Bộ luật Lao động 2019: Mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động

15:13 | 03/01/2021
(LĐTĐ) Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, nhiều cải tiến trong Bộ luật Lao động mới có thể mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động nhưng chỉ khi tất cả mọi người đều hiểu được mình đang có những quyền mới nào và chủ động sử dụng những quyền đó.
Trao giải Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Bộ luật Lao động năm 2019 Trực tuyến hình ảnh: Hỏi - đáp về chính sách pháp luật lao động cho gần 300 công nhân, viên chức, lao động Giải đáp vướng mắc về pháp luật lao động cho công nhân, viên chức, lao động

Từ 1/1/2021, Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực, sẽ có nhiều thay đổi quan trọng như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung thêm đối tượng là người lao động làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản; hoàn thiện thêm các quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc không phân biệt giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh tăng dần lên 62 tuổi đối với lao động nam (mỗi năm tăng thêm 3 tháng) và 60 tuổi đối với lao động nữ (mỗi năm tăng thêm 4 tháng); cho phép người lao động được thành lập và gia nhập tổ chức đại diện người lao động do họ lựa chọn…

Bày tỏ quan điểm về việc Bộ luật Lao động sửa đổi đã được thông qua năm 2019 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2021, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hoan nghênh những quyền mới của người lao động và người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Bộ luật Lao động 2019: Mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động
Báo Lao động Thủ đô tuyên truyền về những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 để người lao động và người sử dụng lao động hiểu được quyền của mình

“Bộ luật mới sẽ giúp Việt Nam tăng tốc trên con đường vì việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ,” Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh: “Bộ luật Lao động mới có nhiều cải tiến có thể mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động, nhưng những nội dung cải tiến sẽ chỉ đi vào thực tiễn cuộc sống khi mọi người đều hiểu được mình có những quyền mới nào và chủ động sử dụng những quyền đó.”

Cụ thể, thay đổi quan trọng đầu tiên là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động bổ sung thêm đối tượng là người lao động làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Bộ luật có một số nội dung được áp dụng cho toàn bộ khoảng 55 triệu người, thay vì phạm vi điều chỉnh hiện tại chỉ khoảng 20 triệu người là những người lao động có quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, tương tự với pháp luật lao động của các nước tiên tiến, Bộ luật đã đưa ra những quy định pháp lý cho phép người lao động và người sử dụng lao động tự quyết định mức lương và điều kiện lao động thông qua đối thoại và thương lượng, trong đó vai trò của Nhà nước chỉ giới hạn ở việc xác định những tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu như tiền lương tối thiểu và giới hạn thời gian làm thêm giờ.

Chẳng hạn, người sử dụng lao động giờ đây không còn phải gửi thang lương, bảng lương đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, song vẫn phải tham khảo ý kiến của các tổ chức đại diện của người lao động. Nội dung này đã thể hiện đầy đủ những nguyên tắc chỉ đạo của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đã được thông qua năm 2018.

“Quan trọng hơn cả, những thay đổi này tạo nền tảng vững chắc cho Chính phủ, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động tiến lên trên con đường bền vững hơn hướng tới thịnh vượng chung và tránh được bẫy thu nhập trung bình. Điều đó sẽ thúc đẩy tiến trình nâng cấp xã hội và kinh tế của Việt Nam,” Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Tiến sĩ Lee cũng cho biết thêm: “Tôi cũng hy vọng rằng thực thi hiệu quả Bộ luật sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức, nơi phần lớn người lao động Việt Nam đang làm việc. Phát triển công nghệ cũng khiến gia tăng nhanh chóng số lượng lao động trong nền kinh tế dựa trên nền tảng internet, như những tài xế xe công nghệ mà hiện chưa rõ có được pháp luật lao động điều chỉnh không. Chính phủ, tòa án, và các đối tác xã hội cần cùng nhau tìm ra những giải pháp mới để giải quyết những thách thức của thị trường lao động hiện đại.”

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này