Để những dòng sông được hồi sinh!

14:24 | 17/12/2020
(LĐTĐ) Tình trạng nước thải không qua xử lý được xả thẳng ra môi trường đang khiến các kênh mương, sông ngòi phải gánh chịu, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Trước thực trạng này, Hà Nội đã đề ra nhiều kế hoạch để giải quyết và việc xây dựng các trạm thu gom nước thải về các nhà máy xử lý bước đầu đáp ứng yêu cầu này.
Xử lý nước thải tại làng nghề: Vẫn còn nhiều bất cập Ô nhiễm làng nghề: Để lâu khó xử lý Phải giải được “bài toán” ô nhiễm nguồn nước!

Từ chuyện nước thải “đầu độc” các dòng sông…

Từ sử sách xưa còn lưu lại, dòng sông Tô Lịch là linh hồn của kinh thành Thăng Long. Dòng sông không chỉ nuôi sống người dân, là nơi giao thương buôn bán mà còn mang sinh khí thiêng liêng, là tấm chắn thiên nhiên quan trọng bảo vệ kinh thành Thăng Long. Từ một con sông khá rộng, có làn nước trong xanh, thuyền bè có thể qua lại được, lòng sông cứ ngày càng thu hẹp và giờ đây chỉ còn là một kênh nước đen đặc chảy xuyên qua 6 quận nội thành.

Dọc khúc sông dài 14 km từ Cầu Giấy đến Thanh Trì có 280 cống xả thải. Những họng cống hình tròn, hình hộp, rộng từ một đến 5 mét, nằm trên thân bờ kè, cách nhau khoảng 50 mét. Dòng nước đen mà Tô Lịch tiếp nhận tương đương với 1/6 lượng nước thải sinh hoạt hàng ngày ở Hà Nội.

Để những dòng sông được hồi sinh!
Công nhân tiến hành kè bờ, lắp đặt đường ống riêng dẫn nước thải bên bờ sông Tô Lịch.

Mỗi ngày, người dân Thủ đô giật bồn cầu, nấu ăn, tắm giặt... xả ra khoảng 900.000 m3 nước thải sinh hoạt. Chưa kể, còn khoảng 300.000 m3 nước thải công nghiệp, y tế, làng nghề. Hơn 2.000 cơ sở sửa chữa, rửa xe, kinh doanh xăng dầu thải trực tiếp dầu, mỡ ra hệ thống thoát nước. Nước thải sinh hoạt mang theo cặn bã hữu cơ, xà phòng, hóa chất, kim loại nặng và vi trùng gây bệnh đổ vào cống chung của Thành phố.

Chảy qua hệ thống cống rãnh chằng chịt cho đến khi ra mương, sông, nước chuyển màu đen. Lượng dầu mỡ trong nước luôn dao động 0,5-2,5 mg/l, cao hơn quy định cho phép 2-3 lần. Dòng nước ô nhiễm chảy về trạm bơm và bơm ra sông Hồng, sông Đáy, gây ảnh hưởng đến các nhà máy nước sạch khu vực hạ lưu.

Nhiều năm qua, công tác giải quyết vấn nạn ô nhiễm trên sông Tô Lịch, đặc biệt là khai thác hiệu quả không gian cảnh quan hai bên bờ sông luôn được Thành phố Hà Nội coi trọng. Giờ đây, hai bên bờ sông Tô Lịch đã được xây kè. Việc nạo nét cũng thường xuyên hơn. Phượng vỹ và bằng lăng cũng được trồng dày hai bên bờ để làm dịu bớt vẻ chật hẹp và ô nhiễm của dòng sông.

Bờ kè bên phía Đường Láng cũng đã được cải tạo thành nơi đi bộ, của người dân, Thành phố đang nghiên cứu cho xây dựng 3 cầu vượt đi bộ nối liền hai bờ sông... Tuy nhiên, vấn đề dường như chưa giải quyết triệt để. Các chuyên gia môi trường đô thị cho rằng, khó khăn lớn nhất cản trở việc xử lý triệt để nguồn ô nhiễm ở con sông này là lượng bùn, chất thải khổng lồ dưới lòng sông, sẽ khó xử lý nếu nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp cứ tiếp tục chảy vào mỗi ngày.

Nguyên nhân là vậy, song từ nhiều năm qua, việc làm sạch dòng sông Tô Lịch vẫn đang khá bế tắc, cùng với đó các dòng sông khác như sông Kim Ngưu, sông Nhuệ... cũng đang “chết dần” bởi chính sự tác động của quá trình đô thị hóa.

...Đến bước ngoặt hồi sinh

Có thể nói, nước thải không qua xử lý đem theo nhiều tạp chất đã và đang làm ô nhiễm nguồn nước không những trên bề mặt mà còn cả các nguồn nước ngầm... Nước ô nhiễm ngấm vào đất, ảnh hưởng đến việc trồng trọt. Do đó, từ nhiều năm nay Hà Nội đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch để giải quyết tình trạng này.

Để những dòng sông được hồi sinh!
Ảnh minh họa

Đơn cử như việc thí điểm áp dụng công nghệ nước ô nhiễm tại sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản, chế phẩm Redoxy – 3C để vệ sinh nước sông, hồ, công nghệ bè Thủy sinh, công nghệ tách dầu mỡ khỏi nước thải.. Tuy nhiên, đây chỉ là những thí điểm ngắn hạn, chỉ mang tính cục bộ và chưa thể hiện được hiệu quả. Chiến lược dài hơi được Hà Nội lựa chọn là xây dựng các trạm thu gom nước thải về các nhà máy xử lý nước thải.

Theo nhiều chuyên gia, dù vẫn còn những thiếu sót, bất cập, nhưng biện pháp dẫn nước sông Hồng bổ cập nước Hồ Tây từ đó cải thiện nước sông Tô Lịch là giải pháp hợp lý nhất tại thời điểm này, đặc biệt là trong tương lai khi dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành và đi vào hoạt động.

Để triển khai, Thành phố đã tiến hành đầu tư, xây dựng “Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá” tại xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, với quy mô xây dựng trên phạm vi khoảng 4.874 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 16.293 tỷ đồng, trong đó bao gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m³/ngày-đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, cống đấu nối dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Đông. Tổng chiều dài toàn tuyến dự kiến là khoảng 52,621 km, đường kính từ 315 - 2.200 mm.

Dự án, được Thành phố Hà Nội xác định là công trình trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội khi thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân 7 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và một phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông. Dự án được chia thành bốn hợp phần, bao gồm xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày-đêm; xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ; xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới; xây dựng hệ thống cống bao sông Tô Lịch và cống chính (gói thầu số 2). Mục tiêu của dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ.

Hiện tại, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy Yên Xá, dọc hai bờ sông Tô Lịch tại khu vực đường Nguyễn Đình Hoàn, quận Cầu Giấy và Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, một số hạng mục cống ngầm cũng đang được lắp đặt. Theo quan sát, tại khu vực công trường nằm trên đường Nguyễn Đình Hoàn các công nhân đã tiến hành lắp đặt hệ thống cọc cừ larsen chống sạt lở, sau đó xử lý chôn ống thu gom nước thải và thi công trải bê tông, làm hố ga. Tiếp đó, mỗi một đoạn ống thu gom đều được đấu nối với 1 trụ bê tông có tác dụng như hố ga nhằm tách nước thải sinh hoạt khỏi sông Tô Lịch.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội, gói thầu “Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính” có vị trí quan trọng nhất trong bốn gói thầu của Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Gói thầu này có chiều dài 21,66 km, trong đó gần 13 km đi ngầm, hơn 8 km đào mở được chính thức thi công từ ngày 18/5, do nhà thầu Nhật Bản thực hiện theo phương pháp khoan kích ngầm (công nghệ Pipe Jacking).

Để thi công gói thầu này, đơn vị thi công sẽ xây dựng đường ống ngầm dưới lòng sông Tô Lịch có độ sâu từ 6 đến 19 m. “Phương pháp này sẽ bảo đảm vấn đề môi trường, tài sản nhà cửa, giao thông trên mặt đất, giữ được cảnh quan và quan trọng nhất là không phải giải phóng mặt bằng gây tốn kém về nguồn lực” - ông Hùng cho hay.

Nhiều năm qua, người dân Thành phố Hà Nội phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường từ nước thải, xả thẳng xuống sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ… Vì thế, việc thi công nhanh Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá cùng hệ thống cống ngầm thu gom sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận nước thải của bảy quận, huyện trên địa bàn và toàn bộ nước thải của 7 quận, huyện sẽ được xử lý, góp phần bảo vệ môi trường.

Bài toán đặt ra, đó là làm sao khi hệ thống thu gom nước thải đi vào hoạt động, vẫn phải đảm bảo mực nước tối thiểu để duy trì hệ sinh thái trong sông Tô Lịch nhằm tạo cảnh quan cũng như nhu cầu tự làm sạch. Đặc biệt, phải tạo ra được dòng chảy cho sông Tô Lịch, bởi nhắc đến dòng sông phải có dòng chảy...

Nếu đối chiếu theo những yêu cầu này thì nếu chỉ 1 dự án là chưa đủ sức để “hồi sinh” sông Tô Lịch, mà phải cùng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Điều này chưa thể hoàn thành trong một sớm một chiều nhưng đó là mục tiêu chung hướng đến, bởi đây chính là mong mỏi, chờ đợi của người dân Thủ đô trong suốt nhiều năm qua./.

Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày, đêm. Tổng mức đầu tư được duyệt là gần 16.300 tỷ đồng do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Khởi công từ 2016, nhưng đến năm 2019 dự án mới chính thức khởi động. Dự án gồm 4 gói thầu chính. Gói thầu số 1 (xây dựng nhà máy xử lý nước tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) và số 4 (xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới) đã khởi công trong năm 2019.Gói thầu số 2 (xây dựng hệ thống cống bao quanh sông Tô Lịch và cống chính) và số 3 (xây dựng hệ thống thu gom nước thải tại sông Lừ) vừa được triển khai vào tháng 5. Ban quản lý dự án cho hay các hạng mục chính của dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2022.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này