Tiếp tục nâng cao đời sống của nông dân

14:30 | 15/12/2020
(LĐTĐ) Ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII xây dựng Chương trình 04: “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, các sở, ban, ngành của Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả chương trình.
Kết quả ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Oai Huyện Phú Xuyên: Đầu tư hơn 3.792 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới Triển khai các giải pháp để cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xây dựng 10 Chương trình công tác lớn để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, trong đó có Chương trình 04: “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Để triển khai hiệu quả các chương trình công tác, Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đối với mỗi chương trình, kế hoạch phải đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ, phù hợp với thực tế.

Tiếp tục nâng cao đời sống của nông dân
Giai đoạn 2020-2025, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân (Ảnh: Mạnh Quân)

Theo đó, để thực hiện hiệu quả Chương trình 04 của Thành ủy khóa XVII, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, các giải pháp đột phá gồm: Tăng quy mô diện tích đồng ruộng và mở rộng sản xuất hàng hóa lớn tập trung.

Thành phố đề xuất chính sách, giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình thuê, góp đất trong sản xuất nông nghiệp giữa các hộ sản xuất và các doanh nghiệp, kết nối hộ nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; Cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó cần tập trung vào một số lĩnh vực, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh có tính đột phá chủ yếu như sản xuất cây, con giống, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo quản, chế biến nông sản.

Rà soát, điều chỉnh lại các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, các vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình thực hành tốt gắn với tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nhiệm kỳ 5 năm. Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, văn minh, hiện đại; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; tăng cường nguồn lực và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn với quy hoạch.

Đầu tư xây dựng hạ tầng khung một số huyện phát triển thành quận theo kế hoạch, lộ trình của Thành phố; Thực hiện có hiệu quả các chương trình và chính sách giảm nghèo, lồng ghép có hiệu quả các chương trình trên cùng một địa bàn; Giải quyết việc làm cho nông dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng dân tộc miền núi và đồng bằng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất bằng cách tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể với nòng cốt là “hợp tác xã”.

Phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết, hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn; tạo nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển dịch vụ ở khu vực nông thôn, nhất là dịch vụ chế biến và tiêu thụ nông sản. Triển khai Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng, từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn bằng việc đổi mới nội dung, chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo cho lao động nông thôn, kết hợp hiệu quả giữa lý thuyết và thực hành; đào tạo xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của xã hội phù hợp với từng địa phương; Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, coi đây là khâu đột phá đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển.

Nâng cao hiệu quả các đề tài, dự án khoa học, tăng cường và củng cố các tổ chức và đội ngũ làm công tác khoa học công nghệ. Khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách của Trung ương và Thành phố đối với sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường liên kết với các trường, học viện tập trung đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ… trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về nông nghiệp trong tất cả các lĩnh vực về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; quản lý phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh; công tác đê điều, thủy lợi phòng chống thiên tai...

Tại các địa phương, việc triển khai Chương trình 04 của Thành ủy cũng được chú trọng. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh cho biết, trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Phúc Thọ sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để sớm xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến.

Để đạt được mục tiêu này, huyện sẽ duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt theo quy định, hướng dẫn của thành phố; hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo quy hoạch; hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn ở khu dân cư kết nối với trục giao thông liên xã, tỉnh lộ, quốc lộ; tiếp tục đầu tư kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng, đáp ứng yêu cầu sản xuất tập trung, hiện đại, công nghệ cao.

Cuộc vận động “Ba sạch” (Nước sạch - môi trường sạch - nông nghiệp sạch) là điểm sáng tạo của Phúc Thọ trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 sẽ tiếp tục được thực hiện với yêu cầu, chất lượng cao hơn./.

Mạnh Quân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này