Lừa đảo bằng hình thức mua bán hàng trên mạng: Ngày càng diễn biến phức tạp

14:58 | 29/12/2020
(LĐTĐ) Mạng xã hội hiện nay ngoài việc cung cấp thông tin nhanh, phong phú còn là kênh mua bán hàng tiện lợi và nó cũng giúp nhiều người có thu nhập nhờ kinh doanh online. Tuy nhiên, mua bán qua mạng xã hội cũng là mảnh đất còn nhiều kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng nhằm lừa đảo, trục lợi.
Lừa đảo tăng cao trên Facebook, tỉnh táo trước khi quá muộn Tìm nạn nhân vụ lừa tiền qua facebook Đừng vì tò mò mà dính bẫy lừa đảo trên mạng

Mới đây, Công an quận Ba Đình, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Trần Huy Thành (sinh năm 2002, trú tại tổ 40 phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và Lâm Khang (sinh năm 2001, trú tại thôn Đắk Mạnh 2, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, Kon Tum) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Lừa đảo bằng hình thức mua bán hàng trên mạng: Ngày càng diễn biến phức tạp
Người mua cần thận trọng với những thông tin trên mạng (ảnh minh họa)

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Thành và Khang là bạn bè quen biết nhau từ năm 2018. Do thiếu tiền ăn tiêu, bản thân lại không có công việc ổn định nên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mua bán hàng online. Chị Nguyễn Hồng (là bạn trên mạng xã hội) đã cung cấp cho Khang nhiều tài khoản ngân hàng, trong đó có tài khoản ngân hàng số 19033968987xxx, chủ tài khoản tên Đàm Đình Công Anh. Khi đã có tài khoản trên, các đối tượng vào nhóm Facebook có tên “Tricker Việt Nam” để mua một tài khoản. Sau đó các đối tượng này đổi tên tài khoản Facebook thành “Đàm Đình Công Anh” (cho giống với tên tài khoản ngân hàng) và đăng bài lên trên nhóm Facebook có tên “VSSG Market Places” với nội dung: “T4 đáp Sài Gòn” kèm theo ảnh 2 mẫu giày để lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Ngày 3/4/2020, thông qua mạng xã hội Facebook, Khang nhắn tin cho chị Nguyễn Hồng để hỏi mượn các tài khoản ngân hàng, nhờ nhận và chuyển tiền hộ. Thực chất là nhận tiền của Khang và Thành lừa đảo được rồi chuyển cho Khang qua các tài khoản ngân hàng khác nhau để tránh sự phát hiện của cơ quan công an. Ngày 11/4/2020, đối tượng Thành sử dụng tài khoản Facebook có tên “Đàm Đình Công Anh” nêu trên nhắn tin với anh Trần Trung (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội). Đối tượng thỏa thuận nếu Trung mua 2 đôi giày đang được rao bán sẽ phải trả trước 12,2 triệu đồng và sẽ được nhận giày vào ngày 15/4/2020. Do tin tưởng tài khoản Facebook “Đàm Đình Công Anh” trùng với tên tài khoản ngân hàng số 19033968987xxx nên anh Trung đã chuyển 12,2 triệu đồng cho đối tượng Khang và Thành.Sau khi biết bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, anh Trung đã làm đơn gửi đến cơ quan công an trình báo. Ngày 25/12/2020, Công an quận Ba Đình, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 2 đối tượng Thành và Khang về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trường hợp trên chỉ là một trong số rất nhiều vụ lừa đảo liên quan đến việc mua bán hàng qua mạng mà cơ quan công an đã triệt phá. Có thể thấy, việc mua bán trên mạng nhiều khi diễn ra quá đơn giản. Người mua chỉ cần xem thông tin giới thiệu sản phẩm rồi xác nhận trên Facebook là giao dịch có thể được tiến hành. Nhiều mặt hàng hiện nay có quá nhiều kiểu làm giả, vì thế, có rất nhiều loại giá. Những người bán hàng trên mạng đôi lúc bị đối thủ cạnh tranh sử dụng các chiêu trò để “dìm giá”. Khi bước vào cuộc cạnh tranh ấy, các thủ đoạn lôi kéo khách hàng từ hình thức làm từ thiện, cho đến giả xuất xứ “hàng xách tay”, “tiếp viên hàng không mang về”, “hàng nhập độc quyền”... được khai thác. Hậu quả cuối cùng là người mua hàng mất tiền oan nhưng chất lượng hàng rất kém.

Những trang Facebook bán hàng có uy tín luôn bị kẻ xấu rình rập. Đối tượng lừa đảo theo dõi thông tin khách hàng của trang ấy qua những bình luận (comment), những tương tác cảm xúc (như like) dưới các status giới thiệu sản phẩm để cố gắng kết bạn và liên lạc qua messenger. Nội dung liên lạc rỉ tai của họ là mời chào mua sản phẩm ấy với giá rẻ hơn. Nhiều khách hàng cũng bị những lời đường mật của kẻ lừa đảo và không tìm hiểu kỹ nên phải mua hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng chất lượng kém. Kẻ lừa đảo có khi là người bán hàng kém chất lượng, chúng tung ra các chiêu trò trên Facebook như tạo giải thưởng cho ai copy nguyên văn bài PR về sản phẩm trên trang của họ về tường nhà và đạt số “like” nhất định, thường rất thấp. Nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn nữ đã làm theo. Kẻ lừa đảo cho “người nhà”, “chân gỗ” vào bấm like và… đặt hàng. Những “chân gỗ” của kẻ lừa đảo đặt hàng với số lượng lớn dưới hình thức comment trong các “tút” của những nạn nhân. Và ngay sau đó, kẻ lừa đảo liên hệ đề xuất các nạn nhân nên mua hàng để giao và hưởng hoa hồng. Các nạn nhân sau khi ứng tiền để lấy hàng về thì kẻ đặt hàng cũng không còn tồn tại nữa, các số điện thoại liên lạc và địa chỉ đều là… fake.

Một thủ đoạn khác mà các đối tượng xấu gần đây thường sử dụng là tạo các fanpage giả. Nói đúng hơn, các đối tượng lập các fanpage nhái gần y hệt các trang bán hàng online có uy tín, có nhiều khách hàng. Thông thường, các đối tượng chọn các trang bán hàng sang trọng, đắt tiền để làm giả. Đối tượng cũng bỏ công để đọc và tìm hiểu nhu cầu, tâm lý khách hàng; tìm cách kết bạn với càng nhiều người càng tốt. Thủ đoạn kiếm tiền của các đối tượng này là “dụ” người mua tham gia các chương trình khuyến mãi “khủng” và yêu cầu họ chuyển khoản đặt cọc trước. Sau khi thu được số tiền khách hàng “đặt cọc”, kẻ lừa đảo xóa fanpage giả và tất cả dấu vết liên quan.

Lừa đảo bằng hình thức mua bán hàng trên mạng: Ngày càng diễn biến phức tạp
Nhận được đơn giao tai nghe Airpods nhưng đưa đến khách thì chỉ là 3 cục pin.

Kẻ xấu còn đóng giả người bán để lừa shipper (những người làm dịch vụ trung gian vận chuyển hàng hóa từ người bán đến người mua). Thu nhập từ hoạt động vận chuyển không đáng bao nhiêu (khoảng 10-30 ngàn đồng/đơn hàng) nhưng nếu bị lừa họ có thể mất một số tiền rất lớn.

Những ngày vừa qua, hình ảnh người đàn ông mặc đồng phục của một hãng xe công nghệ ngồi khóc được nhiều dân mạng chia sẻ và bày tỏ cảm thông. Theo đó, sự việc này xảy ra tại quận Hà Đông (Hà Nội) khi anh shipper nhận “ship COD” – dịch vụ giao hàng thu tiền hộ, một tai nghe không dây Airpods trị giá khoảng 1,5 triệu đồng. Đến điểm giao hàng cho khách thì mới phát hiện bên trong hộp không có tai nghe, chỉ là 3 cục pin. Khách không chịu thanh toán tiền, còn bên bán khi gọi lại thì luôn trong tình trạng “báo bận” dù có đổ chuông. Biết mình đã bị lừa, nam shipper ngồi sụp xuống bật khóc. Người dân xung quanh không khỏi xót xa khi chứng kiến sự việc.

Nam shipper này cho biết: “Số tiền ứng trước đó là tôi vay của bạn nên khi biết bị lừa tôi rất buồn. Mấy hôm đó trời thì rét, người ta chăn ấm đệm êm trong nhà, bản thân thì cứ 5h - 5h30 sáng đã lếch thếch ra đường kiếm cuốc xe. Nhiều lúc tôi nghĩ hụt hẫng vì số tiền mất không quá lớn nhưng đó là mồ hôi nước mắt, là sự cố gắng của mình mà người ta nỡ lòng chiếm đoạt. Tôi phải chạy xe 5 - 6 ngày mới đủ bù lại số tiền đã bị lừa đó”.

Các hình thức kinh doanh online ngày càng nở rộ bởi sự tiện lợi và cũng kéo theo những kiểu lừa đảo mới. Do vậy, người mua hãy là người tiêu dùng thông thái, cần tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua và chọn địa chỉ bán hàng uy tín để tránh “tiền mất tật mang”. Những người giao hàng cũng cần phải cẩn thận hơn khi nhận đơn hàng ship COD để tránh bị một số kẻ xấu lợi dụng lừa đảo. /.

H.Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này