Cuối năm hàng giả lại “lộng hành”

20:35 | 22/12/2020
(LĐTĐ) Cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu mở rộng hoạt động. Để ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý thị trường đã và đang đẩy mạnh phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp.
Nhiều giải pháp ngăn chặn, vẫn còn lỗ hổng Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử

Diễn biến phức tạp

Ngày 17/12, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, đã phối hợp với thành viên Tổ công tác 368, Tổng cục Quản lý thị trường, tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 102 ngõ 259 phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội, do ông V.V.Đ làm chủ.

Cuối năm hàng giả lại “lộng hành”
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa dịp cuối năm.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện và bắt quả tang tại cơ sở đang có 4.670 điếu thuốc lá điện tử các loại; 10.125 quả bóng cao su (dùng để đựng khí N2O); 19 bình có khí N2O và 24 vỏ bình không có khí N2O. Toàn bộ số hàng hóa trên cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Trước đó, ngày 3/11, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm) đã phát hiện cơ sở này sản xuất quần, áo giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci với số lượng lên đến 124.101 chiếc quần, áo thành phẩm…

Dù lực lượng quản lý thị trường liên tục kiểm tra, bắt giữ nhưng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Để trốn tránh lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa ở tỉnh ven Hà Nội, xé lẻ đưa vào thành phố theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng thường trà trộn hàng lậu với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ. Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại thành phố Hà Nội, trong tháng 11/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 3.273 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách trên 340 tỷ đồng. Trong đó, 271 vụ buôn bán hàng cấm, hàng lậu; 93 vụ kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và 2.908 vụ gian lận thương mại.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-QLTTHN về triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2020 và đạt được những kết quả rất tích cực. Từ nay đến Tết Tân Sửu 2021, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường; lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu lớn, nhất là hình thức bán hàng trên Facebook dưới hình thức livestream.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng sẽ tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm tại các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), chợ Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì...

Tăng cường quản lý giám sát

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-TCQLTT về cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước và sau Tết Nguyên đán 2021.

Theo đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn như: Hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật... không rõ nguồn gốc, nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc y học cổ truyền... cố gắng giảm thiểu không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân; kiểm tra kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản.

Đặc biệt, phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố; kết hợp kiểm tra các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), công bố chất lượng hàng hóa và bán theo giá niêm yết. Xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Kiểm tra các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến...

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường; lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu lớn. Xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm tại những địa bàn trọng điểm. Bên cạnh đó, để ngăn chặn triệt để hàng lậu, đòi hỏi các hộ kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật; phát hiện, tố giác các đối tượng, cơ sở buôn lậu, để lực lượng chức năng đẩy mạnh “triệt xóa” ổ nhóm hàng lậu, hàng giả, nhất là thời điểm cuối năm.

Đồng thời, tập trung kiểm tra, kiểm soát địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm. Cụ thể, tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, tuyến trọng điểm gần các cửa khẩu, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới; chợ đầu mối, trung tâm thương mại; tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không. Xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phân công rõ trách nhiệm quản lý cho từng địa bàn; bảo đảm liên thông trong khâu phối hợp thực hiện. Tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm tập trung triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu quốc tế đang tồn tại trên địa bàn.

Cùng với đó là công tác tăng cường quản lý giám sát, thực hiện hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường theo quy định tại Thông tư số 18/2019/TT-BCT ngày 30/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương: Kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân công chức tha hóa, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật; Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, cơ quan liên quan chủ động phối hợp với các lực lượng trên địa bàn trong công tác trao đổi thông tin, nắm tình hình để thẩm tra, xác minh, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm và các nội dung cụ thể. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các kế hoạch cụ thể của đơn vị mình cho phù hợp với từng địa bàn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đạt hiệu quả cao nhất…/.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này