Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

16:45 | 24/12/2020
(LĐTĐ) Khởi nghiệp không còn là khái niệm mới mẻ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Khởi nghiệp không chỉ tạo ra những giá trị cho nền kinh tế mà còn có hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề xã hội. Hiện nay, phong trào khởi nghiệp sáng tạo (start-up) đã khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, tinh thần “người trong cuộc” của rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên, đặc biệt từ học sinh phổ thông, để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước.
Giáo dục khởi nghiệp ngay từ phổ thông Thắp sáng tinh thần khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên quận Nam Từ Liêm

Tạo nền tảng tư duy, phương pháp

Thông tin tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đại học Thủy lợi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Năm 2017, Thủ thướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai đề án quan trọng này.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên
Các không gian trưng bày dự án, ý tưởng khởi nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020. (Ảnh: P.T)

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” cũng xác định mục tiêu là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Việc học của học sinh, sinh viên theo đó sẽ “đi đôi với hành”, gắn chặt chẽ lý luận với thực tiễn...

Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp sáng tạolà một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực để triển khai hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Trung ương. Thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đã giao, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ ngành trung ương và địa phương tích cực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nền tảng căn bản cho các em về tư duy, phương pháp một cách toàn diện. Đây là một yếu tố mang tính căn bản, bởi muốn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì đầu tiên tư duy, phương pháp của các em phải đổi mới. Ngành Giáo dục xác định đây là trách nhiệm, là sứ mệnh của Ngành và của các cán bộ, giáo viên” - Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là kết quả của một tiến trình đổi mới giáo dục đào tạo từ phổ thông đến cao đẳng đại học, chứ không chỉ đơn thuần là tên gọi của một đề án hay một phong trào. Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên với trọng tâm là cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-Startup) nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học; giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Tham dự cuộc thi, các học sinh, sinh viên được thể hiện ý tưởng, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực. Đây đồng thời là môi trường quan trọng để kết nối “3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp. Với nhà nước, sản phẩm của giáo dục và đào tạo chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Với doanh nghiệp, đây là một sân chơi bổ ích để tìm kiếm ý tưởng/dự án mới để có thể đầu tư và mang lại lợi nhuận cho mình cũng như lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Sau 3 năm triển khai, cuộc thi đã thu hút ngày càng đông học sinh, sinh viên tham gia với các dự án chất lượng ở đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Năm 2018, có hơn 200 ý tưởng/dự án tham dự; năm 2019 con số này tăng lên gần 400 nhưng đến năm 2020, sau gần 5 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 600 ý tưởng/dự án của các bạn trẻ tham dự.

Khi xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh, các học sinh, sinh viên thường quan tâm đến nguồn lực tài chính, nguồn vốn ban đầu để triển khai. Vấn đề này đã và đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan xây dựng các chính sách và hướng dẫn hỗ trợ người học. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, điều các bạn trẻ cần quan tâm nhất là chăm chút cho nguồn lực lớn nhất của mình - các ý tưởng sáng tạo.

“Nguồn lực lớn nhất của các bạn khi tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là ý tưởng mới, là chất xám, là cái riêng có, cái độc quyền, là lợi thế to lớn nhất của các bạn. Cái các bạn cần chính là “cơ hội” để biến ước mơ thành hiện thực. Vì vậy, việc tích cực, chủ động tìm hiểu thông tin, nhất là tham gia cuộc thi Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sẽ mang lại nhiều cơ hội để các bạn cọ sát với những người cùng đam mê, với các doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu. Một khi ý tưởng của các bạn lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư, khi đó cơ hội thành công của các bạn lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ tập trung vào tìm nguồn vốn” - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhắn nhủ.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước từ hoạt động khởi nghiệp

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, từ những ngày đầu xuất hiện ở Việt Nam, đến nay,phong trào khởi nghiệp sáng tạo (start-up) đã được truyền cảm hứng, tiếp sức mạnh, tạo điều kiện và huy động được rất nhiều bạn trẻ tham gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã có một bước tiến rất dài, đặc biệt trong mấy năm gần đây. Chúng ta đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong các trường đại học học đã có hơn 70 không gian làm việc chung dành cho start-up, trên 3.000 doanh nghiệp start-up thành công. Điều quan trọng nhất, rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên, đặc biệt từ học sinh phổ thông, đã được khơi dậy khát vọng khởi nghiệp để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, yêu cầu mới đòi hỏi đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn. Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển như hiện nay, có rất nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới, cách tiếp cận thị trường mới và nếu thành công thì sẽ có sức phát triển mạnh mẽ. Những cộng đồng nào khơi dậy được sự sáng tạo thì sẽ có cơ hội thành công nhiều hơn.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để đạt mục tiêu này, ngoài việc tập trung đầu tư cải thiện môi trường kinh doanh thì phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác giáo dục và đào tạo. Tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp phải được đưa vào giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức nền tảng về khởi nghiệp; khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên một cách mạnh mẽ.

Khẳng định tầm quan trọng của tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ tới học sinh, sinh viên: "Đừng quá chú trọng vào việc học thuộc để lấy điểm cao, mà hãy tăng cường học hỏi qua giao tiếp, qua các phong trào như khởi nghiệp, sáng tạo"./.

P. Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này