Giáo dục mầm non: Khó cải thiện nếu chỉ hô hào!

10:29 | 23/09/2014
LĐTĐ -Phát triển nhanh nhưng mất cân đối giữa các loại hình trường công – trường tư, giữa các vùng miền cũng như chất lượng giáo dục chưa đảm bảo yêu cầu khi tình trạng mất an toàn cho trẻ vẫn diễn ra và sự quan tâm đầu tư cho bậc mầm non của các cấp quản lý chưa đúng mức… là hàng loạt bất cập trong công tác giáo dục mầm non đang cần tháo gỡ

Mở rộng nhưng mất cân đối

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, kết quả giám sát cho thấy, mạng lưới trường, lớp mầm non được củng cố, mở rộng, phát triển nhanh trong những năm gần đây song lại mất cân đối giữa trường công và tư, giữa đồng bằng và miền núi. Cụ thể, năm học 2013-2014, cả nước đã có trên 14.000 trường mầm non, tăng gần 400 trường so với năm học trước đó. Thế nhưng, trong khi số trường công lập chiếm 87,8% tổng số trường (với 12.400 trường) thì số trường dân lập và tư thục chỉ có trên 1.700 trường, chiếm 12,2%.

Đáng chú ý, việc trường công phát triển hơn trường tư là do việc xã hội hóa trong giáo dục mầm non chưa tốt. Việc chuyển đổi gần 4.700 trường mầm non bán công từ năm 2005 hầu hết chuyển sang trường công chứ không sang loại hình tư thục do không tìm được nhà đầu tư. Ngoài ra, việc phát triển hệ thống trường, lớp giáo dục mầm non ở các vùng- miền cũng không cân đối. Đến nay, cả nước vẫn còn 286 xã (chiếm 2,6%) chưa có trường mầm non mà chỉ có từ 1 đến 2 lớp mẫu giáo, còn trên 22.000 lớp mẫu giáo (chiếm 16,3% tổng số lớp) phải ghép 2 hoặc 3 độ tuổi.

Cơ cấu các bậc học của mầm non cũng có sự chênh lệch khi mạng lưới cơ sở phục vụ cho việc chăm sóc và giáo dục nhóm trẻ nhà trẻ (từ 3 tháng đến 3 tuổi) chưa được coi trọng. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy chỉ có 21,2% trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ (kể cả nhóm trẻ tư thục) - một tỉ lệ quá thấp. Điều này dẫn đến tình trạng người dân phải gửi trẻ trong các nhóm trẻ gia đình chưa đủ điều kiện, làm ảnh hưởng đến sự an toàn và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

“Đến tháng 7-2014, cả nước có hơn 410.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non. Theo số nhóm, lớp hiện nay và theo quy định về tỉ lệ giáo viên/lớp, cả nước vẫn thiếu gần 8.000 giáo viên nhà trẻ và gần 19.000 giáo viên mầm non. Với số lượng giáo viên này thì việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bảo đảm số giờ đứng lớp của giáo viên là rất khó khăn”.

Cũng theo kết quả giám sát, tỷ lệ phòng học kiên cố của giáo dục mầm non chỉ đạt trên 60%, còn gần 40% là bán kiên cố và phòng học tạm bợ, nhờ, mượn, nhiều nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa.Trong khi đó, ở các thành phố lớn lại thiếu đất đai, phòng học và khuôn viên chật hẹp, nhiều phòng học được đặt trên các nhà cao tầng, không an toàn cho trẻ. Có đến 33,3% nhóm, lớp chưa đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định. Đặc biệt, hầu hết các nhà trẻ và trường mầm non đều không đủ các điều kiện để thực hiện việc chăm sóc cho trẻ dưới 15 tháng tuổi.

Về nhân lực, dù số lượng giáo viên, cán bộ quản lý đã tăng hơn 2 lần so với trước nhưng hiện giáo dục mầm non cả nước vẫn còn thiếu gần 8.000 giáo viên nhà trẻ và gần 19.000 giáo viên mẫu giáo. Số lượng giáo viên ít cộng với cơ sở vật chất thiếu đã đẩy sĩ số lớp học nhiều nơi vượt quá mức so với chuẩn quy định, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo…

Ngoài ra, công tác quản lý trong giáo dục mầm non cũng là một bài toán nan giải Báo cáo chỉ ra, nhất là với cơ sở ngoài công lập, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Kết quả giám sát cho thấy, hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, lực lượng thanh tra còn mỏng, phương thức thanh tra chưa đổi mới.

Chưa được quan tâm đúng mức

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội nghị tham vấn chuyên gia về thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non vừa tổ chức mới đây. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, báo cáo kiểm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội không cho biết tỉ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường, lớp đạt tỉ lệ bao nhiêu, tăng bao nhiêu? Điều này cho thấy gánh nặng nuôi dạy trẻ của các gia đình chủ yếu do người già và người giúp việc không qua đào tạo đảm nhận. Nhiều cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là các nhóm trẻ gia đình, không được cấp giấy phép, ngành giáo dục không quản lý được.

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng chi cho giáo dục mầm non chiếm 11,2% tổng chi sự nghiệp của giáo dục địa phương, tỉ lệ chi lương/chi hoạt động đạt bình quân khoảng 83%/17%, định mức chi thường xuyên cho trẻ mầm non ước đạt bình quân 5,5 triệu/trẻ/năm. “Mức chi này không hề tương xứng với vị trí và nhu cầu của giáo dục mầm non, đặc biệt đó chỉ là các khoản chi cho cơ sở giáo dục mầm non công lập và chủ yếu là chi lương cho cán bộ, giáo viên. Tất cả những điều trên cho thấy giáo dục mầm non chưa được sự quan tâm đúng mức của nhà nước và xã hội” - GS Thuyết nhận định.
Bà Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng muốn nâng cao chất lượng giáo dục ở khối mầm non thì việc giải quyết đời sống giáo viên và đổi mới phương pháp giáo dục cần phải được tập trung giải quyết (kể cả trường công cũng như tư).

Còn theo Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, để giải quyết hàng loạt bất cập trên, cần sớm xây dựng chương trình và kế hoạch cụ thể để phát triển giáo dục mầm non một cách toàn diện, vững chắc đồng thời đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường các nguồn đầu tư để phát triển cân đối mạng lưới trường lớp, có chính sách thiết thực để phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của bậc học này. Nếu chỉ hô hào, yêu cầu chung chung thì chắc chắn tình trạng giáo dục mầm non khó mà có thể cải thiện trong thời gian tới.

Hữu Thành
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này