Thực hiện quyền khởi kiện, Công đoàn thu nợ đọng bảo hiểm xã hội trên 108 tỷ đồng

15:53 | 02/01/2021
(LĐTĐ) Năm 2020, qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức Công đoàn Thủ đô, đã có 114 đơn vị, doanh nghiệp tự giác nộp trên 108 tỷ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Hà Nội: Tăng cường các giải pháp thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế Hơn 37,7 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội Khởi kiện 175 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết, năm 2020, chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động tiếp tục được các cấp Công đoàn Thủ đô thực hiện hiệu quả, trong đó có việc quan tâm công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, trợ giúp pháp lý, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tại tòa án, thực hiện quyền khởi kiện của tổ chức Công đoàn...

Theo báo cáo của 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, năm qua, đã có 2.997/5.263 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể, đạt 56,94% và một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn đại diện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nhiều quyền lợi cốt lõi đã được công đoàn cơ sở thương lượng đưa vào thỏa ước lao động tập thể như: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, thực hiện chính sách lao động nữ, đảm bảo bữa ăn ca của người lao động hầu hết trong khoảng từ 25.000đ – 35.000đ/bữa, một số ít doanh nghiệp với mức thấp nhất 15.000 đồng, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 7c/NQ-BCH của Tổng Liên đoàn về “Chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động”.

Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức 63 cuộc tuyên truyền, tư vấn về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản pháp luật có liên quan đến người lao động cho khoảng 7.450 người; tư vấn qua điện thoại và thư điện tử cho 2.120 lượt công nhân lao động; phối hợp với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở giải quyết tranh chấp lao động, đại diện ủy quyền khởi kiện Công ty cơ điện công trình đòi nợ tiền lương người lao động; kiện toàn 39 Tổ Tư vấn pháp luật với 209 thành viên.

Liên đoàn Lao động Thành phố đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường chức năng giám sát và tự kiểm tra tại đơn vị, doanh nghiệp. Qua công tác tự kiểm tra, các công đoàn cơ sở đã phát hiện các thiếu sót, tồn tại và đã kiến nghị người sử dụng lao động giải quyết, khắc phục kịp thời, góp phần tăng cường chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Thực hiện quyền khởi kiện, Công đoàn thu nợ đọng bảo hiểm xã hội trên 108 tỷ đồng
Công đoàn các cấp sẽ tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động tại doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động Thành pố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai thực hiện Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ ngày 30/6/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về “Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể”. Tính đến nay, các cấp Công đoàn Thành phố đã tiếp nhận được 592 bộ hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền nợ 475,6 tỷ đồng và có 175 hồ sơ Công đoàn khởi kiện đã được Tòa án thụ lý. Qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức Công đoàn đã có 114 đơn vị, doanh nghiệp tự giác nộp trên 108 tỷ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, theo Liên đoàn Lao động Thành phố, hiện nay, việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật đối với người lao động ở một bộ phận doanh nghiệp chưa được đảm bảo, vẫn còn tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp ảnh hưởng đến an sinh xã hội và quyền lợi của người lao động. Vì vậy, trong năm 2021 cũng như thời gian tới, Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô thực hiện thật tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động thông qua các giải pháp như: Chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở; triển khai Bộ luật lao động (sửa đổi) đến công nhân viên chức lao động và cán bộ Công đoàn; phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý việc thực hiện pháp luật liên quan đến người lao động, thực hiện chức năng khởi kiện của tổ chức Công đoàn đối với đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, vi phạm pháp luật lao động, Luật Công đoàn để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Chỉ tiêu mà các cấp Công đoàn đặt ra cho năm 2021 là: phấn đấu 75% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn xây dựng, thương lượng, ký kết và tổ chức giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại đơn vị (còn hiệu lực thực hiện); phấn đấu có ít nhất 45% bản thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên. Trong năm ký mới ít nhất 300 bản thỏa ước lao động tập thể. Liên đoàn Lao động Thành phố phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra từ 150-200 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động về thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động..; (Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp tổ chức kiểm tra từ 650-700 đơn vị trên địa bàn).

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này