Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương:

Nhiều giải pháp đột phá, cách làm hay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Thủ đô

17:26 | 28/12/2020
(LĐTĐ) Năm 2020 là một năm rất vất vả, không chỉ đối với toàn thành phố Hà Nội nói riêng mà cả nước nói chung. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã nỗ lực với nhiều giải pháp đột phá để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.
Hà Nội nỗ lực để trở thành điểm đến với môi trường đầu tư thuận lợi nhất GRDP năm 2020 của Hà Nội cao gấp 1,5 lần so với cả nước Khai mạc Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

Sự vào cuộc, nỗ lực của sở, ban, ngành

Trao đổi bên lề Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được khai mạc sáng nay (28/12), tại điểm cầu Hà Nội, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, năm 2020 là năm hết sức đặc biệt và khó khăn của Thủ đô và đất nước, cũng như trên thế giới bởi ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, triển khai các giải pháp của Chính phủ, sự vào cuộc, sự phối hợp tốt của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, kết quả thu ngân sách bước vào quý III của Thành phố đã khởi sắc, nhất là sau hội nghị mà đồng chí Bí thư Thành ủy làm việc với các sở, ngành và 30 quận huyện, thị xã về tình hình thu ngân sách.

Nhiều giải pháp đột phá, cách làm hay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Thủ đô
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn bên lề Hội nghị.

Trong đó, nổi lên sự phối hợp của các quận, huyện, ngành vào sự tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, thi đua tích cực giữa các quận, huyện để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Cuối tháng 11/2020, đã có 14 quận, thị xã, và đến nay có gần 30 quận huyện hoàn thành dự toán thu ngân sách, riêng tổng thu ngân sách địa bàn Thủ đô đạt hơn 280,5 nghìn tỷ, tăng 3,98% so với năm 2019.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cũng cho biết, kết quả thu ngân sách không thể không kể đến sự đóng góp của các cơ quan chức năng về thuế, trong đó công tác quản lý nợ, đôn đốc thu hồi nợ...

Đặc biệt trong công tác quản lý nợ đã tiếp tục tham mưu với thành phố để duy trì Ban Chỉ đạo Công tác thu hồi nợ của Thành phố và các quận, huyện. Trong nội dung tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tích cực đôn đốc và thực hiện các biện pháp mạnh đối với doanh nghiệp trì trệ, đặc biệt đối với doanh nghiệp dự án, bán hàng thu tiền.

Các giải pháp là phối hợp các sở ban ngành, các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí công khai các doanh nghiệp chây ỳ, có dòng tiền mà nợ đọng thuế. Thực hiện đúng tinh thần của Luật, của Chính phủ, không chồng chéo. Thực hiện đúng các tiêu chí rủi ro trong thanh tra kiểm tra những đơn vị có những dư địa, có dấu hiệu gian lận, vi phạm, thực hiện công tác thanh kiểm tra tại trụ sở.

"Song song với đó là kiểm tra tại cơ quan thuế, khi phát hiện những vấn đề chưa thực sự đúng thì chúng tôi thông báo cho các doanh nghiệp điều chỉnh thanh toán của mình. Qua đó, góp phần tích cực cải tạo môi trường bình đẳng, góp phần vào kết quả thu nợ thuế của Thành phố và Nhà nước" - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho hay.

Trao đổi về dự toán năm 2021, theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn, Cục thuế Hà Nội đã tham mưu, Hội đồng nhân dân giao cho các quận, huyện, thị xã thông qua hệ thống văn bản thực hiện dự toán năm 2021 trên cơ sở rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ việc kiểm đếm. Năm 2021 có sự khó khăn kéo dài của năm 2020, vì vậy, Cục Thuế Hà Nội sẽ triển khai cùng với các quận, huyện sát với nguồn thu, tiếp tục tháo gỡ cho các doanh nghiệp khó khăn, hỗ trợ chính sách với các doanh nghiệp có xu hướng phát triển như thương mại điện tử để doanh nghiệp hiểu trách nhiệm của mình với nghĩa vụ nộp thuế và cũng là để mở rộng doanh nghiệp.

Tương tự ngành Thuế Hà Nội, ngành Công Thương Thủ đô cũng tập trung triển khai và đưa ra những giải pháp mang tính chất đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cho Thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu.

Nhiều giải pháp đột phá, cách làm hay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Thủ đô
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho hay, ngành Công Thương là đơn vị đầu tiên tham mưu cho Thành phố kế hoạch kích cầu, triển khai nhiều chương trình kết nối cung cầu và chương trình khuyến mại tập trung nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia, đẩy mạnh sản xuất và giảm lượng tồn cho cho doanh nghiệp, cân đối cung cầu trên địa bàn Thành phố khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp xảy ra và sức mua tăng cao.

Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã hỗ trợ nhiều tỉnh, thành phố để tiêu thụ sản phẩm có nguồn cung dư thừa cao khi hoạt động xuất nhập khẩu bị hạn chế. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng quan tâm tăng trưởng, thúc đẩy thương mại điện tử để phù hợp với tình hình mua sắm của người dân trong dịch; thúc đẩy không dùng tiền mặt, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghiệp, tham mưu cho Thành phố thành lập 25 cụm công nghiệp trên địa bàn, đưa tổng số cụm công nghiệp thành lập lên 43 cụm…

Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cải cách hành chính, đề xuất giảm thu phí, lệ phí từ 30-50% cho các doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ thủ tục hành chính trong thời điểm cách ly xã hội để tạo điều kiện tối đa nhất cho doanh nghiệp, cùng đồng hành với chính quyền các cấp thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở trên địa bàn. Theo đó, kết quả các chỉ tiêu phát triển công nghiệp tăng 40%, tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 77%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 2,7% đều tăng cao so với bình quân chung cả nước và đặc biệt đã kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng dưới 3,0%.

Đó là những cố gắng của ngành công thương cùng các doanh nghiệp các cáp các ngành vào cuộc để thúc đẩy kinh tế và góp phần tăng tổng mức GRDP của thành phố lên mức 3,98% cao gần 1,5 lần so với cả nước.

Các quận, huyện chung tay hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước

Ngoài các sở, ban, ngành, năm 2020 cũng là một năm rất vất vả đối với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Nhiều giải pháp đột phá, cách làm hay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Thủ đô
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh vui mừng thông báo, quận Cầu Giấy đã hoàn thành được 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh vui mừng thông báo, quận Cầu Giấy đã hoàn thành được 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quận Cầu Giấy đã thực hiện nghiêm mọi chỉ đạo của Thành phố về huy động sức dân để cùng với nhà nước hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, những người lao động mất việc làm… với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng và 270 tấn gạo. "Về định hướng trong năm tới, quận Cầu Giấy chuẩn bị tất cả các dự án đầu tư ngay từ đầu năm cũng như tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp" - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho hay.

Còn tại quận Hoàn Kiếm, theo Chủ tịch Ủy ban nhân quận Phạm Tuấn Long, hệ thống chính trị quận và nhân dân đã cùng chung tay thực sự nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Thành phố giao. Cần nhấn mạnh rằng, trong cơ cấu kinh tế - xã hội của quận Hoàn Kiếm thì tỷ trọng thương mại, dịch vụ đã chiếm 98,5%. Bởi vậy, khi dịch Covid-19 xảy ra, quận Hoàn Kiếm là một trong những quận bị ảnh hưởng rất nặng nề nhất.

"Trong thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn quận giảm mạnh. Điều đó dẫn đến việc nhiều khả năng quận Hoàn Kiếm không hoàn thành được các chỉ tiêu Thành phố giao, nhất là chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn. Tính đến tháng 7/2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận mới đạt xấp xỉ 40%, trong đó tỷ trọng về du lịch giảm đến 80% tại thời điểm đó; trong khi chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020 mà Thành phố giao là hơn 10 nghìn tỷ đồng, là một số thu rất lớn đối với quận Hoàn Kiếm" - Chủ tịch Ủy ban nhân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ.

Nhiều giải pháp đột phá, cách làm hay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Thủ đô
Chủ tịch Ủy ban nhân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị.

Trước tình hình như vậy, ngay sau Hội nghị Giao ban công tác quý III/2020 do Thường trực Thành ủy chủ trì, quận Hoàn Kiếm đã tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể, rà soát nguồn thu, triển khai các nhiệm vụ thu để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Thành phố giao.

Với việc triển khai các giải pháp nhiệm vụ cụ thể, đến nay, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của quận Hoàn Kiếm đều hoàn thành và có những chỉ tiêu đạt và vượt so với Thành phố giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận ước đạt 10.212,1 tỷ đồng, bằng 102% dự toán Thành phố giao, tăng 4% so với cùng kỳ. Chi giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020 ước đạt 512,1 tỷ đồng, bằng 99,9% dự toán năm…

Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm cũng đã tập trung làm tốt nhiệm vụ kép, tập trung các giải pháp rà soát nguồn thu và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế.

Đến nay đã có 5.200 doanh nghiệp trên địa bàn nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 100%; tiếp tục triển khai nộp thuế điện tử đến 11.200 hộ kinh doanh cá thể. Ngoài ra, có rất nhiều dịch vụ thu phí công ích khác được triển khai bằng hóa đơn điện tử như thu tiền điện, tiền nước, tiền Internet…

Để đạt được mục tiêu của năm 2021, quận Hoàn Kiếm sẽ đẩy mạnh công tác thu ngân sách nhà nước quận; thực hiện tốt công tác quản lý nguồn thu, triển khai các giải pháp chống thất thu thuế, chú trọng công tác nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách Thành phố giao. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch quận. Tổ chức triển khai thí điểm phát triển kinh tế ban đêm...

Phương Bùi - Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này