Bộ Tư pháp công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2020

21:02 | 01/01/2021
(LĐTĐ) Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2659/QĐ-BTP phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2020 của ngành Tư pháp.
Đối thoại, gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về hợp đồng dân sự Vận dụng giá trị cốt lõi, nền tảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V ngành Tư pháp
Bộ Tư pháp công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2020

1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Chính phủ tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, làm cơ sở ban hành các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác pháp luật và tư pháp.

Trong năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ hoàn thành việc tổng kết 2 Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Và 3 Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng: Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2000 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/2/2009 về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

2. Rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo các chuyên đề; tham mưu chính sách ứng phó kịp thời với tác động của đại dịch Covid-19.

Trong năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã tập trung rà soát gần 8.800 văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước do các cơ quan trung ương ban hành đang có hiệu lực.

Trọng tâm là 10 chuyên đề, lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để phát hiện các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kiến nghị hoàn thiện pháp luật để giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả rà soát đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10 và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội; sự quan tâm, hưởng ứng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

3. Thể chế pháp luật của đất nước và trong một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp đều có bước hoàn thiện quan trọng.

Năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các quy định của Hiến pháp nhằm bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ Tư pháp đã phối hợp các Bộ, ngành tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 17 Luật và nhiều Nghị quyết, văn bản quan trọng khác trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

4. Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.

Ngày 24/11/2020, Bộ Tư pháp đã tham mưu tổ chức thành công Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Đây là Hội nghị trực tuyến với quy mô toàn quốc, là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay.

Hội nghị thể hiện sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

5. Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng tại Việt Nam”.

Thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp, ngày 30/11/2020, Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng tại Việt Nam”.

Hội thảo là diễn đàn để nhận diện một cách đầy đủ, hệ thống, sâu sắc và toàn diện hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật; đánh giá kết quả và kinh nghiệm vận dụng tư tưởng của Người trong sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp đổi mới vừa qua và đề xuất cho giai đoạn tới.

6. Vượt qua khó khăn, kết quả công tác thi hành án dân sự về giá trị, đặc biệt là giá trị thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế năm 2020 đạt cao nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thực hiện cắt giảm biên chế, tinh gọn bộ máy; chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, kịp thời, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp,... hệ thống Thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020.

Toàn Ngành đã tổ chức thi hành được trên 53 nghìn tỷ đồng (tăng gần 1000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14 nghìn tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, cao nhất từ trước đến nay. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

7. Chủ động, sáng tạo trong hợp tác quốc tế về pháp luật, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp.

Năm 2020, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật được triển khai một cách sáng tạo, chủ động, thích ứng với tình hình thế giới và trong nước, đạt nhiều kết quả tích cực, phục vụ hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp nói chung và nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng, tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn tới.

8. Tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2) nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống.

Trong không khí sôi nổi thi đua, tự hào về truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tư pháp, ngày 1/11/2020, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư pháp long trọng tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V.

Với chủ đề “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, Đại hội là dịp để Bộ, ngành Tư pháp đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020, tuyên dương thành tích của tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xác định phương hướng tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của ngành Tư pháp giai đoạn 2021 – 2025.

9. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng chuyển đổi số.

Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và có thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Bộ, ngành Tư pháp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng chuyển đổi số đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn quốc.

Nhờ đó, đã cải thiện điều kiện tiếp cận, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ thông tin pháp luật. Các cuộc thi trực tuyến về kiến thức pháp luật với quy mô toàn quốc như: Pháp luật học đường, Pháp luật với mọi người,… đã thu hút hàng triệu lượt người tham gia, tạo những sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, hiệu quả.

10. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 - Đại hội điểm Đảng bộ cấp trên cơ sở của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; nhiều Giám đốc Sở Tư pháp được tín nhiệm bầu tham gia tỉnh, thành ủy.

Lần đầu tiên được chọn là Đại hội điểm Đảng bộ cấp trên cơ sở, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã được tổ chức thành công, bảo đảm chất lượng, vượt tiến độ 1,5 tháng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển của Đảng Bộ trong 05 năm tới; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Khóa X; bầu Ban Chấp hành Đảng Bộ khóa XI và đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tại các địa phương, có 22 Giám đốc Sở Tư pháp được bầu tham gia tỉnh, thành ủy; qua đó, nâng cao vị thế, uy tín của Bộ, ngành Tư pháp.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này