm cũng bắt đầu gia tăng. Trên phố Thái Hà (quận Đống Đa), nhiều cửa hàng bán quần áo đã đăng biển tuyển dụng nhân viên bán hàng theo thời vụ. Ở khu vực trung tâm thành phố, một số cửa hàng bán thời trang, cà phê, đồ ăn cũng đăng tuyển dụng người làm. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm người giúp việc gia đình và chăm sóc người ốm tại các bệnh viện cũng gia tăng…

Việc nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động cũng phần nào giúp cho người lao động có cơ hội tìm kiếm thêm việc làm. Anh Nguyễn Văn Chiến (quê Thái Bình đang thuê trọ tại Phú Đô, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Năm nay dịch Covid-19 đã khiến những người lao động tự do lâm vào cảnh mất việc, khó khăn chồng chất. May thay đến cuối năm, các cửa hàng, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, nhu cầu tuyển nhân viên cũng nhiều lên. Nhờ vậy, tôi đã tìm được một chân bán hàng tại một siêu thị nhỏ. Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều, tôi mong công việc tại chỗ làm mới ổn định để có thu nhập lo Tết cho gia đình, vợ con”.

Cùng với người lao động, khoảng thời gian cận Tết cũng là cơ hội tốt để các bạn sinh viên lựa chọn cho mình một công việc làm thêm phù hợp để kiếm thêm thu nhập, có tiền tiêu Tết. Bạn Đỗ Văn Quân (19 tuổi, sinh viên Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, mỗi năm vào dịp gần Tết, Quân đều tìm cho mình một công việc thời vụ phù hợp với lịch học. Năm nay, Quân nhận vận chuyển hàng cho một cơ sở sản xuất bánh kẹo với mức lương là 40.000 đồng/giờ. Nếu chăm chỉ làm việc thì riêng tháng cuối năm Quân cũng kiếm được gần chục triệu đồng để dành chi phí cho năm học tới.

Giống như Quân, thay vì về quê nghỉ Tết sớm như các bạn, Nguyễn Thị Hoa (sinh viên năm 3 trường Đại học Sư phạm) ở lại Hà Nội tìm kiếm cho mình một công việc làm thêm trong dịp cận Tết. “Năm ngoái, em nhận công việc bán hàng tại hội chợ trong thời gian 10 ngày từ 20-30 Tết. Năm nay, em cũng dự định sẽ ở lại đi giúp dọn nhà theo giờ. Em đã liên hệ được một số nơi cần người làm, khoảng nửa tháng nữa là em bắt đầu công việc. Đối với em, việc làm thêm dịp Tết không chỉ giúp mình kiếm thêm thu nhập mà còn là cơ hội để em cọ sát với môi trường xung quanh”, Hoa chia sẻ.

Cần tránh bẫy “việc nhẹ, lương cao” rao trên mạng

Song hành nhu cầu tìm việc kiếm tiền của nhiều người, các trung tâm môi giới việc làm cũng ồ ạt ra đời với đa dạng chiêu trò trá hình. Những trung tâm này lợi dụng sự cả tin, đánh vào tâm lý mong muốn kiếm tiền của người lao động vào dịp cuối năm để đưa ra những lời chào mời “việc nhẹ, lương cao”. Ví dụ, tại một trang tuyển dụng việc làm Tết có đăng các bài tuyển dụng như, “Mình cần tuyển nhân viên nhập bài giảng lên Fanpage, trang web của công ty để tăng tương tác, phục vụ người học. Thời gian chỉ khoảng 2-3 tiếng một ngày, có thể linh động đăng bài trong thời gian rảnh. Ưu tiên các bạn có thời gian rảnh rỗi muốn kiếm thêm thu nhập, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần có laptop và đáp ứng được về mặt thời gian”.

Trên thực tế, chỉ cần mất năm phút lướt qua các trang mạng, cũng có hàng tá các bài quảng cáo môi giới việc làm với tít hấp dẫn như “việc nhẹ lương cao”, kinh doanh không cần bỏ vốn dịp Tết, công việc kiếm tiền triệu mỗi ngày dịp Tết cho sinh viên… Tuy nhiên, khó có thể lường trước được những rủi ro đằng sau những thông tin có vẻ “béo bở” này.

Bạn Nguyễn Thúy Hằng (Sinh viên năm nhất, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) một nạn nhân của chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” chia sẻ, mới đây tìm trên mạng thấy một trang đăng tin tuyển dụng giúp việc theo giờ với mức lương 200.000 đồng/giờ. Nhân lúc vừa thi xong học kỳ, còn khá rảnh rỗi, Hằng rủ bạn thân cùng liên hệ với người đăng tin để xin việc. Khi đến đây, Hằng và bạn được yêu cầu nộp 500.000 đồng tiền phí môi giới.Thấy mức lương khá hấp dẫn, nên Hằng đã không ngần ngại nộp tiền. Thế nhưng, sau khi đợi hơn một tuần không thấy người môi giới gọi đi làm, Hằng thử gọi lại vào số máy trước kia, thì thấy thông báo “thuê bao hiện không liên lạc được”.

Có thể thấy, thời điểm giáp Tết, nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp tăng mạnh so với các thời điểm khác trong năm.Nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như kinh doanh, marketing, bán hàng, kế toán – thu ngân, nhà hàng khách sạn, điện, điện tử, lái xe, bếp, bảo vệ, thời vụ bán hàng... Đặc biệt nhu cầu tuyển dụng lao động dịch vụ bán thời gian tăng đột biến. Tuy nhiên, cùng với nó là những “cái bẫy” được giăng ra để lừa đảo người lao động

Chia sẻ về vấn đề này, theo Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời điểm này nhiều đối tượng thường lợi dụng sơ hở để lừa đảo. Những chiêu trò lừa đảo không quá mới, chủ yếu “đánh” vào tâm lý muốn tìm việc nhẹ lương cao, sự cả tin của nhiều lao động, nhưng vẫn luôn có những nạn nhân mới. Người lao động cần tìm kiếm thông tin kỹ lưỡng và trao đổi trực tiếp, cụ thể với đơn vị tuyển dụng về tính chất công việc, yêu cầu, chế độ lương thưởng, có hợp đồng làm việc rõ ràng. Để đảm bảo an toàn, người lao động nên tìm việc ở những địa chỉ uy tín, các trung tâm giới thiệu việc làm. Ngoài ra, cần cảnh giác với những trung tâm giới thiệu việc làm có các đặc điểm như: Cơ sở vật chất sơ sài, có khi chỉ một vài bộ bàn ghế; yêu cầu người lao động đóng một khoản tiền vài ba trăm nghìn đồng và hẹn chờ công việc.

“Người lao động không nên tin vào những lời quảng cáo “việc nhẹ, lương cao để tránh bị lừa, tránh việc giao tiền hay giấy tờ tùy thân cho những người không quen biết”, ông Thành khuyến cáo.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này