Phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh

20:05 | 29/12/2020
(LĐTĐ) Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục phấn đấu để luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô đã dày công gây dựng.
10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2020 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có ngành xây dựng phát triển mạnh nhất khu vực châu Á Doanh nghiệp công nghệ số phải là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số

Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tất cả 63 địa phương đều gửi bài tham luận với 319 kiến nghị cụ thể, trong đó có nhiều kiến nghị về những vấn đề lớn của đất nước, đặc biệt đề xuất các chính sách đặc thù và yêu cầu các Bộ và Chính phủ hướng dẫn thực thi.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo các dự thảo Nghị quyết 01, 02 trình Thủ tướng ký ban hành để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2021. Đối với những vấn đề cụ thể không đưa vào Nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo cho các địa phương.

Phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Thủ tướng dẫn lại hai câu thể hiện khái quát nhất, sâu sắc nhất trong phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị. Đó là, năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt. Những kết quả, thành tích đó đã góp phần làm nên những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ 2016-2020 và là thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thủ tướng nêu rõ, tại hội nghị thống nhất chủ đề năm 2021 là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”. Trên tinh thần đó, chúng ta thống nhất định hướng điều hành và quan điểm chỉ đạo: Trước hết là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm. Đó là ngay từ đầu năm 2021, phải bắt tay vào việc ngay, không ngừng nghỉ, phải lăn xả vào công việc. Tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển. Chính sự đoàn kết, tự hào dân tộc, tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị và toàn dân sẽ là động lực chính đưa đất nước vươn lên, thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực và thế giới.

Để phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững thì phải duy trì nền tảng vĩ mô ổn định, bền vững. Không được để lạm phát cao và các cân đối lớn của quốc gia phải được giữ gìn, vun đắp. Tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng, nhất là trong 5 năm qua.

Cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội thống nhất mức tăng trưởng khoảng 6% GDP năm 2021. Thực tế trong thảo luận có ý kiến cho rằng nên đặt thấp hơn khoảng 5,5% nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên cao hơn, khoảng 6,5-7%, nhiều tổ chức quốc tế còn dự báo khoảng 6,8-7%, thậm chí có tổ chức còn dự báo trên 8%.

Trước tình hình thực tế về yêu cầu phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi. Tinh thần đặt ra là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả.

Phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương chú trọng đổi mới quản trị quốc gia, tiếp tục xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, bảo đảm vai trò quản lý thống nhất của địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Nhấn mạnh, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội và mọi thành quả của công cuộc đổi mới đều là vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại, chú trọng hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, tăng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để ngày càng nhiều người dân được thụ hưởng.

Cần chú trọng vấn đề phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ, hài hòa các mục tiêu của tam giác phát triển bền vững: Kinh tế, xã hội, môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm, không để trường hợp Formosa thứ hai xảy ra. Không để tình trạng tăng trưởng nhanh nhưng phải trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường để con cháu chúng ta sau này phải gánh chịu.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, “một hệ thống gần dân, lắng nghe, phục vụ dân từ công an xã đến cán bộ trung cấp, cao cấp của huyện, tỉnh và các bộ, ngành”. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương ban hành kế hoạch cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trước ngày 20/1/2021.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta làm kế hoạch 2021 nhưng cũng phải nghĩ dài hơi hơn, đó là quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025. Vì vậy, từng cấp, từng ngành phải gỡ nút thắt để bừng lên sự phát triển bền vững, một tinh thần là không được để người dân và doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế mất niềm tin vào Chính phủ, vào Bộ trưởng, vào Chủ tịch, Bí thư các tỉnh, thành phố.

Về đón năm mới và Tết Nguyên đán 2021, Thủ tướng đề nghị không được lơ là trong phòng chống dịch Covid-19, quản lý thị trường ổn định, bảo đảm cung cầu hàng hóa cho Tết. Đặc biệt không tổ chức đi chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức, không sử dụng xe công, tiền công vào hoạt động lễ hội, vui chơi. Tất cả các bộ, đặc biệt các địa phương rà soát tất cả các mặt để lo cho người dân đón Tết vui tươi, an toàn, nhất là người yếu thế, vùng khó khăn, vùng thiên tai.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này