Văn hóa, thể thao Thủ đô năm 2020

Lan tỏa những giá trị nhân văn

08:12 | 01/01/2021
(LĐTĐ) Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến cho các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao bị ngưng trệ. Đứng trước những khó khăn thách thức, Thủ đô Hà Nội đã tranh thủ mọi thời cơ khi dịch bệnh lắng xuống để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm đem lại những giá trị tinh thần vượt qua mọi khó khăn trong mỗi người dân Hà Nội và kỷ niệm những ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước.
Hà Nội ơi, một trái tim hồng Có nhiều thành tựu văn hóa dân gian chuẩn bị đón 1010 năm Thăng Long Hà Nội Tỏa sáng Văn hóa - Du lịch Thủ đô

1010 năm Thăng Long -Hà Nội

Tối 10/10/2020, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, người dân Thủ đô được chứng kiến một đại lễ long trọng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020). Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng đất Rồng thiêng” được trình diễn tại buổi lễ bởi những nghệ sĩ nổi tiếng, thể hiện thành công nhất các ca khúc cùng dàn hợp xướng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Các màn múa được dàn dựng theo phong cách bán sử thi hoành tráng, bằng âm nhạc và ngôn ngữ nghệ thuật múa kinh điển của nghệ thuật ballet thế giới và những đặc điểm nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.

Lan tỏa những giá trị nhân văn
Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Ảnh: Bảo Thoa

Nội dung của chương trình nghệ thuật ca ngợi truyền thống Thăng Long - Hà Nội hơn một ngàn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; khích lệ tinh thần thi đua yêu nước của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô, lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.Đồng thời, thông qua chương trình nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa Thủ đô tới bạn bè quốc tế, góp phần phát triển du lịch và tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại cho thành phố Hà Nội, nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và những nét văn hoá đặc sắc, là trái tim của đất nước, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Trước đó, Thủ đô Hà Nội cũng đã có nhiều hoạt động văn hóa hướng về nguồn cội như dâng hương tưởng niệm vua Lý Thái Tổ; Tổ chức Ngày hội “Tôi yêu Hà Nội”; Chương trình Văn nghệ “Tự hào Việt Nam” tại Khu vực tượng đài Cảm Tử; Chương trình nghệ thuật “Hà Nội - Khát vọng Rồng bay” tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ… và trang trí băng rôn, khẩu hiệu, pano chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Xây dựng phim tài liệu “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội”

Cùng với tuyên truyền, thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) và tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm khác như tuyên truyền cổ động trực quan trên một số trục đường, tuyến phố chính và các khu vực trung tâm thành phố, các quận, huyện; tổ chức 2 đêm tuyên truyền lưu động trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngành Văn hóa và các cơ quan liên quan tổ chức triển lãm tranh, ảnh nội dung về cuộc đời, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những kết quả đạt được trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, những mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hà Nội xây dựng bộ phim tài liệu “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội” thể hiện sự quan tâm của Bác với Thủ đô Hà Nội và thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô với Người.

Để kỷ niệm ngày sinh của Bác, ngành Văn hóa Hà Nội tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các sân khấu lớn ở khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, Sân vận động Mỹ Đình… cùng nhiều địa điểm công cộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã phục vụ nhân dân; tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân các quận, huyện, đặc biệt là những khu vực xa trung tâm, khu công nghiệp, chế xuất…

Các hoạt động văn hóa của Thủ đô đã được triển khai trang trọng, hiệu quả; có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân, tạo không khí phấn khởi, thi đua và sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành, đoàn thể.

Nhiều hoạt động văn hóa kỷ niệm 75 năm mừng Quốc khánh nước nhà

Trước ngày 2/9/2020, trên khắp tuyến phố ở trung tâm Hà Nội, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu được trang hoàng rực rỡ chào mừng kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Không khí tưng bừng trong ngày trọng đại của đất nước bao trùm khắp nơi; Quốc kỳ tung bay trên quảng trường Ba Đình lịch sử; Cờ Tổ quốc tung bay trên các tuyến phố trung tâm Hà Nội… đã khiến cho không khí chào mừng ngày đại lễ của đất nước tràn ngập khắp Thủ đô.

Lan tỏa những giá trị nhân văn
Ảnh: Bảo Thoa

Đặc biệt, tối ngày 2/9/2020, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra Chương trình đặc biệt kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9 mang tên “Lời thề độc lập” tái hiện 3 giai đoạn lớn của lịch sử Việt Nam từ những năm 1900 tới nay được thể hiện qua nhiều hoạt cảnh, trình diễn nghệ thuật kết hợp với phóng sự tài liệu và câu chuyện của các nhân chứng lịch sử. Đan xen những phóng sự, lời kể của các nhân chứng lịch sử, khán giả đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với những bài hát đi cùng năm tháng như: "Bình Trị Thiên khói lửa", "Ta tự hào đi lên ơi Việt Nam", "Bạch Đằng giang", "Bài ca Hồ Chí Minh", "Đoàn Vệ quốc quân"... do các Nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, Tạ Minh Tâm; Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương, Phạm Thu Hà; Lê Cát Trọng Lý… biểu diễn.

Qua các tác phẩm được dàn dựng công phu của “Lời thề độc lập" cho thấy ý chí độc lập của người Việt Nam cũng chính là sức mạnh đã sinh ra đất nước, bảo vệ và phát triển đất nước. Những thách thức ngày càng lớn, nhưng chính những lực cản này đã nuôi dưỡng ý chí để trở thành khát vọng, lời thề của người Việt Nam trước quá khứ và tương lai.

60 năm Hà Nội - Huế - Sài Gòn

60 năm về trước, ngày 8/10/1960, tại Thủ đô Hà Nội diễn ra một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại: Lễ kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Sự kiện khẳng định cho ý chí sắt đá thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Sự kiện này là minh chứng cho tất yếu lịch sử đã trở thành chân lý của dân tộc Việt Nam, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước Việt Nam ta là một/Dân tộc Việt Nam ta là một/Dù cho sông cạn đá mòn/Nhân dân Nam Bắc là con một nhà".

Ngày 3/10/2020, tại Hà Nội, Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hà Nội - Huế - Sài Gòn" đã diễn ra mang đến không gian nghệ thuật đặc sắc đặc trưng văn hóa của 3 thành phố lớn. Qua những hoạt cảnh và những ca khúc bất hủ, chương trình đã làm sống lại khí thế hào hùng mà 3 thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã sát cánh cùng nhau đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đến khi non sông thống nhất. Bên cạnh những ca khúc kháng chiến, chương trình còn có những ca khúc trữ tình, lãng mạn thể hiện sự phát triển của 3 thành phố, khơi dậy niềm tự hào về 3 thành phố lớn của đất nước.

Chuẩn bị cho Sea Game 31 và ASEAN Para Games 11

Đại hội thể thao Đông Nam Á là sự kiện thể thao lớn nhất của khu vực, được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, lần đầu tiên vào năm 1959, tới nay đã trải qua quá trình 61 năm lịch sử với 30 kỳ tổ chức. Năm 2003, Việt Nam đã vinh dự lần đầu tiên trở thành chủ nhà của kỳ SEA Games 22. Trong những năm đó, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành của Việt Nam đã nỗ lực làm tất cả khả năng của mình, huy động mọi nguồn lực để tổ chức thành công Đại hội, tạo nên tiếng vang lớn và góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Sau 18 năm, Hà Nội rất vinh dự, lần thứ 2 được Chính phủ trao trách nhiệm là thành phố chủ nhà chính của Đại hội, tổ chức lễ Khởi động cùng SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11

Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình" vào năm 1999, với bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời, với số lượng lớn những di sản văn hóa có giá trị cấp quốc gia và quốc tế. Hà Nội đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn và an toàn không chỉ của du khách bốn phương mà cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được là nơi đăng cai nhiều sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội không chỉ của quốc gia mà của quốc tế rất thành công. Trong lĩnh vực thể thao, Hà Nội là chủ nhà của Đại hội thể thao trong nhà Châu Á năm 2009, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế bởi sự chu đáo, mến khách, thân thiện, qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh tích cực của đất nước Việt Nam trong xu thế hội nhập phát triển.

Lan tỏa những giá trị nhân văn
Ảnh: C.Tiến

Sáng 21/11, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lễ Khởi động cùng SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu thời điểm 1 năm (theo thông lệ của các Đại hội thể thao quốc tế) trước khai mạc SEA Games 31 cũng như ASEAN Para Games 11 năm 2021 diễn ra tại Việt Nam. Để đánh dấu thời điểm 1 năm trước khi khai mạc, việc tổ chức chương trình khởi động tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng, nhằm tuyên truyền, giới thiệu đến đông đảo Nhân dân trong cả nước, bạn bè quốc tế về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng cai, tổ chức Đại hội. Đây cũng là hoạt động khởi đầu phát đi thông điệp đến các cấp, ngành, tầng lớp Nhân dân về mốc thời gian tổ chức một sự kiện thể thao lớn nhất khu vực.

Trong bối cảnh thế giới phải đứng trước những thử thách to lớn từ đại dịch Covid-19, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có rất nhiều nỗ lực, chung tay đoàn kết để vượt qua khó khăn, hướng tới mục tiêu kép vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân./.

Thoa Bảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này