Ngành Tư pháp phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật

21:59 | 23/12/2020
(LĐTĐ) Ngày 23/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 theo hình thức truyền hình trực tuyến tại 64 điểm cầu trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thể chế pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước. Trong 5 năm qua, hệ thống pháp luật của nước ta tiếp tục được hoàn thiện, phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực.

Nhờ đó, kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái do tác động của dịch Covid-19, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, có thể đạt xấp xỉ 3% trong năm nay. Các định chế tài chính lớn của quốc tế đều cho rằng Việt Nam tăng trưởng đứng đầu thế giới. Xuất khẩu đạt mức kỷ lục, xuất siêu có thể đạt trên 20 tỷ USD.

Cho biết về thành công trong phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng dẫn lại báo cáo về thương hiệu quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) mà Brand Finance, hãng định giá thương hiệu của Anh mới công bố, cho thấy, nhờ phòng chống Covid-19 tốt, giá trị thương hiệu của Việt Nam tăng lên 319 tỷ USD năm nay, tăng 29% so với năm ngoái. Thứ hạng cũng cải thiện từ 42 lên 33.

Ngành Tư pháp phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật
Thủ tướng dự Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021

“Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017, tôi đã nhấn mạnh: Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ chỉ đạo, điều hành theo hướng chuyến mạnh từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ, đề cao vai trò, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác thể chế. Điều này yêu cầu bộ, ngành Tư pháp cần thể hiện rõ nét hơn nữa vai trò tham mưu cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; cần cố gắng để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp... Và phải làm thế nào để Bộ, ngành Tư pháp mạnh hơn”, Thủ tướng nhắc lại.

Theo Thủ tướng, đến nay, Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò là “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ trong những năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Năng lực xây dựng và thực thi pháp luật chưa cao; việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với một số dự án chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Còn tình trạng vi phạm trong công tác thi hành án dân sự; số việc thi hành án năm trước chuyển sang năm sau vẫn còn nhiều.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn tới ngày càng quan trọng, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật.

Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, chú ý đến các yếu tố pháp lý trong quá trình quyết định chỉ đạo, điều hành.

P.V

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này