Phải siết chặt đầu vào và đầu ra

13:44 | 24/12/2020
(LĐTĐ) Lo sợ thực phẩm công nghiệp có chứa hóa chất nguy hại, hiện nay, nhiều người dân đã chuyển sang chọn thực phẩm được quảng cáo là nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi... để sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế các loại sản phẩm này lại chưa được một cơ quan nào kiểm định về chất lượng.
Chấm điểm công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Ba Vì Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng nông sản thực phẩm Cơ hội nào cho Việt Nam từ thị trường thực phẩm Halal?
Phải siết chặt đầu vào và đầu ra
Ảnh minh họa

Hiện nay, thực phẩm handmade được quảng bá khá hiệu quả từ lời giới thiệu của những người quen biết với nhau cho đến các trang mạng xã hội. Các loại thực phẩm này thường có giá cao hơn so với giá thị trường từ vài chục cho đến vài trăm nghìn, nhưng vẫn được khách hàng yêu thích do có tâm lý nguồn thực phẩm họ mua được đảm bảo chất lượng.

Lợi dụng việc này, nhiều người lấy hàng của một số nơi rồi báo là của nhà làm để đánh lừa người mua. Đáng nói, nếu sản phẩm mua ở những người thật sự thân quen thì họa may, chất lương còn được đảm bảo. Bởi, hầu hết hàng hanmade trên thị trường hiện đang được rao bán rất tràn lan ăn theo nhau.

Thực tế, vì nhiều nguyên nhân, các sản phẩm đang được rao là hàng nhà làm khó có thể đảm bảo đầy đủ các thông tin về an toàn (nguồn gốc, xuất xứ, nơi làm, ngày sản xuất và hạn sử dụng). Thực phẩm chế biến và bán số lượng lớn có thể khó bảo đảm dinh dưỡng, không bị ô nhiễm từ các tác nhân sinh hóa, điều kiện chế biến cũng khó bảo đảm vệ sinh. Điều này đồng nghĩa với việc các loại thực phẩm này tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Chưa kể, an toàn thực phẩm tính từ khâu chọn mua nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến giao hàng phải được thực hiện một cách bài bản, đúng khoa học, nhất là khi sản xuất với số lượng lớn. Điều này không phải ai bán thực phẩm nhà làm cũng có thể làm được. Bên cạnh đó, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, phụ gia, phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát; bao bì sử dụng có thể được mua trôi nổi trên thị trường là loại giấy, nhựa tái chế, không rõ xuất xứ... chưa qua thẩm định, quản lý, cấp phép sử dụng.

Có một thực tế là, các cơ sở chế biến thực phẩm bán online đều có quy mô nhỏ lẻ, không đủ trang thiết bị để bảo quản, chưa kể đến sự hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào. Phần lớn người dân bán thực phẩm trên mạng thường không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Không ít người mua thực phẩm online còn cả tin và dễ dãi trước những lời quảng cáo. Gọi là nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi nhưng cụ thể nhà ấy ở địa chỉ nào nhiều khi không ghi trên bao bì sản phẩm, người bán từ đâu cũng ẩn trên mạng không rõ (hoặc không có) địa chỉ cửa hàng.

Việc nhiều trang mạng xã hội, Facebook cá nhân tự giới thiệu, quảng cáo các loại thực phẩm nhà làm rất khó kiểm soát, nếu không muốn nói là “vàng thau lẫn lộn”; sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thì ít, sản phẩm kém chất lượng thì nhiều. Người tiêu dùng không thể biết những thực phẩm “nhà làm” có thật sự là do nhà làm hay không, nguồn nguyên liệu lấy từ đâu, quy trình chế biến, cách bảo quản, thời hạn sử dụng ra sao… Đáng lo ngại hơn, hầu như không ai quản lý và khi xảy ra chuyện cũng không thể khiếu kiện.

Về phía người tiêu dùng, không ít khách hàng quá dễ tính, hễ thấy thực phẩm được giới thiệu, quảng cáo “đặc sản, ngon, bổ, rẻ” là đặt mua mà không quan tâm cách chế biến, bảo quản và sự an toàn của thực phẩm. Theo quy định, thực phẩm nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi nhưng khi đã mang đi bán cho nhiều người thì buộc phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Người chế biến và người bán phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Tuy nhiên điều này hiện vẫn là khoảng trống trong khi thị phần hàng handmade đang ngày càng rộng hơn.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có công cụ kiểm tra, quản lý và siết chặt hoạt động kinh doanh, mua bán thực phẩm được giới thiệu “nhà làm” trên các trang mạng xã hội để bảo vệ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng. Xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, mua bán, kinh doanh các loại thực phẩm handmade không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, gây hại sức khỏe người tiêu dùng./.

Mộc Thanh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này