Lãnh đạo huyện Hoài Đức đối thoại với đoàn viên, người lao động trên địa bàn

17:00 | 29/12/2020
(LĐTĐ) Sáng 29/12, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức đã có cuộc đối thoại với công nhân, viên chức lao động và doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện năm 2020. Hội nghị thu hút đông đảo người lao động nhiệt tình hưởng ứng tham gia và đóng góp ý kiến.
Hoài Đức thực hiện nhiệm vụ kép kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Các xã, thị trấn huyện Hoài Đức tổ chức khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2021 Thường trực Thành ủy Hà Nội sẽ làm việc với 5 huyện đang phát triển lên quận

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe bà Đồng Thị Nga, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân huyện Hoài Đức báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện Hoài Đức năm 2020; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Theo đó, năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm gián đoạn, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động chung của huyện, toàn huyện đã tập trung triển khai nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch. Nhìn chung, kinh tế - xã hội huyện Hoài Đức đã phát triển đúng định hướng, toàn diện, bền vững. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 23.520 tỷ đồng, tăng 10,74% so với năm 2019.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức đối thoại với đoàn viên, người lao động trên địa bàn
Buổi đối thoại dựa trên tinh thần thẳng thắng, dân chủ

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2020, cơ cấu kinh tế: dịch vụ 54,2%, công nghiệp - xây dựng 41,1%, nông nghiệp 4,7%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 62 triệu đồng/người/ năm, vượt chỉ tiêu 7 triệu đồng/người/năm…

Kinh tế xã hội đạt kết quả quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, người Hoài Đức thanh lịch, văn minh.

Theo ông Khuất Trọng Kiên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức, trong năm 2020, cùng với hệ thống chính trị huyện, Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức đã tập trung cho công tác tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Liên đoàn Lao động huyện đã tiếp tục phát huy vai trò công đoàn, công nhân viên chức lao động, đoàn viên công đoàn trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác đại diện, bảo vệ, chăm lo đoàn viên công đoàn được công đoàn cơ sở và Liên đoàn Lao động huyện, đồng thời đẩy mạnh nâng cao hiệu quả chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn.

Ngoài ra công tác đối thoại trên địa bàn huyện được xây dựng cơ bản bám sát với tình hình thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị như nguyên tắc, nội dung đối thoại, trách nhiệm của các bên tham gia đối thoại, số lượng, thành phần tham gia đối thoại, quy định người lao động được đề xuất nội dung đối thoại, những nội dung cần đối thoại…

Tỷ lệ các đơn vị tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại định kỳ hàng năm đều tăng. Qua các cuộc đối thoại, những kiến nghị, bức xúc của người lao động được giải quyết kịp thời, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chia sẻ, góp phần phát huy dân chủ, giảm tranh chấp lao động tập thể, nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức đối thoại với đoàn viên, người lao động trên địa bàn
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Đặc biệt, hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với công nhân viên chức lao động được thực hiện và duy trì hàng năm. Thông qua đối thoại, người đứng đầu chính quyền trực tiếp lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của công nhân, viên chức, lao động. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, những vấn đề bức xúc, chính đáng, hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, tạo niềm tin trong nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

Cũng tại Hội nghị, trong không khí thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, đại diện công nhân, viên chức, người lao động và các doanh nghiệp đã chủ động, tích cực phát biểu ý kiến, đề nghị các cấp lãnh đạo huyện quan tâm, xem xét giải quyết một số nội dung liên quan đến lợi ích chính đáng như: Quan tâm hỗ trợ việc nâng cấp, sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất tại các đơn vị trường học, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, nhân viên trong các nhà trường; vấn đề thi tuyển biên chế giáo viên ngành giáo dục...

Đối với các ý kiến về chỉ tiêu biên chế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức Nguyễn Anh thông báo về các chỉ tiêu biên chế của thành phố Hà Nội phân bổ trên địa bàn huyện. Cụ thể trong năm 2020, chỉ tiêu biên chế khối giáo dục là gần 2.100 chỉ tiêu, phân bổ cho 3 cấp, trên cơ sở biên chế được giao hiệu trưởng nhà trường chủ động dạy, thiếu được chủ động ký hợp không quá 12 tháng, nếu vẫn không đủ số tiết thì được chủ động ký hợp đồng thỉnh giảng.

Trả lời ý kiến của Chủ tịch công đoàn trường Tiểu học Kim Chung A Phạm Thị Thúy Hiền về việc các giáo viên là hợp đồng thỉnh giảng không đóng bảo hiểm xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Anh nhấn mạnh, việc không đóng Bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật, vì theo luật bảo hiểm xã hội hợp đồng lao động trên 1 tháng là được phép đóng bảo hiểm xã hội, trên cơ sở này, các trường chủ động cân đối thực hiện, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ và quyền lợi của người lao động.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức đối thoại với đoàn viên, người lao động trên địa bàn
Bà Chu Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương phát biểu tại hội nghị.

Theo chị Đỗ Thị Trang, Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Minh Khai, trường có được huyện đầu tư sửa chữa một số công trình, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạng mục đã xuống cấp như hệ thống cửa gỗ, bảng lớp...

Trả lời chị Đỗ Thị Trang, Phó Chủ tịch Nguyễn Anh cho biết, Uỷ ban nhân dân huyện đã giao ban quản lý dự án phê duyệt và triển khai xây sửa trường Mầm non Minh Khai để đảm bảo công tác dậy học được tốt hơn. Trao đổi thêm về công tác đảm bảo cơ sở vật chất cho khối giáo dục, Phó Chủ tịch Nguyễn Anh cũng đề nghị các trường rà soát, báo cáo phòng Giáo dục, Phòng đô thị, Ban quản lý dự án để kiểm tra, đảm bảo tốt cơ sở hạ tầng cho công tác dạy và học.

Đối với các ý kiến về đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức thông báo kết quả xử lý kiến nghị trong năm 2019 đối với việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Cụ thể, huyện đã có kiến nghị và thành phố cũng đã thông qua chủ trương đầu tư các trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp La Phù, Trường An, Lại Yên và Lai Xá Kim Trung.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức đối thoại với đoàn viên, người lao động trên địa bàn
Buổi đối thoại tập trung vào các ý kiến đóng góp xây dựng về cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Trên cơ sở này, đối với các ý kiến về công tác phòng cháy chữa cháy tại các cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân huyện xin tiếp thu và sẽ chỉ đạo Công an huyện kiểm tra, rà soát báo cáo huyện để xử lý dứt điểm.

Trong không khí thẳng thắn, cởi mở nhiều ý kiến, kiến nghị của các đại biểu cũng đã được lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức trực tiếp trả lời, làm rõ tại hội nghị. Một số ý kiến cần về cơ chế tháo gỡ cũng đã được giao các phòng, ban chức năng của huyện tiếp thu, phối hợp xem xét, giải quyết.

Cũng trong khuôn khổ buổi đối thoại, Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức cũng đã khen thưởng 10 doanh nghiệp trên địa bàn vì phong trào công nhân viên chức lao động và sử dụng lao động có hiệu quả; tặng quà 10 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp đầu xuân năm mới 2021.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức đối thoại với đoàn viên, người lao động trên địa bàn
Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích vì người lao động trên địa bàn.

Qua lắng nghe buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đánh giá cao sự phối hợp của các cấp công đoàn huyện Hoài Đức với chuyên môn. “Công đoàn luôn là tiếng nói của người lao động, phối hợp với chuyên môn để giải quyết các ý kiến của đoàn viên công đoàn. Thực hiện tốt nội dung này, chính là thực hiện tốt dân chủ tại cơ sở” – Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng nhấn mạnh.

Từ thành công của buổi đối thoại lần này, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cũng giao Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối thoại giữa cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với công nhân lao động, doanh nghiệp; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này