Neo giữ những nếp làng

10:32 | 05/01/2021
(LĐTĐ) Hà Nội đang trong quá trình vươn mình phát triển. Nhưng ở nơi này, một con ngõ, một đoạn phố, một gốc cây nếu đôi chút để ý cũng đủ thấy chúng cũng ẩn chứa bao lớp lang lịch sử. Mừng hơn cả, giữa nhịp đô thị hóa mạnh mẽ, không ít ngôi làng dù đã lên phố song người dân vẫn nỗ lực cố neo giữ những nếp làng.
Làng nghề tăm hương hối hả vào vụ Tết Nếp làng, hồn quê dần mai một khi làng lên phố

1. Làng cổ Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm, từ bao đời nay luôn nổi tiếng với truyền thống khoa bảng vào hạng nhất nhì của kinh thành Thăng Long. Điều này ít nhiều thể hiện ngay trên các cổng hình tháp bút, cuốn thư ở làng.

Neo giữ những nếp làng
Giữa nhịp sống xô bồ, những lễ hội trong phố thị vẫn được duy trì tựa như nét văn hóa đầy trân quý. Ảnh: Giang Nam

Từ cổng làng, cổng ngõ đến cổng nhà đều thể hiện tinh thần hiếu học của người Kẻ Vẽ thông qua hình ảnh cây bút, cuốn thư. Những chiếc cổng trăm tuổi đều có sự khác biệt từ kích thước đến kiến trúc. Mỗi cổng mang một dáng vẻ riêng, không thể hoà lẫn. Trải qua thời gian, có những cổng được tôn tạo trùng tu, nhưng cũng còn đó những chứng nhân lịch sử bao nhiêu năm rồi vẫn như thế, chúng cổ kính, rêu phong và nhuốm màu thời gian.

Nhìn những nét xưa cũ lẩn khuất trong sức sống hiện đại, tôi chợt nghĩ, phải chăng những nét đẹp truyền thống như liều "kháng thể" để người dân giữ được nếp làng, dù đời sống xã hội đã đổi thay rất nhiều. Ghé thăm ngôi làng khoa bảng này, ông Lê Văn Châu – Phó Ban quản lý di tích đình Đông Ngạc bảo, cho đến nay truyền thống hiếu học của người làng vẫn được giữ gìn. Các dòng họ trong làng, dòng họ nào cũng có người đỗ Tiến sĩ, ít nhất là một người.

Chẳng nói đâu xa, nếu như trước đây người làng ca ngợi cụ Phan Phu Tiên là người khai khoa, đồng thời lại là Lưỡng triều Tiến sĩ tức là Tiến sĩ của hai Triều là triều Trần và triều hậu Lê, coi đó là gương để nói học. Thì nay, nhờ gương sáng ấy nổi lên tên tuổi nhiều gương hiếu học, những người con Đông Ngạc ngày nay có khoảng 100 người có học vị Tiến sĩ. Có những người đã trở thành lãnh đạo cấp cao Nhà nước, những chính khách, nhà yêu nước được lịch sử ghi danh như: Sĩ phu Hoàng Tăng Bí, Tiến sĩ Phan Văn Trường, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm...

Điểm đáng trân trọng ở chỗ, Đông Ngạc là một làng Nho học và cốt cách này đã ngấm vào máu thịt. Thế nên, từ xưa đến nay tất cả các nghi thức tâm linh tín ngưỡng các quan hệ gia đình, tộc họ, xóm làng đều được quy định trên dưới rõ ràng theo văn phép, nhưng vẫn giữ tinh thần dân chủ nên mọi việc liên quan đến lợi ích của đất nước, xóm làng đều được đưa ra chốn đình làng cùng hội đồng bô lão bàn bạc không phân biệt giàu sang nghèo hèn.

2.Hẳn không ít người nhìn ra, tốc độ đô thị hóa nhanh, những làng cổ đang dần phải thu mình trong dòng chảy ồn ã. Những vẻ đẹp xưa cũ dù đã tồn tại cả trăm năm, nhưng cũng thật mong manh trước sự nghiệt ngã của thời gian và bàn tay con người. Dễ thấy, nhiều khu đất trước đây dành để cấy lúa, trồng hoa, rau muống, nay đã thành khu đô thị sầm uất với các tòa chung cư, biệt thự liền kề… Cách sống của người dân thay đổi, từ cư dân nông nghiệp chuyển sang làm thương mại, dịch vụ, đa số lớp trẻ thì đi làm công nhân, nhân viên văn phòng…

Chẳng nói đâu xa, làng Định Công (thuộc phường Định Công) - vốn nổi tiếng có nghề chạm bạc, nhưng nay chỉ còn một số người giữ nghề. Cùng trong niềm tiếc nuối ấy còn là sự biến mất của những không gian thoáng đãng ngày xưa. Định Công đang chịu sức ép của đô thị hóa và tăng dân số một cách chóng mặt, tất cả con ngõ của làng đều oằn mình vì quá tải.

Lại nữa, làng Cự Đà nằm cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 20 km về phía Tây thuộc địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Nằm bên bờ sông Nhuệ, nơi đây được coi là một trong số làng cổ độc đáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ với một lối kiến trúc có sự đan xen hài hòa giữa kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc và kiến trúc Việt Cổ. Thế nhưng, đô thị hóa đã khiến từ một ngôi làng có bề dày lịch sử với những nếp nhà cổ có niên đại hàng trăm năm, nay Cự Đà chỉ còn những ngôi nhà cao tầng bê tông sừng sững mọc lên cùng biển hiệu quảng cáo lộn xộn. Từ đầu đến cuối làng như một công trường với những xe chở bột làm miến, chở vật liệu xây dựng… ngày đêm ra vào rầm rập.

3.Nhắc đến những nét xưa trong phố. Bản thân tôi đã không ít lần đi sâu vào những ngõ hẹp từng một thuở được gọi với tên Kẻ Mọc, những lối nhỏ Đại Yên hay những đoạn những ngõ nhỏ gấp khúc ở Kẻ Bưởi… Phố thị thay đổi, nhịp sống và đô thị hóa mạnh mẽ đến mức, chỉ cần 3 năm rời Hà Nội là tất thảy mọi người đều có thể cảm nhận rõ nét. Thế nhưng, trong câu chuyện của những người có tuổi ở Hà thành, hễ nhắc đến chuyện xưa, đến những mái đình cổ kính, những huyền tích lạ thuở lập nhà, khai đất là hai chữ “làng tôi” lại hiện hữu rất đỗi thân thương.

Neo giữ những nếp làng
Nét đẹp cổ kính, đặc trưng của kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ nay không còn nhiều. Ảnh: Giang Nam

Hôm đến làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), tôi chậm rãi đi trên những con ngõ rêu phong in hằn vệt thời gian loang lổ. Chợt nghĩ, sâu bên trong là những căn nhà ẩn chứa bao câu chuyện đời vui buồn. Ngõ hẹp thì ở đâu cũng vậy, ở nơi này dẫu không đến mức người đi phải nghiêng mình lách qua, song cũng phải chậm lại. Chậm lại nên sẽ có cảm giác sống chậm. Dưới bóng cổ thụ hay dưới những pho cổng nhà cổ thường có các cụ già râu tóc bạc phơ ngồi đánh cờ. Có khi là sự giao lưu của người già và người trẻ, như để tạo sự gắn kết tình làng, tình người.

Hôm ấy, tôi bắt gặp người phụ nữ rê thóc. Rê thóc là hình thức người nông dân gom phần thóc đã được phơi nắng kỹ lưỡng, dùng thúng xúc rồi đứng xuôi chiều gió, nghiêng thúng cho thóc chảy xuống từ từ. Những hạt thóc mẩy đậu lại. Thóc lép và bụi sẽ bay ra xa hơn một chút. Ngày xưa chưa có quạt máy, người ta dùng quạt giấy to cỡ cánh tủ chè để tạo gió giúp việc rê thóc dễ dàng hơn. Nay công việc đó đã có quạt điện, gộp cả hai chiếc vào cùng lúc, tạo ra tốc độ gió lớn giúp giảm bớt sức lao động. Nay nhìn thấy cảnh rê thóc trong con ngõ hun hút gió, chợt thấy ngậm ngùi.

Tĩnh tâm quan sát sẽ thấy, đâu đó giữa ồn ã phố phường văn hóa Hà Nội vẫn tồn tại trong cộng đồng thị dân như một giá trị bất biến. Cái “chất Hà Nội” vẫn âm thầm, bền bỉ trong nhiều nếp nhà. Bà Nguyễn Thị Lâm, nghệ nhân ẩm thực ở làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những người Hà Nội như vậy. Bà Nguyễn Thị Lâm, sinh ra trong một gia đình khá giả ở phố Hàng Than, lớn lên bà về làm dâu ở làng Bát Tràng. Những nét văn hóa thanh lịch của người con gái đất Tràng An ngấm dần trong tiềm thức của bà, cho tới ngày nay quy chuẩn của nếp nhà vẫn không bị phai nhạt trong từng lời ăn, tiếng nói. Trong gia đình bà vẫn giữ nét tôn ti trật tự, trên - dưới rõ ràng tạo nên một khuôn phép đối với mỗi thành viên. Tôi chợt nghĩ, phải chăng cũng vì còn những người như thế, những gia đình như thế mà may mắn thay hồn cốt Hà Nội không mất đi. Những gia đình sinh sống đủ lâu ở đất này tự biết cách học hỏi nền nếp nghiêm chỉnh và đào thải thói xấu.

Trong quá trình đô thị hóa có những thách thức, đánh đổi. Chính quyền và người dân phải nhận rõ những điều đó để có giải pháp hạn chế, ngăn ngừa. Trước sự đô thị hóa phát triển ngày càng mạnh mẽ, để viết tiếp những huyền thoại về vùng đất kinh kỳ văn hiến trong thời đại mới, người Hà Nội cần nỗ lực bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa. Một việc cấp thiết trước mắt, đó là các cơ quan chức năng cần có các phương án bảo tồn những làng cổ ở ngoại thành trước khi chúng bị đô thị hóa hoàn toàn, làm mai một những nét đẹp truyền thống như chuyện đã xảy ra ở nhiều ngôi làng nội đô./.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này