Cần có hướng dẫn phân biệt đào rừng tự nhiên và đào người dân trồng

08:24 | 30/12/2020
(LĐTĐ) Trả lời câu hỏi về kiểm tra, xử lý các trường hợp vận chuyển đào rừng mang về Hà Nội bán, làm sao phân biệt đâu là đào rừng tự nhiên, đâu là đào do người dân trồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho rằng phải có hướng dẫn cụ thể.
Gần 12.000 cán bộ chủ chốt học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Tăng cường giám sát lĩnh vực dễ có tham nhũng lãng phí Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường trục phía Nam

Chiều 29/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban báo chí, thông tin về kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Thông tin tại cuộc họp, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, đơn vị đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để đối với các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm…

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng thông tin tại hội nghị
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng thông tin tại hội nghị

Kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường tháng cao điểm Tết (từ 15/11-15/12), Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thực hiện kiểm tra, xử lý 677 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý hơn 9 tỷ đồng. Kết quả chung cả năm 2020 (tính đến ngày 14/12/2020), đơn vị đã thực hiện kiểm tra 5.771 vụ việc. Qua đó, phát hiện, xử lý vi phạm 5.616 vụ với tổng số tiền hơn 133 tỷ đồng.

Ông Hùng nhận định, cuối năm hoạt động kinh doanh thương mại, hàng hóa phục vụ Tết có nhiều diễn biến sôi động. Một số mặt hàng dự báo có biến động về giá do nhu cầu tiêu dùng tăng cao như thực phẩm tươi sống, đông lạnh… Hoạt động vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn hàng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... dự báo tiềm ẩn nguy cơ cao. Các đối tượng vi phạm lợi dụng tình hình thị trường có nhiều biến động để gia tăng các hoạt động buôn lậu.

Ông Hùng cho biết, trong tháng cuối năm, đơn vị xác định nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp với công tác tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Đặc biệt, kiên quyết xử lý các tổ chức cá nhân cố tình lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết để tạo khan hiếm, đầu cơ găm hàng, tăng giá thu lợi bất hợp pháp…

Trả lời câu hỏi về kiểm tra, xử lý các trường hợp vận chuyển đào rừng mang về Hà Nội bán, làm sao phân biệt đâu là đào rừng tự nhiên, đâu là đào do người dân trồng, ông Trần Việt Hùng tỏ rõ sự băn khoăn nếu phải kiểm tra, xử lý.

"Đào rừng là trồng trên rừng, phải xuất phát từ rừng, vì thế phải tuyên truyền với người dân vùng có rừng, vùng miền núi, mà muốn tuyên truyền ở những nơi này thì phải xuất phát từ chính quyền địa phương sở tại", ông Hùng nói.

Cần có hướng dẫn phân biệt đào rừng tự nhiên và đào người dân trồng
Cần có hướng dẫn cụ thể để phân biệt đào rừng và đào nhà. (Ảnh minh họa)

Trả lời cụ thể câu hỏi về phân biệt "đào rừng - đào nhà" khi kiểm tra, ông Hùng nói: "Để phân biệt đâu là đào rừng, đâu là đào nhà, chắc sau này phải có hướng dẫn".

Trước đó, tại hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo một cách nghiêm túc về việc cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng.

Trả lời câu hỏi về triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng cần kiểm soát chặt việc chặt phá đào rừng, cây rừng mang về xuôi phục vụ thú chơi cây cảnh ngày tết để bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên.

Theo ông Tuấn, thực tế trong luật đã quy định việc cấm chặt phá cây rừng, trong đó có đào rừng; tuy nhiên, đúng là việc bảo vệ, quản lý những cây đào rừng, cây rừng chơi tết còn chưa được quan tâm đúng mức.

Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp tết đến xuân về, ông Tuấn cho rằng cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, quản lý thị trường, lực lượng công an… chứ không chỉ lực lượng kiểm lâm.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này